'Làm du lịch để tăng thu nhập cho bản thân và bà con'
Đó là suy nghĩ và cách làm kinh tế du lịch của chị Sùng Y Dớ (người dân tộc Mông). Chị là một trong những phụ nữ dân tộc thức thời của xóm Chà Đáy, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Homestay gia đình chị Dớ mỗi năm đón tiếp hàng nghìn lượt khách du lịch ghé thăm, lưu trú và trải nghiệm văn hóa.
Chị Sùng Y Dớ làm du lịch tại xóm Chà Đáy, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình
Trải nghiệm văn hóa Mông
Pà Cò là nơi có đông đảo đồng bào người Mông sinh sống, kinh tế còn khó khăn. Nhưng giờ đây, nơi này đang dần được biết đến như một điểm đến khá lý tưởng bởi người dân đã biết khai thác những hoạt động sản xuất sinh hoạt thường ngày nhưng độc đáo để thu hút khách du lịch.
Khi đặt chân tới đây, ngắm những bản làng nằm yên bình dưới thung lũng, những nếp nhà đặc trưng của người Mông ẩn mình trong mây mù, xung quanh là những vườn mận, mơ đang nở bung trắng hồng, tạo thành bức tranh phong cảnh hữu tình đẹp như lạc vào miền cổ tích, níu kéo bước chân của những du khách khi tới đây.
Nhận thấy quê hương có tiềm năng phát triển du lịch, chị Sùng Y Dớ (sinh năm 1979) đã nung nấu hoài bão làm du lịch homestay. Với diện tích đất 700m2 ở xóm Chà Đáy do ông bà để lại, chị Dớ quyết định xây dựng một ngôi nhà dành cho khách du lịch đến trải nghiệm với tên gọi Mong Space. Đây cũng là homestay mà chị dành biết bao tâm huyết để gây dựng nên.
Trải nghiệm văn hóa Mông là dịch vụ du lịch mà chị Dớ suy nghĩ rất nhiều để thực hiện và cũng là cả một quá trình dài lo lắng, vun đắp. "Mình muốn khách đến nhà có thể biết và trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc người Mông như vẽ sáp ong, nhuộm chàm, tắm lá thuốc, ngâm chân, làm giấy dó, sao trà, hái trà... Và đặc biệt là trải nghiệm 19 công đoạn làm vải lanh của người Mông. Mình đã học hỏi và sưu tầm rất nhiều thứ để có thể tái hiện ở homestay và du khách đã rất yêu thích những trải nghiệm này", chị Dớ chia sẻ.
Cố gắng mỗi ngày làm tốt hơn nữa
Bắt đầu làm homestay từ năm 2019, chị cũng gặp nhiều khó khăn bởi kinh nghiệm chưa có, cứ nghĩ đến đâu làm đến đó. Kinh phí thì hạn hẹp, chỉ có mảnh đất của ông bà rồi cứ thế bồi đắp dần lên một ngôi nhà đơn sơ như thế. Rồi khát khao được tự tay mở ra một "không gian văn hóa", khôi phục và lưu giữ văn hóa dân tộc mình đã thôi thúc chị phải làm đến cùng và phải làm thành công.
Giờ đây, ngôi nhà của chị đã là điểm đến và lưu trú của nhiều du khách trong và ngoài nước. Khách đến với Pà Cò nhiều nhất là vào mùa thu và mùa đông. Trung bình mỗi tháng có khoảng 200 lượt khách ghé thăm, lưu trú tại homestay cho chị thu nhập ổn định.
"Khách đến có thể ngủ nghỉ và được phục vụ cách dịch vụ như tắm lá thuốc, ngâm chân, vẽ sáp ong,… Mình cố gắng mỗi ngày làm tốt hơn nữa để hài lòng người đến. Điều đó không chỉ giúp bản thân mình có kinh tế mà còn thu hút được nhiều người đến với Pà Cò. Du khách đến nhiều sẽ tăng thu nhập cho bà con buôn bán và làm các dịch vụ khác", chị Dớ chia sẻ thêm.
Để duy trì và phát triển du lịch trong thời gian tới, chị Dớ cũng mong muốn được chính quyền địa phương và các đoàn thể, cấp ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí tu sửa lại nhà không gian văn hóa và các phòng ở cho khách. Tiếp tục mở các lớp tập huấn như nấu ăn, hướng dẫn viên du lịch tại địa phương để chị em phụ nữ người Mông có cơ hội nâng cao tay nghề, kỹ năng làm dịch vụ du lịch.
Nằm cách trung tâm huyện Mai Châu khoảng hơn 20km, xã Pà Cò là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mông. Nơi đây có khí hậu mát mẻ với cảnh đẹp hoang sơ của núi rừng đã níu chân được nhiều du khách tìm đến khám phá và tìm hiểu văn hóa dân tộc Mông. Đó là điều kiện thuận lợi để Pà Cò đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Chính quyền xã đã và đang hướng người dân tới phát triển kinh tế du lịch và tiếp tục tạo điều kiện để người dân tộc Mông làm giàu bằng chính vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng trên mảnh đất quê hương.