Khuyến khích cá nhân đưa cổ vật về nước

Nhân câu chuyện ấn vàng Hoàng đế chi bảo sắp về Việt Nam, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, cần khuyến khích nỗ lực hồi hương cổ vật của các cá nhân, đặc biệt tại thời điểm nguồn lực của đất nước có hạn.

Châu về Hợp Phố

Sau khi đàm phán thành công hồi tháng 11/2022, ấn vàng Hoàng đế chi bảo của vua Minh Mạng vẫn ở Pháp. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, các cơ quan chức năng đang hoàn thiện thủ tục để đưa ấn về nước theo đúng quy định pháp luật của hai nước. Trước đó, Bộ VHTTDL phối hợp Bộ Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công an và các cơ quan lên kế hoạch hồi hương ấn thông qua con đường ngoại giao văn hóa.

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo

Đoàn công tác liên ngành đến Pháp đàm phán trực tiếp với nhà đấu giá Millon, khoảng đầu tháng 11. Kết quả, hai bên thống nhất việc chuyển giao ấn "trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp". Về thời điểm hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa nói rằng hiện vẫn chưa thể tiết lộ, chỉ nêu mốc thời gian tháng 4-6/2023.

Không được bán bảo vật ra nước ngoài

Trước những lo ngại ấn vàng Hoàng đế chi bảo sẽ bị bán ra nước ngoài nếu thuộc sở hữu tư nhân, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành khẳng định, không có chuyện "chảy máu" ấn vàng lần nữa.

Cụ thể, Thông tư số 19/2012/TT-BVHTTDL ban hành ngày 28/12/2012 của Bộ VHTT&DL đã quy định rất rõ: “Di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị, tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học thuộc các giai đoạn lịch sử Việt Nam trước tháng 9 năm 1945, trong đó có ấn tín, không được mang từ Việt Nam ra nước ngoài”. Thông tư cũng chỉ ra: “Loại di vật, cổ vật quy định tại Thông tư này không áp dụng đối với trường hợp di vật, cổ vật được mang ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản”.

Ấn vàng cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 44 Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009/QH12. Trong đó, các điều luật này yêu cầu: “Việc đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản phải có sự bảo hiểm từ phía tiếp nhận di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; có quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài; quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho phép đưa di vật, cổ vật ra nước ngoài”.

Trước đây, cổ vật Việt thường được hồi hương theo ba hình thức. Năm 1978, chuông chùa Ngũ Hộ được đưa từ Tokyo (Nhật Bản) về Bắc Ninh do cá nhân, tổ chức vận động quyên góp mua cổ vật và hiến tặng cho Nhà nước. Cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá ở nước ngoài và hiến tặng về nước là hình thức hồi hương thứ hai, cụ thể là Xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh đưa về Huế năm 2015; mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình tháng 4/2022. Hình thức thứ ba do chính phủ các nước tự nguyện trả cổ vật của Việt Nam thu được từ các cuộc điều tra buôn bán trái phép. Trong số 18 cổ vật nhận từ Đức năm 2018, một số cổ vật Đông Sơn nhận từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hồi tháng 8/2022.

Một số cổ vật được hồi hương do cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá ở nước ngoài và hiến tặng về nước

Một số cổ vật được hồi hương do cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá ở nước ngoài và hiến tặng về nước

Có thể nói, ấn vàng Hoàng đế chi bảo là cổ vật đầu tiên được hồi hương theo hình thức ngoại giao văn hóa. PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn bảo vệ và phát huy giá trị di sản. “Đó là nhu cầu, nguyện vọng tự thân của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Chúng ta phải tạo ra tinh thần, tâm thế và khát khao như thế, mới có thể bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa một cách bền vững”, ông Sơn nói.

Tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 9 và Điều 10 Luật Di sản văn hóa chỉ rõ sự quan tâm của Nhà nước với những di sản văn hóa. Khoản 1, Khoản 2 Điều 9 nêu: “Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa. Chủ sở hữu di sản văn hóa có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa".

Điều 10 nêu: “Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”.

Khuyến khích cá nhân đóng góp

Trường hợp hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo có sự đóng góp của tư nhân, tuy nhiên việc xác định sở hữu chưa ngã ngũ. Hơn nữa, ấn vàng này sở dĩ được đàm phán thành công là nhờ nỗ lực từ Chính phủ tới các bộ, ngành và cơ quan liên quan. Tuy thế, đây cũng là minh chứng cho thấy vai trò của cá nhân, tổ chức trong việc đưa những cổ vật thất lạc ở nước ngoài về nước.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định, Việt Nam chứng kiến nhiều nỗ lực của các cá nhân trong hồi hương cổ vật. Ông bày tỏ sự vui mừng khi cá nhân quan tâm đến di sản quý giá của dân tộc, mong muốn gìn giữ những giá trị ấy ngay trên mảnh đất quê hương. “Điều này không chỉ giúp cổ vật không bị lưu lạc, mà còn giúp chúng ta chứng kiến, bảo quản, phát huy giá trị của các cổ vật ấy ngay trên đất nước ta, minh chứng cho những giá trị tôn vinh dân tộc”, ông Sơn nói.

Nỗ lực của các cá nhân và tình yêu của họ dành cho di sản văn hóa là điều vô giá, cần được đánh giá cao hơn, đặc biệt tại thời điểm nguồn lực của đất nước có hạn, còn nhiều ràng buộc về pháp lý, quy định khác chưa thực sự thuận lợi để hồi hương cổ vật. Trong Luật Di sản văn hóa có những điều khoản nêu rõ sự tham gia của các cá nhân trong việc bảo vệ di sản. Cụ thể, Điều 69 Luật Di sản nêu: “Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được khen thưởng theo quy định của pháp luật”.

Ông Sơn nhận định, để khuyến khích hơn nữa các cá nhân tham gia hồi hương cổ vật, cần nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí và ý nghĩa của tư nhân trong hồi hương cổ vật.

“Chúng ta cần coi đây là một công việc có tầm quan trọng, thể hiện tinh thần yêu nước, cống hiến. Từ đó cần tạo môi trường thuận lợi cho các cá nhân tham gia nhiều hơn nữa vào hoạt động này, tôn vinh những cống hiến của họ để lan tỏa thông điệp tích cực về bảo vệ và phát huy giá trị di sản”, ông Sơn nói.

BẢO HÂN - GIA LINH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khuyen-khich-ca-nhan-dua-co-vat-ve-nuoc-post1520855.tpo