Giải cứu cá sấu 6 năm mắc kẹt trong lốp xe ở Indonesia
Một con cá sấu hoang dã mắc kẹt với chiếc lốp xe máy quanh cổ trong 6 năm cuối cùng đã được một thợ săn chim Indonesia giải thoát.
Con cá sấu cái nước mặn dài 4,5 mét từ lâu đã trở thành một biểu tượng đối với người dân ở Palu, thủ phủ tỉnh Trung Sulawesi, Indonesia. Con ‘quái vật’ xuất hiện trên sông của thành phố với chiếc lốp xe quấn quanh cổ ngày càng căng hơn và có nguy cơ khiến chính con cá sấu bị nghẹt thở.
Các quan chức khu bảo tồn đã nỗ lực giải cứu con cá sấu kể từ khi cư dân phát hiện thấy loài bò sát này vào năm 2016, nhưng đều thất bại. Năm 2020, nhà bảo vệ cá sấu người Úc Matthew Wright và nhà sinh vật học động vật hoang dã người Mỹ Forrest Galante đã thử tiếp tục giải thoát cho loài bò sát này nhưng vẫn nhận lại một kết quả tương tự.
Đến thời điểm đầu tháng 1/2022, người buôn bán và săn bắt chim 35 tuổi, anh Tili - một cư dân mới chuyển đến thành phố, đã nghe hàng xóm của mình kể về con cá sấu nổi tiếng và quyết tâm giải cứu loài bò sát này sau khi nhiều lần bắt gặp nó tắm nắng ở một cửa sông gần đó.
“Tôi có kinh nghiệm và kỹ năng trong việc bắt động vật, không chỉ chim, mà cả những loài động vật trang trại sống bên ngoài lồng sắt”, Tili tự hào. “Tôi tin rằng mình có thể giải cứu con cá sấu bằng chính kỹ năng của mình”.
Tili đã xâu những sợi dây nhiều kích cỡ vào một cái bẫy và buộc vào một gốc cây gần sông. Sau đó anh thả gà, vịt và chim chóc vào làm mồi nhử. Sau ba tuần chờ đợi và nhiều lần thất bại, con cá sấu cuối cùng cũng sập bẫy vào đêm ngày 7/2. Với sự giúp đỡ của hai người bạn, Tili đã kéo con cá sấu bị mắc kẹt lên bờ và cưa đôi chiếc lốp cao su có đường kính 50 cm.
Một đoạn video được lan truyền rộng rãi trên mạng đã cho thấy hình ảnh một đám đông những người đàn ông đang hò reo gần cửa sông khi Tili và những người bạn của anh thả con cá sấu ra khỏi bẫy. Những cư dân khác sau đó đã ngay lập tức liên hệ với lực lượng cứu hỏa và một cơ quan bảo tồn động vật hoang dã để giúp họ thả con vật trở lại tự nhiên.
Haruna Hamma, người đứng đầu cơ quan bảo tồn tỉnh Trung Sulawesi, khẳng định: “Đối với tất cả những nỗ lực mà Tili đã làm cho loài động vật hoang dã được bảo vệ này đã chứng minh anh là một người yêu động vật, đó là một dấu mốc quan trọng”.
Haruna cũng không rõ bằng cách nào mà một chiếc lốp xe máy cũ lại mắc vào cổ của con cá sấu này. Các nhà bảo tồn cho rằng có khả năng con cá sấu đã bị người dân cố tình đặt bẫy để làm thú cưng hoặc lột da để bán nhưng thất bại. Một giả thuyết khác cho rằng, cá sấu và các loài bò sát dưới nước khác thường bơi vào những vùng nước đầy rác thải và không điều gì có thể ngăn cản lốp xe bao vây chúng.
Dữ liệu của chính phủ quốc gia đã ghi nhận 279 vụ cá sấu tấn công ở Indonesia, quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới với hơn 17.000 hòn đảo, từ năm 2007 đến năm 2014. Trong số này, có tới 268 vụ cá sấu nước mặn tấn công, trong đó 135 trường hợp đã tử vong. Bất chấp các cuộc tấn công, loài cá sấu nước mặn vẫn được bảo vệ theo luật pháp Indonesia.