Hồ nước mênh mông ẩn chứa bí mật về 1.600 tấn vàng chìm bên dưới
Câu chuyện về kho báu 1.600 tấn vàng dưới đáy hồ đã được lưu truyền từ lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa ai biết thực hư thế nào.
Nằm ở miền đông Siberia của nước Nga, Baikal là một kỳ quan thiên nhiên độc đáo, mang vẻ đẹp có một không hai trên thế giới. Rất nhiều bài hát, bài thơ, bài dân ca nổi tiếng viết về vùng hồ này. Nhưng ẩn sâu bên trong vẻ đẹp ấy là sự bí hiểm. Ở độ sâu hàng nghìn mét dưới đáy hồ Baikal, những bí ẩn vẫn luôn khiến giới khoa học bị ám ảnh.
Trước thế kỷ XVII hồ có tên là “Lamu”, theo ngôn ngữ Evenk có nghĩa là “Biển”. Sau này, hồ được người Buryati gọi là “Baigal” và để nghe thuận tai với cách nói của người Nga hơn, chữ “G”được đổi thành chữ “K”. Cái tên Baikal theo ý nghĩa và âm tiết của tiếng Arab còn có nghĩa là “Biển hồ vô vàn giọt nước mắt”. Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều tên gọi đặc biệt như là "Suối nguồn thế giới", “Hồ mặt trăng”, “Bắc Hải”, "Hòn ngọc của nước Nga”,…
Đây là hồ nước ngọt sâu nhất thế giới. Đáy hồ có điểm nằm ở độ sâu lên tới 1.642m. Đồng thời hồ có trữ lượng nước ngọt lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 20% trữ lượng nước ngọt trên toàn thế giới. Theo tính toán, lượng nước này đủ dùng cho cả nhân loại trong vòng 40 năm.
Rộng 31.722km2 và được coi như chốn thiên đường nghỉ dưỡng, cảnh vật quanh hồ vẫn giữ được vẻ nguyên sơ như thuở ban đầu. Mặt hồ giống như chiếc gương khổng lồ soi bóng những núi đá hùng vĩ trùng trùng lớp lớp bạch dương nối đuôi nhau. Làn nước màu xanh ngọc bích trong vắt tới mức ở độ sâu hàng chục mét vẫn có thể nhìn thấy đá cuội và sinh vật dưới lòng hồ.
Hồ Baikal còn sở hữu hệ động thực vật vô cùng phong phú. Đây là nơi cư trú của hơn 2.500 loài động thực vật, trong đó có đến 2/3 loài chỉ cư trú và sinh trưởng tại đây. Một số loài động vật quý hiếm nổi tiếng gồm loài hải cẩu có tên gọi nerpa Baikal, loài cá Golomianka độc đáo với thân mình trong suốt và không đẻ trứng như cá thông thường mà đẻ ra cá con.
Cho đến ngày nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác hồ Baikal bao nhiêu tuổi. Hầu hết các giả thuyết đều cho rằng tuổi của hồ Baikal khoảng từ 25 đến 30 triệu năm. Nếu giả định này là đúng, hồ Baikal sẽ là hồ lâu đời nhất trong số các hồ cổ xưa. Thông thường các hồ nước không tồn tại được quá 10 đến 14 nghìn năm, bởi sau khoảng thời gian này hồ nước thường bị “bùn hóa” và biến thành đầm lầy.
Bên cạnh đó, có rất nhiều truyền thuyết xung quanh hồ Baikal. Đặc biệt nhất trong số đó là câu chuyện có tới 1.600 tấn vàng dưới đáy hồ, kho báu này ước tính giá trị lên tới 90 tỷ USD.
Về nguồn gốc kho báu, nhiều người tin rằng, vào năm 1917, khi Sa Hoàng Nicholas II lâm nguy, các thế lực phong kiến cũ của Nga cố gắng thu gom vàng bạc châu báu để di cư sang phía Tây. Khi đi qua hồ Baikal, họ đụng độ kẻ thù truy đuổi nên đã buộc phải bỏ lại tổng cộng 1.600 tấn vàng để chúng chìm thẳng xuống đáy hồ Baikal.
