Gian nan sự học dưới những tán rừng già

Nằm sâu trong những dãy rừng già, tách biệt so với trung tâm, giao thông đi lại khó khăn, cuộc sống của hơn 20 hộ dân ở bản Khà, xã Sơn Thủy (Quan Sơn) bao năm vẫn cái nghèo đeo đẵng. Sự học của con em trong bản cũng không ngoại lệ. Chông chênh, đứt quãng...

Điểm trường bản Khà, Trường Mầm non Sơn Thủy, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn (ảnh to). Con đường ngược bản Khà sau cơn mưa rừng (ảnh nhỏ).

Sau 2 ngày nghỉ cuối tuần ngắn ngủi, cô Hà Thị Nhan (sinh năm 1981, ở xã Tam Lư) lại đồ đoàn lỉnh kỉnh ngược bản vùng cao để bắt đầu một tuần dạy mới. Được gặp lại các con, cô Nhan không giấu được niềm vui. Riêng hôm nay, cô ái ngại khi chuyến ngược bản sẽ vất vả cho chúng tôi - những người đồng hành, bởi những cơn mưa đêm qua khiến cho cung đường trở nên nhầy nhụa, trơn trượt.

Có hai sự lựa chọn để ngược bản Khà, ghé điểm trường của cô Nhan. Một tuyến dài hơn 20km ngược bản Sa Ná, sang Mùa Xuân, Ché Lầu. Tuy nhiên, cung đường này vướng thi công dự án, chưa thể đi được. Tuyến đường còn lại, ngắn hơn, chỉ 15km, nhưng lại là con đường đất nhỏ, hẹp, ngoằn ngoèo.

Đúng như lời cô Nhan, phải mất hơn 1 giờ đồng hồ, chúng tôi mới “chiến thắng” được con đường. Bản Khà, một trong những bản khó khăn nhất của xã Sơn Thủy. Nằm nép mình bên những vạt rừng già, điểm trường bản Khà, Trường Mầm non Sơn Thủy được cất dựng bằng những phên gỗ đẽo gọt thô sơ, lắp ghép nên có những khe gỗ luồn được cả cánh tay qua. Vào mùa đông, gió thốc vào, cô trò lạnh tê tái.

Nói là điểm trường, song chỉ 6 học sinh là được các phụ huynh đưa đến trường. Như thế là đông hơn những năm trước, chỉ 2, 3 học sinh mỗi kỳ, mỗi năm. Có thời điểm học sinh ốm, không đến trường thì có khi 1 cô, 1 trò. Điểm trường không tổ chức ăn bán trú nên các phụ huynh mang cơm gửi cô Nhan cho con ăn, ở lại đến chiều muộn, khi bản làng đã chìm trong bóng tối, phụ huynh mới đón con về nhà.

Nơi ở của cô Nhan là bức phên được ngăn cách của lớp học. Không có nhà bếp, nhà vệ sinh cũng hư hỏng không thể sử dụng, cô Nhan nói rất bất tiện. Nếu không vì trách nhiệm của một nhà giáo, tình yêu thương với các con thì với một phụ nữ như cô, khó có thể bám bản giữa đất núi, đất rừng thâm u, thiếu thốn cơ sở vật chất.

Rời điểm trường cô Nhan, tôi tiếp tục ghé điểm trường tiểu học bản Khà của thầy Vi Văn Nâm. Cả điểm trường có 3 học sinh, với 2 nhóm lớp (lớp 1 và lớp 2). Tôi thắc mắc, sao cả bản chỉ chừng ấy con em đến lớp? Thầy Nâm lý giải: Khối lớp 3, 4, 5 thì nhà trường đã vận động các cháu ra điểm trường chính để học; điểm trường chính cách nhà từ 15 đến 20km nên các em phải ăn, ở bán trú.

Cô Hà Thị Nhan cùng học sinh.

Cơ sở vật chất của điểm trường tiểu học bản Khà, Trường Tiểu học Sơn Thủy cũng rất khó khăn. Để có chỗ ăn, chỗ ngủ, thầy Nâm phải dùng bức phên ngăn cách với phòng học để trưng dụng. Một chiếc giường nhỏ, ngay cạnh là bếp nấu ăn. Thầy Nâm nói, không có nhà bếp nên nấu ăn luôn ở phòng ngủ cho tiện. Nhà thầy Nâm ở dưới trung tâm xã, nhưng cũng phải cuối tuần thầy mới về được với gia đình, vợ con. Vào mùa mưa, có thời điểm cả tháng thầy cũng mới về thăm nhà lấy đồ ăn, thức uống được 1 lần.

Bí thư chi bộ bản Khà Lữ Văn Sánh cho biết: Bản Khà có vỏn vẹn 24 hộ, hơn 100 nhân khẩu, nhưng 100% hộ nghèo. Bản được bao bọc bởi những cánh rừng già, núi cao, tách biệt so với trung tâm xã, cũng như các bản làng khác. Đến nay, con đường để ngược bản cũng chưa được đầu tư, bê tông hóa. Đời sống của bà con gần như tự cung, tự cấp rất khó khăn.

Thầy Hoàng Văn Sáu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Thủy, cho biết: Điểm trường bản Khà là một trong những điểm lẻ khó khăn nhất của trường. Sau nhiều nỗ lực, nhà trường đã vận động được học sinh lớp 3, 4, 5 ra điểm chính. Học ở điểm chính sẽ đảm bảo về cơ sở vật chất. Chất lượng giáo dục cũng được nâng lên. Nhưng, các con còn nhỏ, phải xa bố mẹ là rất thiệt thòi. Bên cạnh đó, việc nhà trường không thực hiện ăn bán trú, buộc phải gửi học sinh sang trường THCS rất bất tiện.

Để giảm thiểu sự khó khăn, vất vả của các thầy cô cắm bản, ban giám hiệu Trường Tiểu học Sơn Thủy cũng thường xuyên thực hiện điều chuyển giữa các giáo viên. Nói về mong mỏi, thầy Sáu mong đường giao thông đến bản sớm được đầu tư. Đường đi thuận lợi sẽ góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống bà con, cũng như rút ngắn khoảng cách, sự vất vả của con em đến trường.

Được biết, thời gian qua, để góp phần nâng cao đời sống của bà con bản Khà, nhiều chương trình về hỗ trợ cây, con giống đã được triển khai. Tuy nhiên, do bất cập về giao thông nên việc phát triển kinh tế của bà con gặp nhiều khó khăn. Kỳ vọng thời gian tới, khi huyện Quan Sơn đang tập trung nguồn lực để đầu tư hai tuyến đường giao thông mới. Một tuyến nối từ bản Thủy Thành đi bản Khà và tuyến còn lại nối từ bản Mùa Xuân đi bản Khà. Đây sẽ là những con đường mở hướng thoát nghèo cho bà con.

Bài và ảnh: Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/gian-nan-su-hoc-duoi-nhung-tan-rung-gia/211006.htm