Không quy định cứng nhắc tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn trong dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi

Tiếp thu các ý kiến, trong dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý theo hướng không quy định việc phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của người lao động để bảo đảm linh hoạt, hài hòa.

Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi.

Quy định về nguyên tắc quản lý

Về phân phối kinh phí công đoàn, có ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định cứng tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn trong dự thảo Luật mà theo hướng quy định tỷ lệ "tối đa" và "tối thiểu" nhằm bảo đảm linh hoạt trong việc điều tiết kinh phí công đoàn.

Quốc hội thảo luận tại hội trường Luật Công đoàn sửa đổi. Ảnh: TTXVN

Quốc hội thảo luận tại hội trường Luật Công đoàn sửa đổi. Ảnh: TTXVN

Song, cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định mang tính nguyên tắc trong quản lý, sử dụng tài chính công đoàn bảo đảm công khai, minh bạch.

Mặt khác, có ý kiến cho rằng nội dung phân bổ nguồn kinh phí công đoàn cho những mục tiêu, hoạt động của công đoàn cần quy định rõ để làm cơ sở cho việc công khai tài chính...

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý và thể hiện trong dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, rà soát nhiệm vụ chi kinh phí công đoàn đầy đủ hơn.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật không quy định việc phân phối kinh phí công đoàn để bảo đảm linh hoạt, hài hòa. Dự thảo bổ sung quy định “Sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu, phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn”; Giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Giữ quy định mức kinh phí công đoàn 2%

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2%; quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ kinh phí công đoàn và giao Chính phủ quy định chi tiết...

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kể từ khi có Luật Công đoàn năm 1957, kinh phí công đoàn được thực hiện liên tục. Việc Luật hóa và duy trì nguồn thu 2% kinh phí công đoàn nhằm chăm lo cho người lao động và bảo đảm bộ máy hoạt động công đoàn.

Việc tiếp tục duy trì 2% kinh phí công đoàn nhằm thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 02.

Nguồn kinh phí này giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc bảo đảm nguồn tài chính để Công đoàn Việt Nam, nhất là công đoàn cơ sở thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc chăm lo phúc lợi xã hội cho người lao động.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, điều này thể hiện việc đồng hành, phối hợp cùng với doanh nghiệp, người sử dụng lao động quan tâm chăm lo đời sống, phúc lợi, động viên, khích lệ người lao động gắn bó với đơn vị và cũng thúc đẩy doanh nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm hơn đối với người lao động của mình thông qua Công đoàn.

Dự thảo Luật đã bổ sung một số nhiệm vụ chi mới để phù hợp với thực tiễn như: Chi cho công đoàn cơ sở mà tại đó tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn được miễn, giảm đóng kinh phí công đoàn; chi cho việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thuê, xây dựng công trình công cộng cho đoàn viên, người lao động, thiết chế công đoàn...

Kinh phí công đoàn được tính vào chi phí trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp. Đồng thời, theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kinh phí công đoàn chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp (trung bình khoảng 0,38%). Do đó, có thể cho rằng, vấn đề 2% kinh phí công đoàn không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội xin được giữ quy định về mức kinh phí công đoàn 2%.

Về tài sản công đoàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng: Theo khoản 1 Điều 3, Điều 28 và Điều 68 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nguồn hình thành tài sản công tại tổ chức chính trị - xã hội bao gồm: Tài sản bằng hiện vật do Nhà nước giao, tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ ngân sách nhà nước, từ nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh các tài sản được hình thành từ nguồn tài sản được Nhà nước giao bằng hiện vật, tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ ngân sách Nhà nước, tài sản của công đoàn còn được hình thành từ nguồn vốn của Công đoàn, tài chính công đoàn, nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn, nguồn hỗ trợ của người sử dụng lao động và các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Thực tế hiện nay, không phân biệt được sở hữu Nhà nước, sở hữu Công đoàn và do lịch sử để lại cũng khó có thể tách bạch tài sản của Nhà nước, việc liệt kê tài sản của Công đoàn là rất khó. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý theo hướng liệt kê cụ thể tài sản của công đoàn và thể hiện tại khoản 1 Điều 32 của dự thảo Luật.

XM/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/khong-quy-dinh-cung-nhac-ty-le-phan-phoi-kinh-phi-cong-doan-trong-du-thao-luat-cong-doan-sua-doi-20241024102451562.htm