Kiểm soát thực phẩm bán qua 'chợ mạng' vẫn gian nan
Người tiêu dùng rất dễ dàng để mua thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã chế biến qua thương mại điện tử (TMĐT) thông qua các website bán hàng, sàn giao dịch TMĐT. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra trong việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm trên môi trường TMĐT.
Tại hội thảo “Kết nối sản phẩm thực phẩm an toàn vào kênh phân phối hiện đại” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/7, bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, các mặt hàng thực phẩm ngày càng xuất hiện nhiều trên TMĐT thông qua các website TMĐT bán hàng, ứng dụng sàn giao dịch TMĐT trên các thiết bị di động. Người dân dễ dàng mua bán thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến qua mạng, đặt hàng, nhận hàng chỉ trong thời gian ngắn.
Theo ghi nhận tại hệ thống, trong tổng số 50.334 website TMĐT bán hàng đã được xác nhận thông báo, có khoảng 5.669 website có bán thực phẩm, đồ uống (chiếm 11%), 1.423 website kinh doanh các mặt hàng liên quan đến thực phẩm chức năng (3%) và 234 website cung cấp dịch vụ ăn uống, ẩm thực đến người tiêu dùng (chiếm 0,46%). Bên cạnh loại hình website TMĐT bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT cũng ghi nhận trong tổng số 726 sàn giao dịch TMĐT đã được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký, có 217 sàn cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác lên bán các sản phẩm là thực phẩm, đồ uống (chiếm 30%), 49 sàn có đăng tải thông tin là các sản phẩm thực phẩm chức năng (chiếm 7%) và 19 sàn có kinh doanh dịch vụ ăn uống, ẩm thực (chiếm 3%).
Tuy nhiên, theo bà Hà, cũng như mọi loại hàng hóa, hoạt động kinh doanh thực phẩm qua TMĐT rất phức tạp, khó kiểm soát. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh công tác rà soát, phối hợp ngăn chặn và xử lý vi phạm. Kết quả, năm 2023 đã gỡ bỏ 17.234 sản phẩm và chặn 5.576 gian hàng vi phạm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, các sàn đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn và đã gỡ gần 400 sản phẩm.
Ông Thân Đức Công, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT), Tổng cục QLTT cho biết, an toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, vì vậy, quản lý an toàn thực phẩm hiện nay là vấn đề rất cần thiết. Quan điểm của QLTT là luôn đồng hành và bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn hợp pháp, chính đáng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo ông Công, sự gia tăng hàng giả và thực phẩm giả trên môi trường TMĐT với tính chất phức tạp, thủ đoạn tinh vi gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, xử phạt.
Thời gian qua, lực lượng QLTT liên tiếp phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm. Điển hình là vụ lực lượng QLTT tỉnh Cao Bằng phát hiện cơ sở kinh doanh nội tạng bán qua hình thức TMĐT với khối lượng hàng hóa vi phạm rất lớn. Mới đây, QLTT đã tham mưu Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong môi trường TMĐT và các cơ quan chức năng đang rất tích cực triển khai Đề án này.
Theo bà Lê Thị Hà, Luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi đã bổ sung thêm nhiều nội dung về bảo vệ người dùng trên không gian mạng nhằm hạn chế tình trạng đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm khi có tranh chấp phát sinh với người tiêu dùng, đặc biệt đối với các giao dịch có nhiều chủ thể cùng tham gia thực hiện giao dịch. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã yêu cầu các sàn giao dịch TMĐT rà soát quy trình, biện pháp kiểm duyệt người bán, sản phẩm/dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và một số sản phẩm theo yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm.
Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cũng ủng hộ việc cơ quan y tế xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu như đề xuất tại Công văn số 3472/BYT-ATTP ngày 24/6/2024 đối với trang thông tin điện tử về an toàn thực phẩm. Theo đó, Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện hệ thống và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia, đồng thời cho phép các đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được kết nối, khai thác và sử dụng dữ liệu, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trên không gian mạng; tăng cường công tác phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa Cục và các đơn vị liên quan như Tổng cục QLTT, cơ quan Công an, Cục An toàn thực phẩm...
Ông Thân Đức Công cho biết thêm, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa đơn vị chức năng, nhất là các sàn TMĐT, về các đối tượng lợi dụng các website và ứng dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thực phẩm. Tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo bằng nhiều phương thức khác nhau đến người tiêu dùng về an toàn thực phẩm giả. Doanh nghiệp cần đồng hành, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan chức năng để chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu của chính mình và xử lý triệt để những đối tượng sản xuất, buôn bán thực phẩm giả.