Hà Nội mở rộng phố đi bộ: Càng đông liệu có càng vui?
Việc Hà Nội có thêm nhiều tuyến phố đi bộ vào dịp cuối tuần là cần thiết với Thủ đô vốn thiếu điểm vui chơi công cộng cho người dân, song làm thế nào để tăng giá trị du lịch từ các không gian văn hóa này là bài toán đặt ra.
Số lượng hay chất lượng?
Không gian phố đi bộ mới nhất ở Hà Nội – tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây tại thị xã Sơn Tây đã đi vào hoạt động từ ngày 30/4. Tuyến phố có tổng chiều dài 820m, phạm vi hoạt động gồm phố Phó Đức Chính - Phan Chu Trinh - Nguyễn Thái Học, thời gian kéo dài từ 19 giờ thứ Bảy đến 12 giờ Chủ Nhật hàng tuần.
Theo ông Trần Anh Tuấn – Bí thư Thị ủy Sơn Tây, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đóng một vai trò quan trọng tạo ra một không gian văn hóa cộng đồng xung quanh tòa thành 200 năm tuổi, thu hút khách du lịch và nhân dân địa phương trở về Sơn Tây mỗi dịp cuối tuần. Từ đó, thúc đẩy các loại hình kinh tế dịch vụ và bảo tồn phát huy văn hóa xứ Đoài.
Ngoài Thành cổ Sơn Tây, Hà Nội đã có phố đi bộ hồ Gươm và quanh khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm), phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ). Là địa phương dẫn đầu xu hướng phát triển phố đi bộ trong không gian đô thị trên cả nước, thời gian tới, Thủ đô dự kiến mở thêm không gian đi bộ ở nhiều khu vực như quận Ba Đình với khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã (phường Trúc Bạch) và khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh). Hai quận khác cũng đang có kế hoạch mở phố đi bộ là quận Hoàng Mai tại Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3, dự kiến thí điểm vào cuối năm 2022 và quận Hai Bà Trưng với phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang, dự kiến vào đầu năm 2023.
Nhìn lại lịch sử phát triển mô hình phố đi bộ, ý tưởng đầu tiên được triển khai ở Hà Nội là không gian đi bộ quanh hồ Gươm. Đến nay, quận Hoàn Kiếm đã thêm 3 lần mở các tuyến phố đi bộ mới và mở rộng không gian đi bộ hiện có. Với lợi thế đặc biệt, không gian đi bộ quanh hồ Gươm đã mang lại thành công.
Từ thành công này, phố đi bộ Trịnh Công Sơn tiếp tục được triển khai vào giữa năm 2018. Tuy nhiên, trái ngược với không khí nhộn nhịp ở không gian đi bộ quanh hồ Gươm, sau 4 năm đi vào hoạt động, phố đi bộ Trịnh Công Sơn chỉ hút khách thời gian đầu. Ghi nhận thực tế cho thấy, các hoạt động trên phố này kém đặc sắc và hoạt động đơn lẻ. Nơi đây cũng từng được kỳ vọng trở thành sân khấu cho nghệ thuật truyền thống của các đoàn nghệ thuật đến từ nhiều đơn vị trên cả nước nhưng bất thành.
Có thể thấy, việc Hà Nội có thêm nhiều tuyến phố đi bộ vào dịp cuối tuần là niềm vui chung của người dân. Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, chủ trương này là cần thiết với Thủ đô vốn rất thiếu điểm vui chơi công cộng. Song, từ chủ trương tới thực tế vẫn còn một số điều cần phải lưu tâm từ những bất cập đang hiện hữu ở phố đi bộ Trịnh Công Sơn.
Phố đi bộ quanh hồ Gươm lâu nay là điểm đến quen thuộc của gia đình chị Võ Quỳnh Nga (quận Ba Đình) vào dịp cuối tuần. Nhà cửa chật chội, lại không có sân chơi cho trẻ con nên chị Nga cho hay, mỗi lần đến phố đi bộ, các con của chị được thỏa sức chạy nhảy, nô đùa. Thế nên, chị Nga rất mừng khi nghe thông tin Hà Nội sẽ mở rộng nhiều phố đi bộ. Tuy nhiên, theo chị Nga, dù phố đi bộ hồ Gươm thu hút được nhiều người dân nhưng vẫn còn một số điểm chưa thực sự hài lòng, nhiều hoạt động còn mang tính tự phát. “Phố đi bộ hiện nay chưa có điểm nhấn đặc biệt, chưa phát huy được hết những tiềm năng, giá trị văn hóa mà mới dừng lại là một không gian sinh hoạt công cộng” - chị Nga nhận xét.
Tương tự, anh Nguyễn Hoàng Sang (quận Hoàng Mai) cho rằng: “Tình trạng ở phố đi bộ Trịnh Công Sơn là một điển hình để cơ quan quản lý cần tính toán phương án để làm sao mô hình phố đi bộ khi mở ra hoạt động hiệu quả, chất lượng”.
Tăng giá trị du lịch cho phố đi bộ
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Hoàng Anh – Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam ủng hộ việc Thủ đô mở rộng thêm nhiều phố đi bộ để tạo không gian văn hóa, vui chơi, giải trí cho người dân.
Tuy nhiên, đánh giá về những những tuyến phố đi bộ đang hoạt động hiện nay, chuyên gia này nhìn nhận, phố đi bộ mới chỉ đơn thuần là không gian sinh hoạt cộng đồng chứ chưa khai thác hết được tiềm năng về kinh tế, du lịch, văn hóa. Có thể thấy, một số hoạt động trên tuyến phố đi bộ hồ Gươm vẫn tự phát như ca hát, nhảy hiện đại, bán hàng rong… chưa xứng tầm với đặc trưng văn hóa phố cổ.
“Không gian phố đi bộ hồ Gươm đang hoạt động thành công nhưng không có nghĩa là mô hình này khi mở ra ở các tuyến phố khác cũng sẽ thành công. Do đó, khi mở rộng thêm nhiều tuyến phố đi bộ, cơ quan quản lý cần sáng tạo, khai thác và phát triển thế mạnh đặc trưng của tuyến phố đó để thu hút người dân, rộng hơn là hút khách du lịch trong và ngoài nước, tăng giá trị du lịch cho Thủ đô” - ông Hoàng Anh nêu quan điểm.
Ở một góc nhìn khác, TS. Kiến trúc sư Tô Thị Toàn – nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban quản lý Phố cổ Hà Nội cho rằng, việc tạo ra các không gian phố đi bộ sẽ giúp cho diện mạo Thủ đô được văn minh, hiện đại hơn. Tuy nhiên, việc mở thêm các tuyến phố đi bộ ở các nơi khác cần phải quản lý cho phù hợp. Trong đó, cần lưu ý các vấn đề về an ninh, trật tự tại các không gian phố đi bộ này.
Mục tiêu mở không gian đi bộ là thu hút khách du lịch. Thế nên, bên cạnh việc đáp ứng các nhu cầu của xã hội, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, những tuyến phố đi bộ mở ra những kênh đầu tư mới, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, thêm thu nhập cho người dân và ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Phong nêu quan điểm: “Các tuyến phố đi bộ chưa được xây dựng các tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội. Do đó, cần có sự nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chuẩn bị cơ sở pháp lý và tâm thế hướng tới mục tiêu xa hơn là thu hút khách du lịch quốc tế thay vì đơn thuần chỉ là không gian để người dân đi dạo”.