Lúng túng trong dạy học tích hợp ở bậc THCS: Sẽ xem xét điều chỉnh phù hợp với yêu cầu đổi mới
Tại sự kiện Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 15/8, nhiều giáo viên ở các địa phương tiếp tục bày tỏ lo lắng, băn khoăn về việc dạy học các môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở (THCS) trong bối cảnh chưa có giáo viên được đào tạo tích hợp, giáo viên dạy đơn môn sau một thời gian tập huấn ngắn ngủi chuyển sang dạy tích hợp khiến chất lượng dạy học không như mong muốn.
Chia sẻ, đồng tình với những băn khoăn của giáo viên, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, sắp tới sẽ quyết định xem xét điều chỉnh việc dạy các môn tích hợp ở bậc THCS theo hướng phù hợp với yêu cầu đổi mới.
Cô Nguyễn Thị Thiều Hoa, giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An chia sẻ: Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới ban hành năm 2108 cấp THCS yêu cầu dạy tích hợp các môn Khoa học tự nhiên (KHTN), môn Lịch sử và Địa lí, do đó các giáo viên được đào tạo đơn môn phải tham gia bồi dưỡng chương trình này để dạy được cả môn.
Việc bồi dưỡng theo khung chương trình ban hành theo Thông tư số 2454 và 2455 của Bộ GD&ĐT cơ bản giúp giáo viên có thể dạy được cả môn tích hợp. Tuy nhiên, để dạy học hiệu quả hơn, đề nghị Bộ GD&ĐT có chủ trương, chỉ đạo, hướng dẫn để tiếp tục có các giải pháp giúp giáo viên ngày càng hoàn thiện.
Cô Hoàng Hải Vân, giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cũng đề xuất Bộ GD&ĐT có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên dạy học các môn tích hợp; quan tâm, phối hợp với các ngành chức năng đề xuất chính sách hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho đội ngũ nhà giáo khi tham gia bồi dưỡng các môn học này.
Ngoài ra, cô Vân cũng cho rằng, việc thực hiện nhiều bộ SGK, học sinh chọn tổ hợp môn như hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn. Bản thân là một giáo viên, đồng thời cũng là một phụ huynh nên cô cũng có những trăn trở nhất định, như việc chuyển trường của học sinh gặp khó khăn; việc tổ chức thi/xét tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào lớp 10, thi học sinh giỏi các cấp sẽ như thế nào? Phương án thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ được thực hiện như thế nào trong những năm tới?
Cô Hoàng Thị Thu Hương, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Hòa Bình, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn cũng nêu ý kiến: Từ năm học 2023-2024, các địa phương bắt đầu tổ chức thi học sinh giỏi lớp 8, lớp 9 các cấp theo Chương trình GDPT 2018, trong đó có một số môn tích hợp như KHTN, Lịch sử và Địa lí là các môn học mới.
Do đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cần sớm chỉ đạo các Vụ liên quan sớm có hướng dẫn về việc xếp môn thi KHTN, Lịch sử và Địa lí thi theo bài thi đơn lẻ như môn học cũ (Vật lí, Hóa học, Sinh học; Lịch sử, Địa lí) hay thi theo nội dung của môn học tích hợp. Trong khi đó, ở cấp THPT không có các môn học tích hợp này…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ với những khó khăn mà giáo viên cơ sở giáo dục đang gặp phải khi triển khai Chương trình GDPT 2018, trong đó có dạy học tích hợp, liên môn ở cấp THCS.
Theo Bộ trưởng, đây là điểm mới trong chương trình GDPT mới bởi khi thiết kế chương trình, chúng ta mong muốn phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương, cơ sở giáo dục, giáo viên đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng có giáo viên còn nhiều lúng túng, nhất là với giáo viên vùng khó dù đã được tập huấn, bồi dưỡng.
“Trong thời gian tới, Bộ sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp THCS. Song, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc. Mục đích của việc điều chỉnh là để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thông tin.
Trước ý kiến của một số giáo viên về việc hiện đang có quá nhiều cuộc thi trong nhà trường gây áp lực không cần thiết cho giáo viên và học sinh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đã có Văn bản số 5814 từ năm 2017, nêu rõ danh mục các cuộc thi trong nhà trường. Còn lại, có nhiều cuộc thi do các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức, lãnh đạo nhà trường cần có sự lựa chọn phù hợp, làm sao tránh tổ chức quá nhiều, chồng chéo, hình thức, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính của giáo viên, học sinh. Riêng với danh mục các cuộc thi của Bộ GD&ĐT tại Công văn số 5814 có giảm nữa hay không, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, điều này cần hết sức cân nhắc, nếu không sẽ dễ chuyển từ thái cực này sang thái cực khác.
“Xu hướng là tinh gọn, giảm bớt cuộc thi nếu sau phân tích thấy thực sự có ít ý nghĩa, sự cần thiết. Với cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật, đây là cuộc thi được tổ chức nhiều năm, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo học sinh, giáo viên. Về ý nghĩa, cuộc thi này phù hợp với xu hướng học đi đôi với hành, tăng cường giáo dục STEM, kích thích sự sáng tạo và triển khai ý tưởng ra sản phẩm của học sinh… Tuy nhiên, cuộc thi này cũng cần phải tiếp tục đổi mới cho thực chất, phù hợp với lứa tuổi học sinh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ việc triển khai chương trình GDPT mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, giáo viên và cơ sở vật chất là hai nhân tố quan trọng. Hiện nhiều địa phương thực hiện tốt việc này, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh dạy-học. Tuy nhiên, do các điều kiện khác nhau, nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong xây dựng kiên cố hóa trường học. Việc giải ngân mua sắm thiết bị dạy học còn khó khăn.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mong rằng, lãnh đạo các địa phương quan tâm ráo riết hơn nữa để có thể cải thiện cơ sở vật chất trường lớp. Đồng thời, người đứng đầu ngành giáo dục cũng đề nghị, các cơ sở giáo dục, trường học khai thác thật tốt những thiết bị đã có và đang có để phục tốt việc dạy và học của thầy và trò, nhất là với những giờ thực hành; không để thiết bị trong kho và không được ra đến lớp. Ngoài ra, để giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm bám trường, bám lớp, thì cũng cần xây thêm nhà công vụ cho giáo viên ở những địa phương này.