Kết nối, thúc đẩy hợp tác về logistics giữa Việt Nam và Thái Lan

Với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức Chương trình xúc tiến thương mại về logistics tại Thái Lan từ ngày 27/10 – 2/11/2024.

Tham gia Đoàn xúc tiến thương mại về Logistics của VALOMA còn có đại diện của Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương và các hội viên tổ chức, cá nhân của Hiệp hội. Trong khuôn khổ chương trình, Đoàn đã thực hiện nhiều nội dung, hoạt động quan trọng và ý nghĩa.

Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức Chương trình xúc tiến thương mại về logistics tại Thái Lan

Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức Chương trình xúc tiến thương mại về logistics tại Thái Lan

Làm việc tại Cảng nước sâu duy nhất của Thái Lan, Top 20 cảng có sản lượng lớn nhất thế giới

Sáng ngày 28/10/2024, Đoàn đã tới thăm và làm việc với Cảng Laem Chabang, cảng nước sâu duy nhất của Thái Lan, đồng thời nằm trong Top 20 cảng có sản lượng lớn nhất thế giới.

Đón tiếp đoàn, về phía Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) có sự tham gia của Ông Nakah Thawichawatt - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan, Phó chủ tịch Ủy ban Xúc tiến kinh doanh ASEAN. Về phía Cảng Laem Chabang có sự tham gia của Phó giám đốc và các thành viên trong ban điều hành Cảng.

Phát biểu tại buổi làm việc, PGS. TS Trịnh Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch VALOMA khẳng định: “Đây là cơ hội tốt để Đoàn công tác tìm hiểu thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực logistics tại Thái Lan, đặc biệt là về dịch vụ cảng biển, đồng thời mở rộng cơ hội hợp tác trong tương lai giữa các bên”.

Đoàn xúc tiến thương mại về Logistics của VALOMA làm việc với Ban Lãnh đạo Cảng Laem Chabang, , cảng nước sâu duy nhất của Thái Lan, đồng thời nằm trong Top 20 cảng có sản lượng lớn nhất thế giới.

Đoàn xúc tiến thương mại về Logistics của VALOMA làm việc với Ban Lãnh đạo Cảng Laem Chabang, , cảng nước sâu duy nhất của Thái Lan, đồng thời nằm trong Top 20 cảng có sản lượng lớn nhất thế giới.

Đại diện Cảng Laem Chabang đã có bài giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của Cảng Laem Chabang. Cảng nằm ở tỉnh Chonburi, miền Trung của Thái Lan; đồng thời được xem là cửa ngõ phía Đông của Thái Lan, có thể kết nối với đường hàng không và đường bộ. Laem Chabang thành lập năm 1991, thuộc gói đầu tư 2,7 tỉ USD của chính phủ Thái Lan nhằm biến cảng Laem Chabang trở thành một phần cốt lõi của một dự án kinh tế lớn có tên gọi là Hành lang kinh tế phương Đông (EEC). Laem Chabang là cảng chính của Thái Lan, là trung tâm xuất nhập khẩu phục vụ cho nhiều loại hàng hóa và có khả năng tiếp nhận các tàu container lớn.

Cảng Laem Chabang được chia làm 3 khu với 3 giai đoạn thi công, trong đó đã hoàn thành 2 giai đoạn và đang tiến hành mở rộng ở giai đoạn 3. Giai đoạn 1 có diện tích 1,4 km2, độ sâu trước bến là 14 m, Khu vực này có 11 cầu tàu với công suất nhằm phục vụ cho tàu có trọng tải từ 30,000 đến 50,000 tấn hoạt động. Trong khu vực này còn có xưởng tàu phục vụ nhu cầu xây dựng, bảo dưỡng và sữa chữa tàu. Giai đoạn 2 rộng hơn với diện tích 2,05 km2, nhưng chỉ phát triển 7 cầu cảng với năng lực xếp dỡ lớn hơn và độ sâu trước bến là 16m. Khu vực này có 7 cầu tàu phục vụ cho tàu có trọng tải dưới 80,000 tấn cập bến. Giai đoạn 3 đang xây dựng với diện tích hơn 2,56 km2 với độ sâu trước bến là 18,5m. Với 9 cầu tàu, dự tính khu vực này sẽ hoạt động phụ vụ cho 7 triệu TEU mỗi năm, có khả năng đón tàu có trọng tải lớn nhất hiện nay.

