Lần đầu đưa xòe Thái vào thi trong trường học ở Sơn La

Xòe - loại hình văn hóa dân gian của người Thái tại Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để di sản nghệ thuật xòe Thái tiếp tục được bảo tồn, phát huy giá trị trong đời sống xã hội, các cấp, ngành, địa phương trong khu vực Tây Bắc tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực.

Tại tỉnh Sơn La, mới đây, lần đầu tiên xòe Thái được đưa vào thi trong hệ thống trường học ở tỉnh. Đó là hội thi “Tìm hiểu Xòe Thái” tổ chức trong chương trình ngoại khóa “Về miền di sản” của Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Chu Văn An, trực thuộc trường ĐH Tây Bắc ở TP Sơn La, tỉnh Sơn La.

Mỗi buổi tập là 1 lần trải nghiệm về xòe, nên các em rất thích thú

Mỗi buổi tập là 1 lần trải nghiệm về xòe, nên các em rất thích thú

Âm thanh nhạc xòe rộn rã cất lên, cũng là lúc hơn 500 em học sinh trường TH, THCS và THPT Chu Văn An, Đại học Tây Bắc ở Sơn La có mặt ở sân chào cờ của trường để cùng tham dự buổi ngoại khóa đặc biệt. Lần đầu tiên, các em học sinh ở 2 bậc học là THCS và THPT sẽ được đắm mình vào không gian văn hóa dân tộc Thái; cùng trải nghiệm và tìm hiểu, khám phá những nét đặc sắc của 6 điệu xòe cổ của người Thái Tây Bắc. Em Nguyễn Ngọc Bảo An, lớp 8B cho biết: "Con cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được tham gia chương trình này. Qua đó được khám phá thêm những điều con chưa biết về các điệu xòe của dân tộc Thái và con cũng có thể biết thêm nhiều điều tốt đẹp về văn hóa dân tộc của đất nước mình".

Trên sân khấu độc đáo, được thiết kế mô phỏng chiếc khèn bè, cùng những chiếc khăn piêu của người Thái với những họa tiết hoa văn nhiều sắc màu, bằng hình thức sân khấu hóa, các đội thi đã lần lượt thực hiện các phần thi như: chào hỏi giới thiệu về đội thi của mình; thuyết trình, trình diễn giới thiệu 6 điệu xòe cổ của người Thái, gồm: điệu “Khắm khen mơi lảu” (tức nâng khăn mời rượu); “Phá xí” (bổ bốn); “Nhôm khăn” (tung khăn); “Đổn hôn” (tiến lùi uyển chuyển); “Khắm khen” (nắm tay cùng xòe) và “Ỏm lọm tốp mư” (nối vòng tròn vỗ tay).

Trong tiếng nhạc rộn ràng, tiếng vỗ tay không ngớt, các nam nữ diễn viên đã hóa thân thành các chàng trai, cô gái Thái qua trang phục truyền thống của đồng bào Thái mà các em mặc trên người. Em Lò Đức Anh, học sinh lớp 12A - người tự dàn dựng tiết mục cho đội thi của mình chia sẻ: "Con cảm thấy rất là vui và háo hức. Bản thân là một người con của dân tộc Thái và là một người trẻ, con rất muốn học hỏi thêm và truyền tải đến cho những người bạn xung quanh biết về nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái, trong đó có 6 điệu xòe cổ. Con sẽ cùng các bạn cùng gìn giữ và lưu truyền nét đẹp văn hóa đó cho đến mãi sau này".

Em Hà Thùy Vy, học sinh lớp 8B cũng bày tỏ: "Em cảm thấy rất vui và thú vị khi được tham gia chương trình vì em là người con của dân tộc Thái, nhưng chưa được tham gia vào lễ hội của người Thái. Em nghĩ đây cũng là dịp để em được tham gia và trải nghiệm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Qua đây em muốn giới thiệu về bản sắc của người dân tộc Thái để bạn bè và người thân cùng biết và mong mọi người cùng gìn giữ và phát triển bản sắc độc đáo của dân tộc ở Việt Nam".

Phần thi trình diễn nghệ thuật xòe Thái

Phần thi trình diễn nghệ thuật xòe Thái

Thầy giáo Đặng Anh Đàn, giáo viên giảng dạy bộ môn Âm nhạc của nhà trường, đồng thời là đạo diễn Chương trình cho biết, không gian văn hóa “Về miền di sản” được tổ chức nhằm quảng bá sâu rộng hơn về truyền thống văn hóa đặc sắc; gia tăng sự hiểu biết đối với học sinh về văn hóa dân tộc Thái, khẳng định thành tựu và sức sống của Xòe Thái luôn được gìn giữ và phát triển tại cộng đồng.

Cùng với đó là tạo không khí vui tươi, phấn khởi, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa, nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của di sản Xòe Thái và các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vùng miền trong cả nước đã được UNESCO công nhận. Đây là lần đầu tiên xòe Thái được đưa vào thi trong hệ thống trường học bậc phổ thông ở Sơn La.

Băng: Đây là số đầu tiên chúng tôi làm về nghệ thuật xòe Thái. Số thứ 2 chúng tôi sẽ làm về dân tộc Mông “Điệu khèn chân mây”. Dần các số tiếp theo chúng tôi sẽ tổ chức thi, tìm hiểu các di sản của các dân tộc khác đã được ghi danh. Định kỳ là mỗi học kỳ 1 số.

Ban tổ chức đã trao giải nhất, nhì, ba cho các đội có phần thi xuất sắc, ấn tượng. Kết thúc chương trình là vòng xòe đoàn kết, vui nhộn, với sự tham gia của đông đảo thầy cô và toàn thể học sinh nhà trường.

Thu Thùy/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/lan-dau-dua-xoe-thai-vao-thi-trong-truong-hoc-o-son-la-post1132286.vov