Lúng túng đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh
Qua 4 năm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, kết quả dạy học trên địa bàn TPHCM đã có nhiều chuyển biến tích cực, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất cho người học. Tuy nhiên, hiện nay một số trường có cách làm cứng nhắc khiến việc dạy học chưa phát huy hiệu quả thực chất.
Học sinh quá tải bài tập về nhà
Chị Minh Anh, phụ huynh có con đang học lớp 6, Trường THCS N.D. (quận Gò Vấp) cho biết, tuần qua, giáo viên mỹ thuật yêu cầu con chị vẽ tranh có họa tiết trống đồng làm bài kiểm tra cuối học kỳ 2. Điều đáng nói là, cả lớp đã hoàn thành bức vẽ này trước đó, song cô vẫn yêu cầu các con vẽ lại trên một tờ giấy mới, có sẵn chữ ký giáo viên để tránh học sinh gian lận, sử dụng bức vẽ cũ lấy điểm kiểm tra cuối học kỳ.
Phụ huynh này bày tỏ: “Để hoàn thành một bức vẽ, học sinh mất từ 2-3 giờ đồng hồ. Tôi không hiểu vì lý do gì cô giáo bắt các con sao chép nội dung đã vẽ trên một tờ giấy khác, trong khi việc này gây nhàm chán và mất nhiều thời gian của học sinh”. Thực tế, không phải học sinh nào cũng yêu thích hoặc có năng khiếu mỹ thuật, việc lặp lại nhiều lần một thao tác khiến môn học trở nên nặng nề, sản phẩm làm ra mang tính đối phó.
Trường hợp khác, anh Quang Thịnh, phụ huynh có con học lớp 6 tại một trường THCS ở quận Bình Thạnh, chia sẻ, ngoài môn mỹ thuật, con anh được giáo viên môn Kỹ năng sống yêu cầu làm quạt giấy có nan tre. Trước đó, con đã làm một con diều bằng giấy, vẽ tranh lễ hội cho môn Giáo dục lịch sử địa phương. Thậm chí, ở môn Ngữ văn - môn học đòi hỏi kỹ năng đọc hiểu và diễn đạt văn bản, giáo viên cũng yêu cầu học sinh vẽ tranh lấy điểm quá trình.
Ở lớp 6, các con đang tập làm quen phương pháp học tập ở cấp THCS với nhiều khác biệt so với tiểu học. Việc các môn học lạm dụng yêu cầu học sinh vẽ tranh, làm sản phẩm thủ công đã tạo áp lực, gây quá tải việc học ở nhà của học sinh.
Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi: “Môn mỹ thuật nhằm giáo dục nhận thức thẩm mỹ cho học sinh, nhưng không phải tiếng nói chung cho tất cả môn học. Học sinh thể hiện năng lực bằng nhiều cách chứ không chỉ qua ngôn ngữ hội họa. Phải chăng vẽ tranh là yêu cầu đơn giản nhất để tạo ra sản phẩm, làm cơ sở chấm điểm giúp thầy và trò “qua môn” nên đang bị nhiều thầy cô lạm dụng?”.
Ngoài việc đánh giá quá trình học tập của học sinh thông qua sản phẩm là tranh vẽ, vật dụng thủ công, nhiều giáo viên hiện nay còn lạm dụng việc tổ chức các dự án học tập, với yêu cầu học sinh quay clip, gửi video báo cáo cho giáo viên. Không thể phủ nhận hiệu quả tích cực của hình thức dạy học theo dự án, qua đó nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, phản biện của học sinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh trường học còn chịu áp lực cao về sĩ số học sinh/lớp, nếu giáo viên không quan tâm sâu sát, các dự án học tập dễ rơi vào tình trạng làm cho có, tổ chức theo phong trào, vừa không tạo ra hiệu quả thực chất vừa gây áp lực cho học sinh, phụ huynh.
Đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá
Theo thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ bộ môn Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), phương pháp dạy học qua dự án được đề cập nhiều trong các hoạt động tập huấn chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm dạy học của giáo viên. Song, khi triển khai trên thực tế, nhiều thầy cô gặp khó khăn vì phải vừa tạo được hứng thú cho học sinh, vừa đánh giá được khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh, đồng thời vừa giúp các em phát huy kỹ năng, sở trường vốn có. Để đạt được mục tiêu đó, dự án học tập phải được tổ chức bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, không “áp” một yêu cầu chung cho tất cả học sinh.
Ngoài ra, cô Hoàng Thị Diễm Trang, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý (quận 7), cho rằng, kế hoạch kiểm tra, đánh giá học sinh cần rõ ràng, triển khai các nhiệm vụ một cách tường minh, tránh lạm dụng việc giao nhiệm vụ học tập về nhà, gây quá tải cho học sinh.
Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) Lê Duy Tân lưu ý, giáo viên không nên đánh đồng việc giao bài tập về nhà với giao nhiệm vụ trên hệ thống quản lý học tập cho học sinh. Hệ thống quản lý học tập là một trong những công cụ giúp học sinh phát triển các năng lực cốt lõi như đọc hiểu, nghiên cứu, thực hành; qua đó đẩy mạnh mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất theo định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Trong bối cảnh toàn ngành giáo dục và đào tạo đang đẩy mạnh yêu cầu chuyển đổi số, đại diện các nhà trường đều cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông nhằm giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về các hoạt động giáo dục của nhà trường, từ đó có sự đồng hành và hỗ trợ việc học của học sinh.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc, áp lực từ phụ huynh và xã hội về kết quả học tập của học sinh là một trong những thách thức đối với yêu cầu đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh. Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định, các trường cần kết hợp nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh, như đánh giá qua bài kiểm tra tự luận hoặc trắc nghiệm, sản phẩm từ các dự án học tập, bài thuyết trình, bài làm sáng tạo của học sinh.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lung-tung-doi-moi-kiem-tra-danh-gia-hoc-sinh-post736425.html