Dự kiến đến năm 2027 có thể hoàn thành cả 4 hạng mục đầu tư. Sau khi hoàn thành 3 giai đoạn phát triển, cảng Laem Chabang có thể phục vụ 18,1 triệu TEUs mỗi năm, giúp Laem Chabang trở thành cảng lớn thứ 17 thế giới. Cảng Laem Chabang đã cho phép tư nhân vào khai thác, có công ty tư nhân đã khai thác ở đây trên 30 năm. Hệ thống vận tải của Thái Lan vẫn chủ yếu phụ thuộc vào đường bộ với 88,9%, đường sắt với 5,79%, đường thủy với 5,3%.

Tại buổi làm việc, hai bên đã thảo luận, trao đổi liên quan đến kinh nghiệm, khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển cảng như nạo vét luồng lạch, phát triển nhân lực logistics, thu hút đầu tư, phối hợp đầu tư tư nhân và chính quyền…

Đoàn công tác khảo sát thực tế tại Trung tâm điều hành Cảng và các cầu cảng của Cảng Laem Chabang.

Đoàn công tác khảo sát thực tế tại Trung tâm điều hành Cảng và các cầu cảng của Cảng Laem Chabang.

Trao đổi cơ hội hợp tác đào tạo, phát triển nhân lực ngành logistics

Chiều ngày 28/10, Đoàn công tác của VALOMA đã tới thăm và làm việc với Trường Đại học Kasetsart - Cơ sở Si Racha về đào tạo nhân lực ngành logistics. Đây là trường đại học nghiên cứu công lập lớn nhất Thái Lan và có lịch sử lâu đời thứ ba của Thái Lan.

Đón tiếp đoàn, về phía Trường Đại học Kasesart - Cơ sở Si Racha có Phó Hiệu trưởng Nhà trường; lãnh đạo Phòng Truyền thông và Đối ngoại; lãnh đạo, giảng viên và sinh viên Khoa Hàng hải quốc tế.

Phát biểu tại buổi làm việc, PGS. TS Trịnh Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch VALOMA cho biết: “Trong đoàn làm việc của Hiệp hội có sự tham gia của đại diện một số trường đại học uy tín trong đào tạo ngành logistics cùng nhiều doanh nghiệp dịch vụ logistics lớn tại Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp dịch vụ cảng biển. VALOMA tin tưởng rằng, sau buổi làm việc đầu tiên này, các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam và các doanh nghiệp tham gia đoàn sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác trong đào tạo và phát triển nhân lực logistics với Trường Đại học Kasesart nói chung và cơ sở Si Racha cũng như Khoa Hàng hải quốc tế nói riêng, đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải”.

Đoàn công tác của VALOMA thăm và làm việc với Trường Đại học Kasetsart - Cơ sở Si Racha về đào tạo nhân lực ngành logistics.

Đoàn công tác của VALOMA thăm và làm việc với Trường Đại học Kasetsart - Cơ sở Si Racha về đào tạo nhân lực ngành logistics.

Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, đại diện Trường Đại học Kasetsart - Cơ sở Si Racha đã có bài giới thiệu về quá trình phát triển của Trường. Theo đó, Trường Đại học Kasetsart (thường gọi là Kaset hoặc KU) là một trường đại học nghiên cứu công lập tại Bangkok, Thái Lan. Đây là trường đại học lớn nhất, cũng là trường đại học lâu đời thứ ba của Thái Lan, được thành lập vào ngày 02/02/1943. Cơ sở chính của Đại học Kasetsart nằm ở Bangkhen, phía bắc Bangkok.

