Giỗ Tổ Hùng Vương - tín ngưỡng 'độc nhất vô nhị'
Kế thừa truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhất là ý thức 'về nguồn, chung cội' được nhân lên mạnh mẽ qua thời gian, mồng 10 tháng 3 hàng năm đã trở thành một ngày Quốc lễ, một ngày thiêng liêng trọng đại đối với cả dân tộc.
Với nhân dân cả nước, từ lâu Đền Hùng đã được coi là nơi thờ phụng các bậc tiền nhân đã có công lập nước và ngày giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Lễ hội Đền Hùng đã đi sâu vào tiềm thức mỗi người dân đất Việt, giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.
Là người con đất Việt, dù ở phương trời nào, cứ mỗi độ tháng 3 âm lịch về, lòng mỗi chúng ta không khỏi trào dâng cảm xúc, bồi hồi xúc động khi hướng về vùng đất Cội nguồn, thành kính dâng lên các Vua Hùng những nén tâm nhang. “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba” đã trở thành lời nhắn gửi, nhắc nhở mọi người dân Việt tìm về lễ hội thiêng liêng, thành kính: Giỗ Tổ Hùng Vương.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Hoàng Anh, việc thờ cúng Hùng Vương đã tồn tại trong đời sống cộng đồng người Việt từ rất xa xưa và là nét đẹp của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tỏ lòng biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là đỉnh cao tâm thức dân tộc và Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành lễ hội văn hóa lớn của dân tộc. Lễ hội Đền Hùng là sự thể hiện một tín ngưỡng “độc nhất vô nhị” trong tâm thức dân gian Việt Nam: tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trải qua thời gian, vượt qua các thể chế chính trị, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã vận động, biến đổi và trở thành một hiện tượng văn hóa - tín ngưỡng đa nghĩa, đa giá trị.
Vị thế của một vị thánh vương, với tư cách là một thủy tổ của dân tộc đã tạo ra sự đồng thuận này. Từ thời nhà Lê đã cho biên soạn ngọc phả “Hùng đồ thập bát diệp thánh vương ngọc phả cổ truyền” vào năm Nhâm Thìn (1472), trong đó ghi chép các thần tích về Hùng Vương. Các vương triều kế tiếp như nhà Lê - Trịnh, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn (1802-1945) nhiều lần phong sắc cho các làng xã ở Phú Thọ thờ cúng Thánh tổ Hùng Vương, cấp đất đai cho các làng xã cấy trồng, lấy hoa lợi thờ cúng Hùng Vương.
Trước năm 1945, nhà Nguyễn vẫn duy trì việc giao cho quan lại tỉnh Phú Thọ về chủ trì các nghi lễ thờ cúng Hùng Vương ở các ngôi đền trên núi Nghĩa Lĩnh. Sau năm 1945, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng việc duy trì lễ hội đền Hùng và thờ cúng Hùng Vương. Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đánh dấu bước ngoặt lịch sử mới của dân tộc ta.
Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” nên giỗ Tổ Hùng Vương 1946 – sau khi Chính phủ mới được thành lập – là một sự kiện hết sức đặc biệt, đáng ghi nhớ. Năm ấy, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước đã thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lên làm lễ dâng hương tại Đền Hùng. Cụ mặc áo the, khăn xếp, khấn vái theo lễ tục cổ truyền. Cụ còn trang trọng dâng lên bàn thờ tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm là hai vật báu nói lên ý chí của Chính phủ và nhân dân ta trước họa xâm lăng đang đe dọa trở lại. Từ ấy đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc thờ cúng Hùng Vương thể hiện trên nhiều phương diện.
Từ năm 2007, ngày này cũng được chính phủ Việt Nam quy định là ngày nghỉ lễ. Với những giá trị quý giá về tinh thần, ngày 6/12/2012, tại Paris (Pháp), UNESCO đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Diệp Anh
(Ảnh tư liệu do nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Hoàng Anh cung cấp)
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/gio-to-hung-vuong-tin-nguong-doc-nhat-vo-nhi-105880.html