Hôm nay 28/10, Quốc hội nghe, thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội

Quốc hội nghe, thảo luận Báo cáo và Báo cáo thẩm tra về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023;…

Quốc hội họp tại hội trường.

Quốc hội họp tại hội trường.

Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; sau đó, Quốc hội thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề nêu trên.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”;

Sau đó, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

* Trong tuần làm việc thứ 2, Ngày 28/10, Quốc hội dành gần trọn 1 ngày thảo luận về báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Nội dung làm việc này được Quốc hội truyền hình, phát thanh trực tiếp cho cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Trong tuần, Quốc hội cũng nghe chính phủ trình và thảo luận về: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Quốc hội cũng nghe Chính phủ trình và thảo luận về: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng; trình về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Quốc hội cũng sẽ thảo luận về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); dự thảo Luật Phòng không nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tuần này Quốc hội cũng nghe trình và thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

* Trong bài viết đăng trên báo Đại biểu nhân dân, ông Trương Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng, duy trì sự phát triển của nhà ở xã hội liên quan tới thị trường bất động sản về nhà ở, hai thị trường này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Hiện nay, phân khúc nhà ở xã hội chưa đủ lớn để có vai trò định hướng hoặc dẫn dắt thị trường nhà ở nói chung.

Các cơ quan chức năng đang cố gắng xây dựng, phát triển phân khúc nhà ở xã hội với giá phù hợp nhất có thể cho 12 loại đối tượng trong phạm vi thu nhập được Luật Nhà ở năm 2023 quy định. Đồng thời, sử dụng các hình thức hỗ trợ và ưu đãi khác nhau để vừa khuyến khích nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội, vừa bảo đảm mức giá bán phù hợp, thực hiện đúng mục tiêu cung cấp nhà ở an sinh, thực hiện “giấc mơ an cư” của 12 đối tượng được mua nhà ở xã hội theo quy định tại Luật Nhà ở hiện hành.

Tuy nhiên, dù thực tế có thể xây dựng được nhà ở xã hội giảm thật thì vẫn có rất nhiều cách để người mua nhà ở xã hội rồi bán lại kiếm lời. Do đó, điều quan trọng là phải xây dựng được ở phân khúc thị trường chung phù hợp với đại đa số người dân có nhu cầu mua nhà ở, mà giá nhà ở này không chênh lệch quá nhiều so với phân khúc nhà ở xã hội.

Nên chăng, cân nhắc đưa vào quy định pháp luật một trong các biện pháp xử lý đối với các trường hợp người mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng theo Điều 76 Luật Nhà ở năm 2023 rồi bán lại kiếm lời là tịch thu số tiền vi phạm và hủy giao dịch mua bán nhà ở xã hội. Bởi, việc sai lệch đối tượng mua nhà ở xã hội có nguyên nhân chính xuất phát từ đối tượng không đủ điều kiện, lập hồ sơ sai lệch để mua nhà ở xã hội sử dụng, bán kiếm lời.

Do đó, việc xử lý bằng biện pháp tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài chính vi phạm sẽ có hiệu quả cao hơn những hình thức xử phạt khác!

Bên cạnh đó, một trong những biện pháp để kéo được giá nhà ở xã hội xuống thấp là giảm được giá nhà ở nói chung của thị trường bất động sản. Giá nhà ở nói chung sẽ mang tính định hướng, điều chỉnh mạnh mẽ giá nhà ở trong các phân khúc nhỏ.

Biện pháp mà Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu ra liên quan tới điều tiết thị trường bất động sản là yếu tố đầu cơ. Vì vậy, cần nghiên cứu và sớm triển khai thực hiện biện pháp này thì mới có thể đưa giá nhà về với giá trị thật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Anh Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hom-nay-2810-quoc-hoi-nghe-thao-luan-viec-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-quan-ly-thi-truong-bat-dong-san-va-phat-trien-nha-o-xa-hoi-291623.html