Cơ sở Si Racha của KU được thành lập vào năm 1989 và bắt đầu tuyển sinh đại học vào năm 1996 để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Thái Lan về nhân lực chất lượng cao cho Dự án Phát triển Bờ biển phía Đông.

Khoa Hàng hải quốc tế được thành lập năm 2000 để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu các giải pháp cho toàn bộ hệ thống hàng hải và hỗ trợ chính sách của chính phủ nhằm tăng cường sức mạnh biển và tiềm năng thương mại hàng hải của Thái Lan; đồng thời đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hàng hải chất lượng cao cho các tổ chức trong và ngoài nước. Khoa đang đào tạo các chương trình là: Chương trình Cử nhân khoa học về Vận tải Hàng hải, Chương trình Cử nhân khoa học về Khoa học hàng hải, Chương trình Cử nhân Kỹ thuật về Kiến trúc Hải quân và Kỹ thuật Đại dương, Chương trình Cử nhân Kỹ thuật về Kỹ thuật Hàng hải.

Sau khi giới thiệu về chương trình đào tạo, hai bên đã thảo luận về các cơ hội hợp tác giữa Trường Đại học Kasetsart, Khoa Hàng hải quốc tế và các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp là hội viên của VALOMA thông qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế…

Thúc đẩy kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp logistics Việt Nam và Thái Lan

Sáng ngày 29/10, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) phối hợp cùng Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) đã tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy kết nối ngành logistics Việt Nam và Thái Lan” và “Chương trình Kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan”.

Tham dự chương trình có sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thái Lan Lê Hữu Phúc, Đại diện Cục Xuất nhập khẩu và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương).

Về phía Thái Lan, có sự tham dự của ông Vathit Chokwatana - Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan; ông Kich Aungvitulsatit - Chủ tịch Ủy ban xúc tiến kinh doanh ASEAN, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban của ASEAN về Logistics; cùng 32 doanh nghiệp Thái Lan thuộc các lĩnh vực kho bãi, vận tải, đóng tàu, giải pháp công nghệ logistics, tem nhãn và bao bì, may mặc, xăng dầu, bất động sản logistics…

Về phía VALOMA có PGS, TS. Trịnh Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch VALOMA cùng đại diện các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp hội viên VALOMA là thành viên tham gia Đoàn xúc tiến thương mại về logistics tại Thái Lan.

Hội nghị “Thúc đẩy kết nối ngành logistics Việt Nam và Thái Lan” và “Chương trình Kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan”

Hội nghị “Thúc đẩy kết nối ngành logistics Việt Nam và Thái Lan” và “Chương trình Kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan”

Phát biểu khai mạc sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng đánh giá cao sự chủ động của lãnh đạo Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, sự hợp tác hiệu quả của Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan trong việc tổ chức Hội nghị. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá, thu hút đầu tư, kết nối kinh doanh, trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ ý tưởng trong lĩnh vực logistics; thông qua đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan.

Đại sứ cho biết: Trong khu vực ASEAN, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất và nhà đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt gần 14 tỷ USD. Các doanh nghiệp lớn của Thái Lan đều đã hiện diện và thành công tại hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam. Hai nước cũng đang thúc đẩy mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD theo hướng cân bằng. Đồng thời, Thái Lan là một quốc gia có nhiều kinh nghiệm phát triển dịch vụ logistics trong khu vực. Tiềm năng liên kết ngành dịch vụ giữa các doanh nghiệp Thái Lan và Việt Nam hiện nay còn rất nhiều dư địa, từ đầu tư hạ tầng kho bãi, nhà xưởng, cầu cảng… đến ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại, liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp hai nước.

