Hiệu quả kinh tế từ trồng thâm canh mướp đắng rừng
Nhằm tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trên một diện tích canh tác, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Bắc Kạn đã triển khai mô hình trồng thâm canh cây mướp đắng rừng cho hiệu quả kinh tế cao.
Để giúp người dân mở hướng phát triển kinh tế mới, phát huy hiệu quả quỹ đất, tạo việc làm, tăng thu nhập, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Bắc Kạn triển khai mô hình trồng mướp đắng rừng ở 03 phường (Sông Cầu, Huyền Tụng và Nguyễn Thị Minh Khai), với tổng diện tích 03ha, có 41 hộ tham gia. Được triển khai từ tháng 3, sau gần 5 tháng, mướp đắng rừng đã và đang cho thu hoạch. Có thể bán quả tươi hoặc sấy khô, cho hiệu quả kinh tế cao.
Bà Lường Thị Hoa, tổ Khuổi Lặng, phường Huyền Tụng cho biết: “Tham gia mô hình, gia đình tôi đã trồng thử 1.000m2 cây mướp đắng rừng từ đầu tháng 4/2021. Sau khoảng 50 đến 60 ngày cây bắt đầu cho thu hoạch. Đến nay tôi đã thu hái được nhiều lứa quả, mỗi lứa thu được 30 - 35kg. Quả mướp đắng rừng tươi bán ra thị trường có giá ổn định từ 20.000 - 25.000/kg, giá trị kinh tế thu được cao hơn nhiều so với ngô và một số loại rau khác. Gia đình tôi sẽ tiếp tục duy trì trồng mướp đắng rừng và nhân rộng diện tích trong vụ tới”.
Bà Vũ Thị Kiểm- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố cho biết: Tham gia mô hình thâm canh trồng cây mướp đắng rừng, hộ dân được hỗ trợ 70% giống và vật tư thiết yếu như: Phân hữu cơ vi sinh, đạm, lân, kali, được tập huấn quy trình kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh an toàn sinh học… Hơn 3ha mướp đắng rừng hiện đã và đang cho thu hoạch. Để người dân hiểu hơn về giá trị của cây mướp đắng rừng, Trung tâm đã tổ chức hội thảo đánh giá mô hình. Qua đó cho thấy, hầu hết các hộ tham gia mô hình đều thành công và đánh giá cao giá trị kinh tế đạt được. Mướp đắng rừng có khả năng sinh trưởng tốt, chống chịu tốt các yếu tố ngoại cảnh; ít nhiễm sâu bệnh, năng suất cao, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Sản lượng quả mướp đắng rừng đạt từ 840 - 1.050kg/1.000m2/vụ/năm, giá trị kinh tế đạt trên 127 triệu đồng/ha/năm.
Đồng chí Lưu Bá Quyền- Phó Chủ tịch UBND phường Huyền Tụng cho biết: Đảng ủy, chính quyền phường Huyền Tụng luôn chú trọng khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó nhận thức của bà con đã có những thay đổi đáng kể. Kết quả từ mô hình trồng thâm canh cây mướp đắng rừng đã giúp nông dân biết thêm cây trồng mới có giá trị kinh tế cao để áp dụng vào sản xuất. Thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động bà con nhân rộng diện tích, kết nối với các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp đang đầu tư, xây dựng thương hiệu sản phẩm mướp đắng rừng để thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để xây dựng thương hiệu từ loại cây trồng này”./.