Khủng hoảng nhân lực trong ngành du lịch: 'Thừa lượng, thiếu chất'

Ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ và trở thành động lực kinh tế, nhưng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao vẫn là rào cản lớn, cần giải pháp căn cơ để phát triển tiềm năng du lịch quốc gia.

Doanh nghiệp kêu khó vì chất lượng nhân lực

Giữa bối cảnh du lịch Việt Nam không ngừng phát triển, câu chuyện về nguồn nhân lực lại càng trở nên nổi bật hơn bao giờ hết. Đằng sau những con số tăng trưởng ấn tượng là nỗi lo lắng của ngành, khi lượng nhân lực không đồng nghĩa với chất lượng – một “điểm nghẽn” đang khiến nhiều doanh nghiệp phải chật vật đối diện.

Đã 2 năm kể từ khi ngành du lịch Việt Nam chính thức mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, quá trình phục hồi vẫn đang diễn ra từng bước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang xoay sở với tình trạng "vừa thừa, vừa thiếu" nhân lực. Câu chuyện không dừng lại ở việc thiếu số lượng mà hơn hết, chất lượng nhân lực không đáp ứng đủ yêu cầu khiến nhiều doanh nghiệp phải lắc đầu ngán ngẩm.

Chia sẻ với Người Đưa Tin về nỗi trăn trở của mình, ông Phùng Xuân Khánh - Giám đốc Công ty Du lịch Tiên Phong Travel bày tỏ rằng sinh viên ngành du lịch không thiếu, nhưng điều đáng suy ngẫm là liệu họ có sẵn sàng đáp ứng ngay yêu cầu công việc thực tế hay không.

“Nguồn nhân lực thì dồi dào, nhưng để tìm được những người có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của công ty lại không hề dễ dàng”, ông Khánh nói.

Ông Phùng Xuân Khánh - Giám đốc Công ty Du lịch Tiên Phong Travel (Ảnh: Kim Thoa).

Ông Phùng Xuân Khánh - Giám đốc Công ty Du lịch Tiên Phong Travel (Ảnh: Kim Thoa).

Thời gian quan, công ty Tiên Phong Travel đã ký kết hợp tác với các trường đại học để sinh viên có cơ hội thực hành và làm quen với công việc thực tế ngay từ sớm.

Tuy nhiên, sau nhiều năm làm việc với các bạn trẻ, ông Khánh nhận thấy rằng sinh viên tốt nghiệp ngành du lịch hiện nay thường thiếu nhiều kỹ năng mềm cần thiết như giao tiếp, xử lý tình huống, ngoại ngữ và tin học.

“Không ít bạn trẻ ra trường vẫn mang tâm lý chủ quan cho rằng chỉ cần có bằng đại học là có thể dễ dàng xin việc. Nhưng thực tế, không ít sinh viên gặp khó khăn khi ứng tuyển vì thiếu kỹ năng vượt ra ngoài lý thuyết sách vở”, vị Giám đốc chia sẻ.

Ông Khánh cũng cho biết, nhiều sinh viên khi đi làm phải đào tạo lại từ đầu, từ cách giao tiếp đến tin học cơ bản. Đối với một ngành nghề đòi hỏi sự linh hoạt và thích ứng nhanh chóng như du lịch, đây là một điểm yếu lớn.

Trong quá trình đào tạo, vị giám đốc luôn đặt một câu hỏi rằng các nhân viên trẻ sau khi đã được đầu tư đào tạo có cam kết làm việc lâu dài hay không? Thực tế, tình trạng “nhảy việc” ngày càng phổ biến, khi nhiều bạn trẻ chỉ làm việc từ 2-3 năm rồi chuyển sang các lĩnh vực khác.

Để khắc phục tình trạng này, một số doanh nghiệp đã thực hiện nhiều chính sách giữ chân nhân viên, như Công ty Tiên Phong Travel giúp định hướng nghề nghiệp ngay từ giai đoạn thực tập.

“Chúng tôi không chỉ giúp các bạn hiểu rõ về yêu cầu công việc, mà còn cố gắng truyền đạt những giá trị về lòng trung thành và sự gắn bó”, ông Khánh chia sẻ.

Không chỉ Tiên Phong Travel, các công ty khác trong ngành cũng đang gặp vấn đề tương tự. Bà Phạm Thị Thơm - Phó Giám đốc Công ty Kavo Travel chia sẻ rằng, thiếu nhân lực chất lượng cao đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ của công ty, đặc biệt là vào mùa cao điểm.

"Chúng tôi không có đủ nhân sự có kỹ năng để đáp ứng nhu cầu khách hàng, buộc phải phân bổ lại công việc và tăng ca, dẫn đến tình trạng kiệt sức của nhân viên", bà Thơm nói.

