Gìn giữ, phát huy giá trị di tích: 'Sức mạnh' cộng đồng, dòng họ
Với hơn 1.500 di tích đã được kiểm kê, Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số lượng di tích lớn bậc nhất cả nước. Ngoài các di tích trọng điểm thì di tích lịch sử văn hóa: đình làng, đền thờ, nhà thờ danh nhân, bậc công thần... trong lịch sử dân tộc chiếm số lượng lớn. Để bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích ở mỗi địa phương, vai trò của cộng đồng, dòng họ là vô cùng quan trọng.
Trong hơn 20 năm trở lại đây, Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền thờ và lăng mộ tướng công Bùi Khắc Nhất được trùng tu nhiều hạng mục, trong đó phần lớn kinh phí trùng tu từ nguồn xã hội hóa.
Xã Minh Tân (Vĩnh Lộc) có đến 18 di tích, trong đó có 4 di tích đình làng. Đình làng Bồng Hạ xã Minh Tân được khởi dựng đầu thế kỷ XX với kiến trúc 5 gian, 6 vì kèo và được chống đỡ bởi 24 cây cột. Với những giá trị lưu giữ, đình làng Bồng Hạ được xếp hạng cấp tỉnh năm 2005. Tuy nhiên, trải qua thời gian, đình làng Bồng Hạ xuống cấp nghiêm trọng. Để giữ được không gian văn hóa làng - nơi thờ Thành hoàng và hội họp các vấn đề của làng, trùng tu di tích là yêu cầu bắt buộc. Sau khi được các cấp, ngành hướng dẫn quy trình, thủ tục cũng như phương án trùng tu đúng quy định, vấn đề nan giải nhất chính là nguồn kinh phí cho việc trùng tu theo dự toán lên đến hàng tỷ đồng. Dù người dân trong làng sẵn sàng hưởng ứng đóng góp, tuy nhiên để có thể kêu gọi được số tiền lớn cho việc trùng tu di tích, cần có những “mạnh thường quân” ủng hộ.
Ông Trịnh Quốc Tuấn, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, trưởng làng văn hóa Bồng Hạ, nhớ lại: “Để việc trùng tu đình Bồng Hạ thành công thì việc tuyên truyền, vận động, kêu gọi mỗi gia đình, người dân nhận thức được giá trị, ý nghĩa của di tích và nhiệt tình ủng hộ là rất quan trọng. Từ việc nhận thức đúng, bản thân mỗi người dân, gia đình, dòng họ lại đóng vai trò “cầu nối” đến con em đang làm ăn, sinh sống xa quê có điều kiện kinh tế hướng về quê hương. Điều đáng nói, 100% kinh phí trùng tu đình được huy động từ nguồn xã hội hóa. Trong đó, chỉ riêng ông Trịnh Song Hào đã ủng hộ 80% tổng kinh phí trùng tu”.
Xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) nổi danh là đất học, nơi đây còn được biết đến là vùng quê di tích và có đến 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Một trong số đó là Di tích đền thờ và lăng mộ tướng công Bùi Khắc Nhất - nhân vật lịch sử thời Lê Trung hưng. Sau khi mất, ông được triều đình ban phong “phúc thần” của làng. Theo các tư liệu lịch sử, ban đầu, đền thờ được triều đình phong kiến đương thời cấp kinh phí xây dựng, sau đó giao cho làng xã và dòng họ quản lý, vì ông là Thành hoàng làng - Thượng đẳng thần.
Đi qua thời gian hơn 400 năm với biến động, thăng trầm lịch sử... thật khó tránh việc di tích hư hỏng, xuống cấp. Tri ân tiền nhân, với lòng tự hào, tôn kính dành cho cụ Thượng Bùi (tức cụ Bùi Khắc Nhất), nhiều năm qua, con cháu trong dòng họ luôn nhiệt tâm đóng góp tiền bạc, công sức để tu sửa đền thờ và lăng mộ cụ được khang trang, xứng tầm. Chỉ trong hơn 20 năm trở lại đây, di tích đã được trùng tu, tôn tạo bốn lần ở nhiều hạng mục: nhà tiền đường, trung đường, nhà bia, nhà khách... tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí Nhà nước các cấp hỗ trợ 400 triệu đồng, còn lại do đông đảo con cháu xa gần trong dòng họ, người dân, du khách thập phương phát tâm công đức. Người có ít góp ít, người có nhiều góp nhiều, góp công sức, dốc tâm huyết... chăm lo cho chốn thiêng di tích.
