Khu sinh quyển không rác thải nhựa
Tròn 15 năm Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (2009 - 2024), xã đảo tiền tiêu từ nghèo khó đã trở thành viên ngọc quý, đặc biệt là tiên phong trong thực hiện không rác thải nhựa. Tiền Phong phỏng vấn ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An.
- Thưa ông, tròn 15 năm Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới, chính quyền và người dân Hội An đã nỗ lực giữ gìn danh hiệu này như thế nào?
Đúng vào thời điểm này cách đây 15 năm, ngày 26/5/2009 tại Đảo Jeju Hàn Quốc, Ủy ban Điều phối quốc tế chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO đã chính thức công nhận Cù Lao Chàm – Hội An là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG) với những giá trị độc đáo, riêng có trong hệ thống 11 Khu DTSQTG tại Việt Nam.
Khu DTSQTG Cù Lao Chàm – Hội An có những giá trị đặc trưng nổi trội đó là: Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm; Di sản văn hóa Phố cổ Hội An; rừng đặc dụng Cù Lao Chàm nơi lưu giữ nguồn gen quý hiếm của hệ sinh thái rừng thường xanh nhiệt đới; Rừng dừa nước và hệ thống cồn bãi tự nhiên tại vùng ngập nước cửa sông ven biển Thu Bồn, nơi ươm dưỡng nguồn giống của nhiều loài thủy sinh có vòng đời gắn liền với quần đảo Cù Lao Chàm và cả thượng nguồn của sông mẹ Thu Bồn; Các làng nghề truyền thống cùng với những giá trị nổi trội về văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với mảnh đất và con người Hội An.
Có thể nói, danh hiệu này là sự ghi nhận của UNESCO và cộng đồng quốc tế về những nỗ lực vượt bậc trong thời gian dài của người dân, các thành phần kinh tế, các tổ chức khoa học, giáo dục và các cấp chính quyền thành phố Hội An trong công tác bảo tồn và phát triển những tài sản của địa phương nhưng mang ý nghĩa toàn cầu.
Danh hiệu Khu sinh quyển đã thôi thúc chính quyền và người dân nỗ lực hết mình để bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên sinh vật cả trên rừng, dưới biển, từng bước chuyển đổi sinh kế người dân từ khai thác thủy sản bấp bênh sang dịch vụ du lịch sinh thái một cách bền vững.
- Cụ thể các hoạt động đã và đang được triển khai như thế nào, đặc biệt về bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên?
Trước những năm 2000, tại xã đảo Tân Hiệp - Cù Lao Chàm này, rác thải khắp mọi nơi từ trên rừng xuống biển, từ nhà dân cho đến các nơi công cộng, thì đến nay nơi đây trở nên rất nổi tiếng là một quần đảo xinh đẹp, trong sạch. Tên tuổi ấy gắn liền với với chương trình nói không với túi nilon, ống hút nhựa, chai nước nhựa, các sản phẩm nhựa dùng một lần được phát động từ năm 2009.
Cù Lao Chàm cũng là một trong những khu vực đầu tiên trên cả nước thực hiện việc kiểm toán rác thải trong khu dân cư, chợ, các nơi công cộng và cả trên các tàu thuyền khai thác thủy sản; chương trình đong đầy (refillable), phục hồi tài nguyên (MRF) để làm ra các sản phẩm từ rác thải như nước rửa chén, nước lau sàn nhà, phân bón hữu cơ và nhiều sản phẩm hữu dụng, thân thiện với môi trường và an toàn cho con người.
Những việc làm đầy ý nghĩa như “xách giỏ đi chợ”; các em nhỏ trên đảo tận dụng giấy, báo, lá cây để làm bao bì thay thế cho túi nilon; việc khai thác cua đá, tôm hùm và các nguồn lợi khác một cách văn minh, có kiểm soát; người dân luôn yêu quý và nỗ lực bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm. Ngay cả việc khỉ ở Cù Lao Chàm đang tràn xuống khu dân cư, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân thì cộng đồng nơi đây cũng vẫn một mực luôn tìm cách để bảo tồn quần thể linh trưởng quý này, đồng thời đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân và du khách đến đảo.
- Ông đánh giá như thế nào về kết quả đạt được thời gian qua?
Nhìn lại chặng đường 15 năm đã qua, từ một xã đảo nghèo khó, thiếu thốn mọi mặt từ cơ sở vật chất, tài nguyên trên rừng, dưới biển bị khai thác không kiểm soát, rác thải khắp mọi nơi trên đảo thì đến nay Cù Lao Chàm đã chuyển mình toàn diện, thoát nghèo và vươn lên dẫn đầu cả tỉnh về mức thu nhập. Hơn thế, công tác bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học đạt được nhiều thành tựu và trở thành viên ngọc quý tỏa sáng trong hành trình của du khách thập phương.