Tuy nhiên, cũng có giả thuyết cho rằng số vàng trên do chính Sa Hoàng Nicholas II sưu tập và sở hữu. Vì không muốn triều đại của mình sụp đổ, ông chủ đích ra lệnh chuyển 1.600 tấn vàng trong kho đi cất giấu và trong tương lai kỳ vọng có thể giành lại được những thứ thuộc về mình.
Trên đường vận chuyển để giấu chúng ở một nơi khác, đoàn tùy tùng đi qua hồ Baikal nhưng băng bất ngờ tan chảy. Do hồ quá rộng và không thể thoát kịp, toàn bộ 1.600 tấn vàng và đội quân hộ tống đều chìm xuống đáy hồ.
Được biết, có không ít người nhòm ngó số tài sản khổng lồ này nhưng cuối cùng đều bỏ cuộc. Các chuyên gia cho rằng không phải họ không muốn trục vớt mà là không dám.
Lý do đầu tiên là do cấu tạo và vị trí của hồ. Hồ Baikal rất sâu và rộng, để các đơn vị hay cá nhân đầu tư trục vớt, các nỗ lực gần như là không thể.
Vị trí của hồ Baikal nằm ở điểm giao nhau của các vành đai địa chấn. Dữ liệu cho thấy, cứ khoảng 10 năm lại có các trận động đất cường độ khoảng 6 độ Richter và khoảng 30 năm sẽ có các trận động đất thảm khốc khoảng 9 độ Richter.
Chẳng hạn, vào năm 1960, một trận động đất mạnh tới 9,5 độ Richter xảy ra ở hồ Baikal ảnh hưởng toàn bộ cấu trúc địa chất xung quanh và mực nước của hồ.
Nguyên nhân thứ 2 là do hồ Baikal có rất nhiều loài động vật quý hiếm. Đại đa số những cá nhân có ý định truy tìm kho báu đều từ bỏ ý định sau khi biết thông tin này.
Nếu con người tác động khiến môi trường hồ bị tổn hại, các nguồn tài nguyên sinh vật, thực vật và thậm chí cả tài nguyên khoáng sản tại đây đều có thể bị ảnh hưởng. Đây có thể là một tổn thất cho cả nhân loại trong hiện tại và tương lai.
Nguyên nhân thứ 3 chính là, nếu như tìm thấy vàng trong quá trình trục vớt thật, vậy số vàng khổng lồ này sẽ thuộc về ai?
Vào năm 1996, hồ Baikal đã được chọn là Di sản thiên nhiên thế giới. Từ góc độ này, nó dường như thuộc về tất cả mọi người và của cả nhân loại. Không ai có thể đưa ra một tuyên bố chính xác rằng toàn bộ hồ sẽ thuộc về một tổ chức hay cá nhân nào.
Bên cạnh những nguyên nhân trên, còn rất nhiều chuyện ly kỳ bí ẩn về hồ Baikal khiến không ai dám liều mạng động đến nó.
Những người dân sống quanh hồ Baikal kể lại rằng thường xuyên nhìn thấy các khung cảnh lạ trên mặt hồ, từ hình lâu đài cho tới xe lửa, tàu thuyền… Họ còn đồn rằng, hồ có năng lực siêu nhiên, có thể kéo dài tuổi thọ con người. Đó cũng là lý do vì sao nhiều người sẵn sàng mạo hiểm ngâm mình trong nước hồ ở nhiệt độ -5 độ C để được bất tử. Thậm chí, có rất nhiều báo cáo liên quan đến UFO và người ngoài hành tinh tại hồ Baikal.
Không cần biết những truyền thuyết trên có thật hay không nhưng chỉ riêng việc khoa học công nghệ chưa đủ phát triển thì không ai dám nghĩ đến chuyện bắt đầu công cuộc tìm kiếm số vàng chìm sâu dưới đáy hồ này.
Minh Hoa (t/h)