Lãi suất tiết kiệm đã chạm đáy?

Theo đánh giá của các chuyên gia, lãi suất tiền gửi ngân hàng có thể chưa tăng ngay trong quý II/2021 nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy mặt bằng đã chạm đáy.

Đây là một trong những nội dung quan trọng được các chuyên gia phân tích tại Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ghi nhận trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 4.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến 19/3, tăng trưởng cung tiền toàn thị trường ước đạt 1,5% và tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng đạt 0,5% so với cuối năm 2020. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng quý I ở mức 1,47% so với đầu năm, cao hơn nhiều mức tăng 0,7% cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, tỷ lệ kể trên vẫn thấp hơn mức tăng trung bình 2,3% cùng kỳ giai đoạn 2017-2019.

Theo các chuyên gia, tín dụng quý I/2021 tăng nhanh hơn năm trước trong khi số huy động vốn không tăng cùng tốc độ có thể là nguyên nhân khiến lãi suất tiền gửi gia tăng gần đây.

Theo đó, từ đầu tháng 3, lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã bắt đầu nhích tăng sau quãng thời gian dài suy giảm. Hầu hết ngân hàng đều tăng nhẹ lãi huy động ở một số kỳ hạn 0,1-0,2 điểm %. Riêng Techcombank ghi nhận mức tăng lãi suất huy động các kỳ hạn lên tới 0,4-0,7 điểm % trong tháng 3.

 Lãi suất tiền gửi có thể chưa tăng ngay trong quý I/2021, nhưng đã chạm đáy. Ảnh: Hoàng Hà.

Lãi suất tiền gửi có thể chưa tăng ngay trong quý I/2021, nhưng đã chạm đáy. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo VDSC, các đợt tăng lãi suất huy động này cho thấy lãi suất tiền gửi ngân hàng dường như đã chạm đáy.

Tuy nhiên, các chuyên gia tại đây cho rằng lãi suất sẽ không tăng ngay mà tiếp tục duy trì ở mức khiêm tốn năm nay do lạm phát được kiểm soát và chính sách tiền tệ nới lỏng.

Trong tháng 3, lạm phát toàn phần tăng 1,2% so với cùng kỳ (tháng 2 tăng 0,7%), trong khi đó, chỉ số CPI lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) chỉ tăng 0,7% trong tháng. Như vậy, lạm phát toàn phần vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước và được dự báo tiếp tục duy trì dưới ngưỡng này trong thời gian còn lại của năm.

Cùng quan điểm, SSI Research cũng cho biết mặt bằng lãi suất đã ở vùng thấp nhất lịch sử.

Nếu không tính đợt biến động ngắn mang tính chất mùa vụ của lãi suất liên ngân hàng trước và sau Tết Nguyên đán 2021, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã duy trì ở vùng 0,2-0,3%/năm với kỳ hạn qua đêm suốt 9 tháng qua. Trong 2 tháng gần nhất, lợi tức trái phiếu chính phủ dù nhích tăng 0,15-0,25 điểm % trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, nhưng vẫn đang ở vùng thấp lịch sử.

 Lãi suất tiền gửi tại các nhóm ngân hàng đã không còn giảm thêm.

Lãi suất tiền gửi tại các nhóm ngân hàng đã không còn giảm thêm.

Năm 2020, lãi suất tiền gửi đã giảm 2-2,5 điểm %. Trong quý I/2021 vừa qua, một số ngân hàng cũng tăng, giảm 0,1-0,4 điểm % tập trung vào các kỳ hạn ngắn và khách hàng cá nhân.

Trong khi đó, hầu hết nhà băng vẫn giữ nguyên lãi tiền gửi ở 3-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,5-5,5%/năm với kỳ hạn 6-12 tháng; và 4,6-6%/năm với kỳ hạn 12 tháng trở lên.

Theo dữ liệu của trung tâm phân tích này, bên cạnh sự dịch chuyển của dòng tiền sang các kênh đầu tư khác, các ngân hàng có thể đã chủ động giảm huy động để thu hẹp chênh lệch với dư nợ cho vay để đảm bảo mức sinh lời.

Ở chiều ngược lại, lãi suất cho vay đã giảm 1-1,5% trong năm 2020, thấp hơn mức giảm lãi tiền gửi. Đây là lý do biên lãi ròng (NIM) của hầu hết ngân hàng đã tăng mạnh trong nửa cuối năm 2020 và hiện ở mức cao kỷ lục, khoảng 4%.

Theo các chuyên gia, nếu lãi suất tiền gửi tiếp tục duy trì ở mức thấp, các ngân hàng sẽ có cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay bằng cách thu hẹp NIM về mức thông thường 3,5%.

Cũng theo SSI Research, lãi suất tiền gửi sẽ tăng trở lại vào nửa cuối năm 2021 khi hoạt động kinh tế sôi động trở lại khiến cầu tín dụng tăng và lạm phát tăng trở lại.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lai-suat-tiet-kiem-da-cham-day-post1201844.html