Sự thay đổi đó bắt đầu khi có Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm ra đời vào năm 2005 và đặc biệt là Khu dự trữ Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An năm 2009 với sứ mệnh bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn trong mối liên kết giữa rừng và biển, giữa đảo với đất liền, giữa lục địa với đại dương và thiêng liêng nhất chính là giữa con người với thiên nhiên.
Từ chỗ người dân bắt rùa, thu trứng rùa để sử dụng thì đến nay toàn dân đã chung tay, góp sức trong công cuộc bảo vệ và tái phục hồi loài sinh vật cực kỳ quí hiếm này. San hô trước đây bị khai thác để làm non bộ, làm vật liệu xây dựng thì đến nay chúng được nâng niu và bảo vệ một cách tuyệt vời bởi chính người dân xã đảo trong sự hỗ trợ của khu bảo tồn, các nhà khoa học và chính quyền các cấp. Cua đá từ chỗ bị khai thác bừa bãi thì đến nay nguồn lợi này đã được quản lý, khai thác, bảo tồn một cách hiệu quả, văn minh với sự vào cuộc của nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân địa phương…
- Những khó khăn, thách thức nào Khu DTSQ thế giới Cù Lao Chàm – Hội An đang phải đối mặt?
Hiện nay, Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An đang đứng trước những khó khăn và thách thức từ thiên nhiên và chính từ con người.
Hằng năm, thành phố phải hứng chịu những trận bão, lụt kinh hoàng, uy hiếp trực tiếp đến quần thế di tích phố cổ Hội An, làm sạt lở bờ sông, gây ngọt hóa và lắng đọng trầm tích trên các rạn san hô, thảm cỏ biển tại đảo Cù Lao Chàm.
Hiện tượng xói lở và mất bãi biển vẫn diễn biến hết sức phức tạp, các nhà khoa học đã có nhiều nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp, các doanh nghiệp cũng như chính quyền thành phố cũng rất nỗ lực để cứu lấy bãi biển... nhưng trên thực tế, bãi biển xinh đẹp, thơ mộng của thành phố Hội An vẫn chưa trở lại như xưa.
Sự đô thị hóa, công trình hóa diễn ra khắp nơi từ đất liền đến hải đảo, từ sông ra biển đã làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, cảnh quan, các hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học kể cả nét văn hóa truyền thống của người dân Hội An. Dòng sông Thu Bồn thơ mộng cũng không còn được giá trị nguyên bản. Tại Cẩm Thanh, trước đây từng là nơi thu hút rất nhiều chim, cò về kiếm ăn và sinh sống, tuy nhiên sự xuất hiện đông đúc của con người đã xua đuổi, giảm dần sự xuất hiện của những đàn chim di cư, cắt đứt nhiều chuỗi giá trị và làm mất tính cân bằng sinh thái kể cả trong và ngoài phạm vi Khu sinh quyển.
- Thành phố định hướng công việc thời gian tới như thế nào để gìn giữ và phát huy hiệu quả Khu dự trữ sinh quyền thế giới Cù Lao Chàm – Hội An?
Sau 15 năm được công nhận, Khu sinh quyển của chúng ta đã tạo được niềm tin, sự yêu mến trong lòng du khách và bạn bè quốc tế. Điều này đã tạo thêm động lực cho người dân cũng như chính quyền thành phố quyết tâm hơn nữa trong việc xây dựng Cù Lao Chàm thực sự xinh đẹp cả về tự nhiên và con người, tương xứng với tầm của một Khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
Chính quyền thành phố đang đẩy nhanh, đẩy mạnh các nguồn lực để xây dựng thành phố Hội An theo định hướng Sinh thái – Văn hóa – Du lịch dựa trên nền tảng giá trị của các di sản thế giới mà thành phố đang sở hữu. Đây chính là một lợi thế vô cùng to lớn trong sự nghiệp phát triển KT-XH của thành phố, một món quà vô giá của thiên nhiên ban tặng và là tài sản quí báu của ông cha đã để lại mà chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn, lưu truyền.
Có được kết quả hôm nay là nhờ vào định hướng đúng đắn của tỉnh Quảng Nam, thành phố Hội An, sự hỗ trợ rất tích cực của các Bộ, ngành trung ương, các tổ chức trong nước và quốc tế, đặc biệt là sự tham gia tích cực của cộng đồng. Đây chính là sức mạnh, là chìa khóa để Cù Lao Chàm cũng như những địa phương khác của thành phố Hội An mở cánh cửa vào tương lai, gìn giữ tài sản quí giá này.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khu-sinh-quyen-khong-rac-thai-nhua-post1640015.tpo