Kinh tế | Gương sáng bản mường TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Những năm gần đây, mô hình chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung của gia đình ông Nguyễn Đức Tuyền ở bản Tân Hợp, xã Sơn Bình (huyện Tam Đường) đã đem lại hiệu quả thiết thực, cho giá trị kinh tế cao, thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi trâu, bò tập trung của gia đình anh Nguyễn Đức Tuyền. Chuồng trại chăn nuôi được anh xây dựng kiên cố, khoa học, các máng ăn được đổ bê tông sạch sẽ. Mặc dù trời mưa tầm tã, nhưng vợ chồng anh vẫn đội mưa để cắt cỏ voi cho đàn gia súc. Chia sẻ với chúng tôi về những ngày đầu khởi nghiệp, anh nhớ lại: năm 2014, với số vốn tích cóp được, anh nuôi 2 con trâu, thời gian đầu chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi, anh tích cực tìm tòi, học hỏi trên sách báo, tivi, những hộ chăn nuôi nhiều năm ở trong bản. Nhờ chăm sóc tốt, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng trừ dịch bệnh nên trâu béo tốt, sinh trưởng và phát triển nhanh. Thấy hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi trâu mang lại, năm 2017 anh quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi đại gia súc.

Anh Tuyền chia sẻ: “Để đàn gia súc lớn nhanh, khỏe mạnh, tôi thường xuyên học hỏi kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng các loại vắc-xin đầy đủ. Khi đã có kinh nghiệm, tôi mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa. Năm 2017, tôi nuôi 10 con trâu, bò sinh sản. Nhờ chăm sóc, phòng dịch bệnh kịp thời nên đàn trâu, bò mạnh khỏe, sinh sản nhanh, đến nay gia đình tôi có 25 con trâu, bò lớn, nhỏ. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng”.

Mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung của gia đình anh Nguyễn Đức Tuyền ở bản Tân Hợp, xã Sơn Bình.

Mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung của gia đình anh Nguyễn Đức Tuyền ở bản Tân Hợp, xã Sơn Bình.

Đại gia súc là tài sản lớn, chính vì vậy việc chăm sóc, bảo vệ trâu, bò được gia đình anh hết sức chú trọng. Để phòng tránh dịch bệnh, anh tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi 6 tháng 1 lần. Vào mùa đông, để đàn gia súc không bị đói, rét, anh dùng bạt để chắn gió, giữ ấm cho chuồng, đồng thời dự trữ thức ăn khô. Cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ cho đàn gia súc, hàng ngày anh cho trâu, bò ăn 3 bữa. Thức ăn chủ yếu là ngô, cỏ voi, bã đậu… Để có nguồn thức ăn cho gia súc tại chỗ, anh trồng hơn 1ha cỏ voi. Sau khi cắt cỏ voi, anh dùng máy nghiền để làm nhỏ, cho trâu, bò ăn trực tiếp.

Cũng theo anh Tuyền, việc đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, nhóm hộ liên kết chăn nuôi tập trung hiện nay là hướng đi đúng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua số lượng trâu, bò lớn để phát triển kinh tế vì kinh phí đầu tư ban đầu là rất lớn. Hiện nay, tỉnh cũng có những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nhưng chỉ áp dụng đối với những hộ bắt đầu xây dựng mô hình, anh mong muốn Nhà nước, tỉnh có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với những hộ đã đầu tư chuồng trại kiên cố, chăn nuôi tập trung để họ mở rộng quy mô chăn nuôi. Đối với những hộ có hướng xây dựng mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung cần có hỗ trợ phù hợp hơn về vốn, kinh phí xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, kêu gọi liên kết các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc thu mua, bao tiêu sản phẩm… để người dân yên tâm sản xuất.

Đồng chí Phạm Văn Định - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình đánh giá: “Mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung của gia đình anh Nguyễn Đức Tuyền ở bản Tân Hợp có quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đây là hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương. Đàn trâu, bò được nuôi tập trung, phát triển tốt, bán được giá thành cao. Nhờ phát triển chăn nuôi, kinh tế gia đình anh khấm khá hơn. Anh thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con trong bản để cùng nhau vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững".

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/l%C3%A0m-gi%C3%A0u-t%E1%BB%AB-m%C3%B4-h%C3%ACnh-ch%C4%83n-nu%C3%B4i-%C4%91%E1%BA%A1i-gia-s%C3%BAc-t%E1%BA%ADp-trung