Liên Hợp Quốc kêu gọi bảo vệ nhóm người lao động dễ bị tổn thương do COVID-19
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Báo cáo viên đặc biệt về các hình thức nô lệ hiện đại của Liên Hợp Quốc, ông Tomoya Obokata ngày 5/5 kêu gọi các nước tăng cường bảo vệ hàng triệu người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, có nguy cơ bị đẩy vào các công việc bị bóc lột ngang với tình trạng nô lệ.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, ông Tomoya Obokata, người đảm nhận vị trí Báo cáo viên đặc biệt bắt đầu từ tháng 5/2020, đánh giá rằng tác động nghiêm trọng về kinh tế xã hội của đại dịch COVID-19 có khả năng làm gia tăng mức độ của tình trạng nô lệ thời hiện đại.
Việc các nước ban hành lệnh phong tỏa để ngăn chặn tình trạng lây lan của đại dịch đã khiến tỉ lệ thất nghiệp tăng đột biến trên khắp thế giới.
Nhiều người lao động dễ bị tổn thương trước đây đã bị đẩy vào tình trạng thậm chí còn bấp bênh hơn khi không có bất kỳ sự bảo vệ nào, trong đó nhóm người lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, những người lao động công nhật, nhân viên tạm thời, cũng như những người không có bảo hiểm xã hội sẽ là những người chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Từ những đánh giá này, ông Tomoya Obokata kêu gọi các nước cần xác định những người có nguy cơ bị đẩy vào các công việc bị bóc lột để nhanh chóng có các hành động, tránh nguy cơ nhiều người bị đẩy vào tình trạng nô lệ hiện tại và về lâu dài.
Ông Obokata nhấn mạnh hành động nhanh chóng của các nước là điều không thể thiếu trong việc góp phần đạt được một trong các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc là xóa bỏ chế độ nô lệ vào năm 2030.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mới đây cảnh báo một cuộc suy thoái toàn cầu “là điều gần như chắc chắn” và những hành động ứng phó ở cấp quốc gia riêng lẻ hiện nay nhằm chống đại dịch COVID-19 “sẽ không thể đối phó được với quy mô toàn cầu và mức độ phức tạp của cuộc khủng hoảng”.
Theo tính toán của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đại dịch COVID-19 đã khiến người lao động toàn cầu thiệt hại khoảng 3,4 nghìn tỉ USD tiền thu nhập từ nay đến cuối năm.
Chính vì vậy, ông Guterres kêu gọi cần phải tập trung hỗ trợ những người lao động thu nhập thấp thuộc nhóm dễ tổn thương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như phải có giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội, giảm thiểu phá sản và thất nghiệp.
Cùng ngày, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã kêu gọi các nước và cộng đồng quốc tế cần hành động khẩn cấp để bảo vệ trẻ em bị di dời trong nước vì đây là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Trong báo cáo mới nhất của UNICEF, ông Peter Hawkins-đại diện của cơ quan này tại Nigeria cho biết, hàng trăm nghìn trẻ em ở vùng đông bắc Nigeria đang phải sống trong tình trạng xung đột, và hiện là trong "bóng đen" của đại dịch toàn cầu cũng như những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh đó, những trẻ em bị buộc phải di dời là những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương. Các khu dân cư đông đúc, thiếu hụt các dịch vụ cơ bản như nước sạch, vệ sinh, y tế công cộng sẽ là những địa điểm thuận lợi cho dịch COVID-19 lây lan. Do đó, UNICEF cần khẩn trương phối hợp với chính phủ các nước và các đối tác nhân đạo để giúp cho những trẻ em này được an toàn, khỏe mạnh, được học tập và bảo vệ.
Cuối năm 2019, UNICEF ước tính khoảng 46 triệu người trên toàn thế giới đã phải di dời do xung đột và bạo lực. Trong số đó, có khoảng 19 triệu trẻ em. Tại vùng đông bắc Nigeria, khoảng 1,9 triệu người (60% là trẻ em) đã buộc phải rời bỏ nhà cửa. Là quốc gia đông dân nhất châu Phi, đồng thời là nền kinh tế lớn nhất châu lục, nhưng hơn một nửa dân số Nigeria đang phải đối mặt với đói nghèo.
L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)