Khai mạc hội nghị toàn cầu về lương thực, thực phẩm bền vững lần thứ 4

Ngày 24/4, Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững với chủ đề 'Cùng nhau chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới' do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đăng cai tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tại điểm cầu tỉnh Lào Cai, hội nghị có sự tham dự của đại diện các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại vụ, Công Thương, Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

 Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn thông tin từ báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (2020, 2021) cho thấy, nạn đói vẫn đang gia tăng và số người bị ảnh hưởng đã lên tới 828 triệu người vào năm 2021. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dự kiến chỉ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2065, chậm hơn ba thập kỷ rưỡi so với kế hoạch.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị. Ảnh: Báo QĐND

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị. Ảnh: Báo QĐND

Từ thực tế đó, ngày 28/3/2023, Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”, để thực thi mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững. Đây là mục tiêu đã được Việt Nam khẳng định tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Hệ thống lương thực, thực phẩm năm 2021.

Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và chung tay cùng các nước chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững để góp phần bảo vệ hành tinh.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, lấy người nông dân là trung tâm trong quá trình chuyển đổi, thích ứng với xu thế tự do thương mại, biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh, kiểm soát thất thoát lương thực…

 Lào Cai định hướng phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái.

Lào Cai định hướng phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái.

Phát biểu trực tuyến tại phiên khai mạc hội nghị, ông Qu Dongyu, Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho rằng bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi cấp bách hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng hiệu quả hơn, toàn diện hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn. Để làm được điều này phải có sự chung tay của tất cả các nước, hướng tới 4 mục tiêu: Sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn, cuộc sống bảo an cho tất cả mọi người.

Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững diễn ra từ ngày 24 đến 27/4 tại Hà Nội, gồm 9 phiên họp chính thức, 10 phiên họp kỹ thuật, các phiên họp bên lề cấp bộ trưởng và đêm hội Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn.

Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái

Đây là một trong những định hướng của tỉnh Lào Cai về về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó tỉnh tập trung quy hoạch, phát triển vùng sản xuất hàng hóa 6 ngành hàng chủ lực (chè, dược liệu, chuối, dứa, quế, chăn nuôi lợn), 2 lĩnh vực là phát triển kinh tế đồi rừng và ngành hàng tiềm năng của địa phương. Khuyến khích liên kết, tập trung đất đai, hình thành vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp đủ nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho cơ sở chế biến.

Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Cơ cấu lại sản xuất trồng trọt theo nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm chủ lực địa phương gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Tập trung chuyển đổi hình thức chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại an toàn sinh học để hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hướng đến xuất khẩu; áp dụng công nghệ xử lý phế, phụ phẩm theo hướng nông nghiệp tuần hoàn.

Bố trí sử dụng đất nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, tạo ra sản phẩm hàng hóa và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp; duy trì và bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất rừng phòng hộ, đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên và đất di tích, danh thắng để bảo vệ cảnh quan môi trường, đa dạng sinh học, phát triển bền vững.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/khai-mac-hoi-nghi-toan-cau-ve-luong-thuc-thuc-pham-ben-vung-lan-thu-4-post367645.html