Việc thiếu nhân lực không chỉ làm giảm chất lượng phục vụ mà còn cản trở tiến độ phát triển và triển khai các sản phẩm mới, trong đó có du lịch trải nghiệm và các tour cao cấp – những loại hình dịch vụ ngày càng được ưa chuộng.

Nhiều doanh nghiệp vẫn đang xoay sở với tình trạng "vừa thừa, vừa thiếu" nhân lực (Ảnh: Minh Đường).

Nhiều doanh nghiệp vẫn đang xoay sở với tình trạng "vừa thừa, vừa thiếu" nhân lực (Ảnh: Minh Đường).

Tại những trung tâm du lịch lớn như Ninh Bình – nơi ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, nhu cầu tuyển dụng nhân sự có chất lượng cao cũng gặp khó khăn.

Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, dù Ninh Bình chỉ cách Hà Nội không xa và có nhiều tiềm năng thu hút nhân lực, nhưng tuyển dụng những vị trí quản lý cấp trung và cấp cao vẫn là một thách thức lớn.

Theo ông, các sinh viên tốt nghiệp dù có bằng đại học nhưng trình độ ngoại ngữ, kiến thức về văn hóa, lịch sử... vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh, đây là lý do tại sao nhà trường và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình đào tạo.

Tăng cường đa dạng hóa phương thức đào tạo

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, Việt Nam hiện có gần 200 cơ sở đào tạo nghề du lịch, bao gồm 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp và 4 trung tâm dạy nghề. Con số này tưởng như đủ đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhưng thực tế lại khác xa.

TS. Lê Quang Đăng - Phó Trưởng phòng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho hay, chất lượng đào tạo tại các cơ sở này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu từ phía doanh nghiệp.

“Các doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại nhân lực để làm việc thực tế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp lữ hành lớn có tiêu chuẩn khắt khe", ông Đăng nhấn mạnh.

TS. Lê Quang Đăng - Phó Trưởng phòng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Ảnh: Kim Thoa)

TS. Lê Quang Đăng - Phó Trưởng phòng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Ảnh: Kim Thoa)

Tình trạng này càng trở nên trầm trọng ở các doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa, nơi nhân lực chưa qua đào tạo chuyên môn hoặc làm việc trái ngành.

Nhiều doanh nghiệp du lịch, đặc biệt trong mùa cao điểm, lúng túng khi không đủ nhân sự đạt yêu cầu. “Bài toán” đào tạo và bồi dưỡng nhân lực du lịch từ đó trở thành vấn đề cấp thiết.

Để giải quyết bài toán chất lượng nhân lực ngành du lịch, ông Đăng cho biết các cơ sở đào tạo phải cải tiến và đồng bộ khung chương trình, tăng cường ứng dụng thực tiễn. Ông cũng đề xuất các trường đại học nên nâng cấp cơ sở vật chất, áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và mở rộng đào tạo ngoài thực địa.

Ở góc độ đào tạo, PGS. TS Bùi Thanh Thủy - Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cũng cho rằng việc điều chỉnh mạng lưới các cơ sở đào tạo theo từng vùng miền là cần thiết.

Theo bà Thủy, mỗi vùng miền có đặc thù và nhu cầu nhân lực riêng, do đó, quy hoạch đào tạo cũng phải linh hoạt và đáp ứng sự phát triển du lịch của từng địa phương.

PGS. TS Bùi Thanh Thủy - Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (Ảnh: Kim Thoa).

PGS. TS Bùi Thanh Thủy - Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (Ảnh: Kim Thoa).

Ngoài ra, việc khuyến khích doanh nghiệp lớn mở các cơ sở đào tạo cũng là giải pháp hiệu quả.

Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp chuẩn bị được nguồn nhân lực theo yêu cầu riêng mà còn tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận công việc thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ngành du lịch Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, nhưng để khẳng định vị thế, cần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và ổn định. Các giải pháp về đào tạo từ chính quy đến hợp tác doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và tăng cường gắn bó nhân sự sẽ là yếu tố then chốt.

Việt Nam cần một thế hệ lao động trẻ, không chỉ có kỹ năng chuyên môn mà còn linh hoạt trong xử lý tình huống, có trách nhiệm và yêu nghề. Như vậy, bài toán nhân lực ngành du lịch sẽ không còn là rào cản, mà trở thành động lực để Việt Nam vươn xa trên bản đồ du lịch thế giới.

Ma Thị Kim Thoa

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khung-hoang-nhan-luc-trong-nganh-du-lich-thua-luong-thieu-chat-204241105093822774.htm