Ông Bùi Khắc Thái, Chủ tịch cộng đồng họ Bùi tỉnh Thanh Hóa, Trưởng ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa đền thờ và lăng mộ tướng công Bùi Khắc Nhất tự hào: “Người xưa thường nói, có phúc có phần. Cũng bởi phúc ấm cụ Thượng Bùi để lại mà con cháu dòng họ Bùi mỗi ngày đông đúc, cuộc sống ấm no, phồn vinh. Cuộc đời, sự nghiệp của cụ Thượng Bùi là niềm tự hào, tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Đền thờ, lăng mộ cụ là địa chỉ - điểm tựa tâm linh để con cháu dòng tộc nhớ về nguồn cội. Có được diện mạo của khu di tích như ngày hôm nay là tấm lòng của cả tập thể cộng đồng, dòng họ nhớ về tiên tổ”.
Từ một “phế tích”, đền thờ Trình Minh xã Hà Châu (Hà Trung) đã được người dân địa phương và cộng đồng con cháu dòng họ từ khắp nơi trong cả nước đóng góp để tôn tạo. Để đến hôm nay, Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Trình Minh đang từng bước trở thành địa chỉ văn hóa - tâm linh trên địa bàn xã.
Theo những tài liệu còn lưu lại, Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền thờ Trình Minh là nơi thờ vị công thần có nhiều đóng góp giúp Vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. Từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn, ông được các triều đại phong kiến 15 lần ban sắc phong. Trong đó, sắc phong thời Bảo Đại phong ông là “Trác Vĩ Thượng đẳng thần”.
Biết ơn công lao đóng góp của tướng Trình Minh đối với đất nước, quê hương, Nhân dân làng Chuế Khu (Ngọc Chuế, xã Hà Châu ngày nay) đã tôn ông là Thành hoàng làng, lập đền thờ phụng. Trải qua thời gian, chiến tranh, ngôi đền xưa nhiều năm trước đã bị phá hủy, chỉ còn lại lư hương nằm dưới chân núi Phượng cùng những sắc phong. Trước thực trạng đó, năm 2012 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí chống xuống cấp cho di tích. Dù nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ không nhiều, song lại mang ý nghĩa quan trọng, là yếu tố kích cầu để từ đây địa phương, dòng họ Trình kêu gọi cháu con từ khắp mọi miền Tổ quốc hướng về tổ tiên, nguồn cội. Chỉ trong thời gian ngắn, số tiền huy động từ nguồn xã hội hóa đã lên đến cả tỷ đồng. Nhờ sự nỗ lực chung tay đóng góp tâm huyết, tiền tài, vật lực của cả cộng đồng - dòng họ, năm 2013 Di tích đền thờ Trình Minh trên địa bàn xã Hà Châu đã được tôn tạo xứng tầm.
Cùng với việc tôn tạo, vấn đề gìn giữ, phát huy giá trị di tích cũng được con cháu trong dòng họ Trình nghiêm túc đặt ra. Vì thế, dòng họ đã bầu hội đồng gia tộc gồm 15 thành viên chuyên chăm lo các vấn đề liên quan đến di tích; hàng năm phối hợp với các trường học trên địa bàn xã tổ chức cho học sinh về tham quan, dâng hương, nghe giới thiệu về nhân vật lịch sử, giá trị di tích, qua đó giáo dục truyền thống, để thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử và nhớ về nguồn cội.
Đánh giá về vai trò của cộng đồng, dòng họ trong việc trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích ở các địa phương, ông Phạm Văn Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa, cho biết: “Hầu hết các di tích lịch sử văn hóa, đền thờ danh nhân hiện hữu ở các địa phương trên địa bàn tỉnh xuống cấp. Trong khi nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho các di tích trùng tu, chống xuống cấp hàng năm còn nhiều khó khăn thì việc huy động nguồn xã hội hóa đối với các di tích lịch sử văn hóa nói chung là vô cùng quan trọng và cần thiết. Song nhìn chung, ở đâu tính cố kết dòng họ cao, lãnh đạo địa phương biết cách tuyên truyền, khơi dậy lòng tự hào về lịch sử dân tộc và niềm ngưỡng mộ người xưa, thì ở đó việc kêu gọi kinh phí xã hội hóa cho trùng tu, tôn tạo gắn với phát huy giá trị di tích - di sản cha ông để lại sẽ đạt được hiệu quả tích cực”.