Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Sáng 27/4, tại xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1018 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành và đón nhận Di sản phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn.

Cổng Đền thờ Lê Hoàn ở xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Cổng Đền thờ Lê Hoàn ở xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Di tích Đền thờ Lê Hoàn ở xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân có kiến trúc đền thờ truyền thống đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa dâng hương tưởng niệm Lê Đại Hành hoàng đế.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa dâng hương tưởng niệm Lê Đại Hành hoàng đế.

Gắn liền là hội truyền thống được tổ chức thường niên và thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng hồ sơ đề cử, được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia.

Kỷ niệm 1018 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành, huyện Thọ Xuân và tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ đón nhận, vinh danh giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tổ chức lễ hội truyền thống.

Lãnh đạo Văn hóa-Thể thao và Du lịch trao Chứng nhận di sản phi vật thể quốc gia cho Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn.

Lãnh đạo Văn hóa-Thể thao và Du lịch trao Chứng nhận di sản phi vật thể quốc gia cho Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn.

Sau lễ rước kiệu, dâng hương, đọc chúc văn, đánh trống khai hội, diễn văn do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng trình bày ôn lại thân thế, sự nghiệp, khẳng định công lao to lớn của Thập đạo tướng quân Lê Hoàn-Hoàng đế Lê Đại Hành trong “phá Tống, bình Chiêm”, bảo vệ nền độc lập, tự chủ, tiếp tục xây dựng nhà nước Đại Cồ Việt vững mạnh ở thế kỷ X, đặt nền móng cho bước phát triển vững chắc của chế độ phong kiến tập quyền Việt Nam.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đọc diễn văn tại buổi lễ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đọc diễn văn tại buổi lễ.

Tôn vinh những giá trị độc đáo, quý báu của Lễ hội đền thờ Lê Hoàn và Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Lê Hoàn; lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, lễ hội Đền thờ Lê Hoàn.

Thái hậu Dương Vân Nga trao Hoàng bào cho tướng quân Lê Hoàn.

Thái hậu Dương Vân Nga trao Hoàng bào cho tướng quân Lê Hoàn.

Tiếp đó là chương trình nghệ thuật sân khấu hóa do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa và đội văn nghệ quần chúng huyện Thọ Xuân trình diễn, nêu bật quê hương “địa linh”, sinh “nhân kiệt”; công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Lê Hoàn-Hoàng đế Lê Đại Hành trong dòng chảy lịch sử cùng những chính sách trọng nông, khuyến công, thương, đối ngoại mềm dẻo đã mở ra thời kỳ phát triển hưng thịnh của nhà nước Đại Cồ Việt thời tiền Lê.

Kế thừa, phát huy bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Thọ Xuân hôm nay tiếp tục chung sức, đồng lòng, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương ngày một đẹp, giàu.

Lễ hội Lê Hoàn và Tuần lễ văn hóa-du lịch-ẩm thực huyện Thọ Xuân diễn ra từ ngày 24 đến 28/4 với nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc như thi dựng trại binh thời Lê, thi làm cỗ chay tiến Vua, trình diễn quy trình sản xuất bánh lá răng bừa, các trò chơi, trò diễn dân gian, thể thao dân tộc, hiện đại, biểu diễn văn hóa, văn nghệ.

Làm bánh lá răng bừa truyền thống ở xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Làm bánh lá răng bừa truyền thống ở xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Tại đây còn có 19 gian hàng giới thiệu, bày bán các sản phẩm OCOP, sản vật địa phương, giới thiệu điểm đến, các di tích, danh thắng trên địa bàn huyện Thọ Xuân, triển lãm, tuyên truyền cổ động về công tác bảo đảm an toàn giao thông năm 2023.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/le-hoi-den-tho-le-hoan-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post749984.html