Ký ức hào hùng của những thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ký ức ngày Giải phóng Thủ đô ấy vẫn sống động trong lòng những thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô, những người từng sống trong không khí rộn ràng và xúc động của một Hà Nội hoàn toàn độc lập, tự do.

Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô được thành lập vào tháng 7-1954 tại đình làng Sòng (xã An Khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) gồm hơn 300 đội viên là học sinh sắp tốt nghiệp tú tài từ các trường kháng chiến ở Việt Bắc như: Hùng Vương, Tân Trào, Lương Ngọc Quyến.

Đội được chia thành 17 phân đội vào Hà Nội từ ngày 3 đến 6-10 để chuẩn bị tiếp quản Thủ đô. Nhiệm vụ của họ là tiếp cận, tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước, giải đáp thắc mắc cho người dân, dọn dẹp, trang hoàng phố phường và tổ chức các hoạt động chào đón bộ đội về Thủ đô.

 Ông Đoàn Xuân Lộ. Ảnh: NVCC

Ông Đoàn Xuân Lộ. Ảnh: NVCC

Cựu thanh niên xung phong Đoàn Xuân Lộ nhớ lại, tiểu đội của ông được giao nhiệm vụ ở khu phố Hàng Bông, Hàng Gai, Đường Thành, nơi họ hăng say tuyên truyền, tổ chức các buổi tập hát, múa cùng thanh thiếu niên, chào đón bộ đội vào tiếp quản Thủ đô.

Sau ngày 10-10-1954, Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con Công giáo ở lại, không di cư vào Nam, đồng thời chuẩn bị chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội.

“Ngày giải phóng, cứ 5 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt trên vỉa hè để tập thể dục toàn dân theo tiếng loa phát thanh và dọn vệ sinh phố xá vào mỗi sáng thứ Bảy. Đó là những ngày tháng sôi động, vui tươi, khi từng người dân chúng tôi thực sự được sống trong niềm tự hào của một nước Việt Nam độc lập”, ông Đoàn Xuân Lộ xúc động nói.

 Bà Vương Thị Hiếu. Ảnh: NVCC

Bà Vương Thị Hiếu. Ảnh: NVCC

Bà Vương Thị Hiếu, một cựu thanh niên xung phong, bồi hồi nhớ lại những ngày tháng 8 năm ấy, khi Đội thanh niên xung phong tập trung tại Đại Từ, Thái Nguyên. Ai ai cũng thấm nhuần 8 chính sách của Đảng, Chính phủ đối với đồng bào vùng mới giải phóng, 10 điều kỷ luật trước khi vào tiếp quản Thủ đô và nhiệm vụ của đội, tất cả thực hiện với tinh thần khẩn trương, bởi ai cũng hiểu rõ rằng nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô lần này mang ý nghĩa lịch sử không thể đo đếm được.

Đầu tháng 10, cả đội hành quân bộ từ Thái Nguyên về Hà Nội, từng bước đi gói trọn sự háo hức, tự hào và ý thức trách nhiệm của thế hệ được trao niềm tin bảo vệ Thủ đô yêu dấu. Điểm tiếp quản đầu tiên là Nhà thương Đồn Thủy, nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tại đây, các đội viên trải chiếu ngủ trên nền đất, đồng phục chỉnh tề và nghiêm cẩn như một lời tuyên thệ thầm lặng.

Các nữ thanh niên trong đội khoác váy kaki, áo sơ mi trắng cổ lá sen, đầu đội mũ cối - một sự pha trộn đầy tự hào giữa vẻ trẻ trung, thanh lịch của Hà Nội và nét nghiêm nghị của cán bộ cách mạng. Đêm 9-10, Hà Nội chìm trong giấc ngủ, nhưng Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô vẫn thao thức. Không ai ngủ, mọi người tất bật chuẩn bị cho một ngày lịch sử sắp đến.

Sáng 10-10-1954, các phân đội tỏa đi khắp ngõ ngách, dán từng khẩu hiệu, phát từng tờ truyền đơn, miệng cười rạng rỡ gọi loa mời thanh niên ra đón đoàn quân từ năm cửa ô tiến vào.

 Bà Vương Thị Hiếu đội mũ đi đầu. Ảnh: NVCC

Bà Vương Thị Hiếu đội mũ đi đầu. Ảnh: NVCC

Bà Hiếu nghẹn ngào kể: “Khi ấy, hàng vạn người dân đứng chật hai bên đường, tay giương cao lá cờ đỏ sao vàng, hình Bác Hồ thân thương. Tiếng hát hòa với tiếng trống vang lên khắp phố phường. Khoảnh khắc ấy với tôi như một bức tranh bất tử - lòng tự hào, niềm vui vỡ òa, và cả sự xúc động nghẹn ngào khi được thấy quê hương trong sắc thái tự do đầu tiên”.

Trước khi kết thúc câu chuyện, đôi mắt bà Hiếu sáng lên một niềm tin gửi gắm: “Chúng tôi luôn mong rằng thế hệ trẻ hôm nay và mai sau sẽ hiểu được giá trị của tự do và sẽ yêu Hà Nội như máu thịt của mình. Bởi, Hà Nội không chỉ là mảnh đất để sinh sống, mà còn là biểu tượng của lòng tự tôn, là di sản mà bao thế hệ cha ông đã vun đắp và gìn giữ bằng xương máu”.

 Những thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô gặp gỡ, ôn lại những ký ức hào hùng. Ảnh: NVCC

Những thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô gặp gỡ, ôn lại những ký ức hào hùng. Ảnh: NVCC

Với những thanh niên xung phong ngày ấy, Hà Nội không chỉ là một thành phố, mà là nơi tình yêu và lòng tin mãnh liệt được thắp sáng, một mảnh ghép không thể thiếu trong ký ức và cuộc đời họ.

Giờ đây, những thanh niên xung phong năm ấy đều đã bước qua tuổi xế chiều, nhưng ký ức về ngày Hà Nội được giải phóng vẫn luôn tươi mới, hiện lên sống động như ngày nào. Những con người đã đi qua mưa bom, bão đạn, sống trong niềm tin vào tương lai, họ nhìn thấy Hà Nội hôm nay là kết quả của những hy sinh không gì có thể thay thế. Mỗi góc phố, mỗi khu di tích trong lòng Thủ đô là một phần của câu chuyện về những ngày tiếp quản.

NHƯ THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/ky-uc-hao-hung-cua-nhung-thanh-nien-xung-phong-tiep-quan-thu-do-798139