Đại sứ mong rằng, hai bên sẽ tranh thủ cơ hội để thúc đẩy hợp tác kinh doanh và nhấn mạnh: "Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, với đầu mối là bộ phận Thương vụ luôn sẵn sàng chia sẻ và kết nối thông tin, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi tối đa để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực logistics, thương mại và dịch vụ".

Ông Kich Aungvitulsatit - Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến kinh doanh ASEAN, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Logistics cho biết: Thông qua sự kiện quan trọng này, tôi thấy được mong muốn và mục tiêu của Đoàn công tác đến từ Việt Nam, ngoài sự hiện diện của các doanh nhân còn có đại diện đến từ các trường đại học, cao đẳng. Điều này cho thấy bên cạnh việc giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm còn hướng tới sự phát triển lâu dài.

Đại diện cho Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, ông Vathit Chokwatana - Phó Chủ tịch Liên đoàn khẳng định: Hoạt động này là điểm khởi đầu tốt đẹp cho sự hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Thái Lan, giúp kết nối các lĩnh vực kinh doanh thương mại và đầu tư thông qua phát triển dịch vụ logistics. Đây là cơ chế quan trọng để quản lý chi phí kinh doanh trong điều kiện cạnh tranh hiện nay.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan bày tỏ: "Thái Lan và Việt Nam có đặc điểm địa lý về logistics tương đồng nhưng Chỉ số Logistics tại các thị trường mới nổi năm 2023 do Agility công bố cho thấy ngành logistics Việt Nam đang phát triển nhanh chóng với vị trí thứ 10 trong tổng số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới. Tôi bày tỏ sự khâm phục của mình trước tốc độ tăng trưởng và phát triển của Việt Nam". Đồng thời hy vọng rằng, hoạt động gặp gỡ và thảo luận sẽ tạo điểm kết nối, hợp tác kinh doanh cả trực tiếp và gián tiếp trong tương lai.

Đại diện Hiệp hội, PGS, TS. Trịnh Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch VALOMA đã giới thiệu khái quát về quá trình hình thành và phát triển của Hiệp hội, hoạt động của Hiệp hội. Đồng thời, Phó Chủ tịch VALOMA nhấn mạnh: Hiệp hội đánh giá chương trình hội nghị và kết nối giao thương về logistics hứa hẹn đạt kết quả cao và mở đầu cho các hoạt động hợp tác thiết thực trong tương lai.

Tại sự kiện, đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam, ông Trần Duy Khiêm - ONEX Logistics đã trình bày tham luận với chủ đề “Thế mạnh của doanh nghiệp logistics Việt Nam và cơ hội hợp tác kinh doanh Việt Nam -Thái Lan”. Tham luận nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo và các doanh nghiệp Thái Lan tham dự chương trình. Nhiều doanh nghiệp Thái Lan đã đặt câu hỏi liên quan đến chiến lược và chính sách phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam, về cơ hội hợp tác, các lĩnh vực kinh doanh tiềm năng tại Việt Nam...

Sau khi kết thúc Hội nghị, 29 doanh nghiệp Việt Nam cùng với 32 doanh nghiệp Thái Lan đã dành thời gian để tiến hành kết nối giao thương. Chương trình này là cơ hội tốt để các doanh nghiệp hai bên mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh.

Kết thúc chương trình kết nối giao thương đã có 169 cuộc gặp gỡ trao đổi 1-1 giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan (1-1 Business Matching). Trong đó, có 39 cơ hội kinh doanh được mở ra và 03 Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên được thiết lập. Đây là kết quả ngoài mong đợi của tất cả thành viên tham gia Đoàn xúc tiến thương mại về logistics của VALOMA, đánh dấu sự thành công lớn của Hội nghị “Tăng cường kết nối ngành logistics giữa Việt Nam và Thái Lan” và “Chương trình Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan”.

Việt Hằng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/ket-noi--thuc-day-hop-tac-ve-logistics-giua-viet-nam-va-thai-lan-129040.htm