Giáo viên đang sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học như thế nào?
Học đi đôi với hành, vừa là nguyên lý giáo dục vừa là phương pháp học tập hiệu quả, học sinh được thực hành làm hứng thú học tập tăng lên.
Thực hiện chương trình 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu của mỗi cấp học. Nói cách khác, khi thực hiện chương trình mới, các cơ sở giáo dục phải có thiết bị dạy học ít nhất như quy định của Bộ.
Kế hoạch bài dạy của giáo viên có tiểu mục đồ dùng, thiết bị dạy học chuẩn bị cho tiết dạy. Ngoài ra, mỗi giáo viên đều phải lên kế hoạch sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học hàng năm, hàng tháng, hàng tuần.
Báo cáo sơ kết, tổng kết của nhà trường đều có mục sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học của giáo viên trong trường với số liệu báo cáo rất “đẹp”.
Học đi đôi với hành, vừa là nguyên lý giáo dục vừa là phương pháp học tập hiệu quả. Đặc biệt, khi được thực hành, được tận mắt thấy thầy cô biểu diễn, niềm tin, hứng thú học tập của học sinh sẽ tăng lên.
Vì thế, vai trò, vị trí, của đồ dùng thiết bị dạy học với giáo dục cực kì quan trọng, cũng là yếu tố làm nên thành công của chương trình mới.
Thực tế lại khác, dù chuẩn bị thực hiện thay sách lớp 4, lớp 8, lớp 11 như thiết bị dạy học tối thiểu vẫn là bài toán đau đầu của các hiệu trưởng.
Việc sử dụng trang thiết bị dạy học ở các địa phương trên cả nước đang diễn ra như thế nào? Đã được cấp trang thiết bị dạy học, giáo viên có sử dụng không?
Cô Nguyễn Thị Trang, phụ trách thiết bị của một trường học phía Nam chia sẻ: “Năm học 2021-2022 trường tôi có ba lớp 6, năm học 2022-2023 mới được cấp về 3 bộ máy vi tính và 3 ti vi cho ba lớp học.
Ti vi, máy tính cấp về cho lớp 6 năm học 2021-2022, năm nay các em đã lên lớp 7, nên nhà trường cho lắp ráp tại phòng lớp 7, coi như lớp 6 năm học 2022-2023 chưa có thiết bị này.
Năm học 2022-2023 vừa qua, tôi thấy số lượt giáo viên dạy sử dụng máy tính và ti vi để dạy học rất ít, chủ yếu chỉ sử dụng trong các tiết dạy có người dự giờ được báo trước hoặc các tiết dạy hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện.
Không chỉ ti vi, máy tính trong phòng học, các thiết bị khác cũng có tình trạng tương tự, giáo viên rất ngại sử dụng để dạy học.
Dù thực tế như vậy nhưng tôi vẫn phải làm báo cáo hàng tháng, hàng quý số lượt giáo viên sử dụng đồ dùng dạy học cho đẹp, nếu không sẽ ảnh hưởng đến thi đua của bản thân và nhà trường”.
Thầy giáo Nguyễn Văn Nam dạy Hóa học tại một trường trung học cho biết: “Đồ dùng thiết bị dạy học chương trình 2006 cấp về hơn chục năm rồi, tự nó đã xuống cấp, khó có thể sử dụng được, nên giáo viên ngại sử dụng.
Trong các thí nghiệm ở môn Hóa học, yếu tố thí nghiệm phải thành công được giáo viên coi trọng nhất, vậy mà hóa chất không đủ, không đảm bảo chất lượng, làm thí nghiệm mà cứ phập phù thì ai dám làm.
Trong các tiết thực hành, an toàn với học sinh phải là yếu tố quan trọng nhất, nhưng dụng cụ thiếu, hóa chất không đủ, không đảm bảo chất lượng, nguy cơ mất an toàn cao, giáo viên cũng không dám cho học sinh thực hành.
Với môn Vật lý cũng khá nan giải, sau một thời gian sử dụng, tính chính xác không còn, tình trạng hư hỏng xảy ra, sử dụng coi chừng bị điện giật …
Ngay bản thân tôi rất thích sử dụng đồ dùng để dạy học, vì nó trực quan, dễ hiểu, học sinh thích thú, dạy tiết chuyên đề tôi đã phải đi cả chục trường mượn dụng cụ, xin hóa chất mà có đủ đâu.
Vì thế, giáo viên rất “ngại” sử dụng đồ dùng thiết bị dạy học cũng có yếu tố khách quan, do thiếu thiết bị.
Bên cạnh đó, nói thật là, kiểm tra, thi cử của chúng ta không có bài ra phải vận dụng thí nghiệm thực hành để làm bài, nên dạy “chay” cũng không ảnh hưởng đến thi cử của học sinh”.
Khi được hỏi không làm thí nghiệm, không sử dụng đồ dùng dạy học, tại sao ít ai thấy vấn đề này, thầy giáo Nguyễn Văn Nam giọng bùi ngùi chia sẻ: “Nói thật, chúng tôi không muốn thế đâu, nhưng vẫn phải làm thế.
Đầu tuần, chúng tôi căn cứ vào thời khóa biểu, phân phối chương trình, gửi bản yêu cầu thiết bị, đồ dùng cho nhân viên phụ trách thiết bị, nhưng thực tế chưa chắc đã có thiết bị, đồ dùng để họ chuẩn bị cho mình.
Nhân viên phụ trách thiết bị cũng phải vô sổ theo dõi, ký nhận, ký trả, nên số liệu ở trong sổ vẫn rất đủ”.
Đôi điều kiến nghị:
Thứ nhất, chương trình mới đòi hỏi có dụng cụ, thiết bị dạy học để giáo viên làm thí nghiệm trực quan, học sinh làm thí nghiệm để khai thác và hình thành kiến thức. Vì vậy, các địa phương phải nhanh chóng cung cấp đồ dùng, thiết bị dạy học ngày từ đầu năm học.
Thứ hai, hàng năm, các cơ sở giáo dục phải mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học theo yêu cầu của giáo viên bộ môn.
Thứ ba, trong đề kiểm tra, đề thi học sinh giỏi, đề tuyển sinh cần có nội dung liên quan đến thực hành, thí nghiệm, trải nghiệm cuộc sống, nhằm định hướng dạy học cho các cơ sở giáo dục.
Thứ tư, nên tổ chức kì thi học sinh giỏi thực hành cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tổ chức được kì thi học sinh giỏi thực hành, chắc chắn các cơ sở giáo dục sẽ mua sắm bổ sung trang thiết bị, học sinh sẽ được học trực quan, giáo viên phải tận dụng mọi điều kiện để dạy thực hành.
Thứ năm, cần kiểm định chất lượng đồ dùng, thiết bị dạy học tương đương quy chuẩn quốc tế. Đồ dùng, thiết bị dạy học cần đảm bảo tính an toàn, tính chính xác, tính khoa học, tính thẩm mĩ trước khi cấp cho các cơ sở giáo dục.
Thứ sáu, chương trình bồi dưỡng sách giáo khoa, các nhà xuất bản, tác giả viết sách, cần tăng cường thời lượng hướng dẫn sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học nhiều hơn.