Lợi nhuận của Aramco so với 5 'ông lớn' dầu khí thế giới thế nào?
Gã khổng lồ dầu mỏ Aramco của Ả Rập Xê Út hôm thứ Ba (9/5) đã công bố lợi nhuận ròng là 31,9 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2023, giảm 19,25% so với cùng kỳ năm 2022, do sụt giảm giá hydrocarbon.
Chỉ riêng công ty Aramco của Ả Rập Xê Út đã tạo ra hơn 3/4 trong số 40,5 tỷ USD lợi nhuận tích lũy được trong quý đầu tiên của 5 "ông lớn" trong lĩnh vực này: BP, Shell, ExxonMobil, Chevron và TotalEnergies.
Nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, Aramco đã ghi nhận khoản lãi ròng 39,5 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2022, do giá tăng vọt sau cuộc chiến của Nga tại Ukraine.
Giá đã giảm trong những tháng gần đây, đến mức Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) gần đây đã can thiệp bằng cách giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá.
“Chúng tôi đang tiếp tục các kế hoạch mở rộng và kế hoạch dài hạn của chúng tôi không thay đổi vì chúng tôi tin rằng dầu khí sẽ vẫn là thành phần chính của hỗn hợp năng lượng toàn cầu trong tương lai gần”, Giám đốc điều hành Aramco Amin Nasser cho biết hôm thứ Ba.
Jamie Ingram, nhà phân tích tại tạp chí chuyên ngành MEES, nhận xét: “Lợi nhuận ròng có thể cao hơn, nhưng Aramco tăng gấp bội các khoản đầu tư, không giống như các công ty dầu mỏ khác”.
Đầu tàu của nền kinh tế Ả Rập Xê Út - Aramco vẫn là nguồn tài chính chính cho chương trình cải cách Tầm nhìn 2030 đầy tham vọng được thực hiện trong những năm gần đây bởi Thái tử Mohammed bin Salman.
Công ty đã công bố mức lãi kỷ lục là 161,1 tỷ USD vào năm 2022, giúp vương quốc này đạt thặng dư ngân sách hàng năm lần đầu tiên sau gần một thập niên, sau nhiều năm giá dầu giảm mạnh trên thị trường thế giới.
Nhu cầu của Trung Quốc
Vào giữa tháng 4, Ả Rập Xê Út đã quyết định chuyển 4% cổ phần của Aramco, trị giá gần 80 tỷ USD, cho Sanabil Investments, một công ty do Quỹ đầu tư công (PIF), một trong những quỹ lớn nhất thế giới, kiểm soát với hơn 620 tỷ USD tài sản.
Aramco đã chuyển 4% cổ phần của mình vào năm ngoái cho PIF. Nhà nước Ả Rập Xê Út vẫn là cổ đông nắm giữ 90,18% cổ phần của công ty.
Giá dầu đang giảm do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và lĩnh vực ngân hàng Mỹ, bất chấp những cắt giảm mới nhất của OPEC+, nhóm các nước dầu mỏ do Ả Rập Xê Út và Nga dẫn đầu.
Những cắt giảm này, được công bố vào đầu tháng 4 và có hiệu lực từ tháng 5 cho đến cuối năm 2023, đã được nhiều nhà phân tích giải thích là mong muốn của liên minh OPEC+ nhằm duy trì một thùng dầu Brent trên 80 USD.
Ibrahim al-Ghitani, một chuyên gia năng lượng có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập cho biết: "Thị trường dầu mỏ hiện đang bị chi phối bởi rủi ro ngân hàng ở Hoa Kỳ".
Tuy nhiên, ông nói thêm, "nhu cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng" trong suốt cả 5 năm.