Lý giải việc chiến cơ gần 70 triệu USD của Mỹ bị thổi bay xuống biển
Chiến cơ hiện đại trị giá gần 70 triệu USD của Mỹ đang nằm trên sàn tàu sân bay USS Harry S.Truman bất ngờ bị thổi bay xuống biển.
Chiến cơ bị thổi bay khỏi sàn tàu
Theo trang Millitary ngày 12/7, sự việc xảy ra từ cuối tuần trước nhưng vừa mới được Hải quân Mỹ công bố trong một thông báo gần đây.
Chiếc chiến cơ F/A-18 Super Hornet đã bị thổi bay khỏi sàn tàu trong lúc tàu USS Harry S.Truman đang làm nhiệm vụ hậu cần trên biển.
Lý do dẫn đến sự kiện hy hữu trong lịch sử Hải quân Mỹ là vì thời tiết khắc nghiệt bất thường nhưng Hải quân Mỹ đang tiếp tục điều tra để làm rõ.
Thông thường, luôn có một quy trình nghiêm ngặt để giữ chặt máy bay với sàn tàu trong thời tiết khắc nghiệt. Trên tàu sân bay, luôn có một nhóm sĩ quan chuyên phân tích và dự báo khí tượng.
Một trong những sự cố máy bay bị thổi khỏi sàn tàu gần đây nhất được biết đến là xảy ra vào năm 1995 nhưng lúc đó không phải vì biển động.
Người phát ngôn Hải quân Mỹ cho biết cơ quan này đang cân nhắc có nên trục vớt chiếc Super Hornet đang nằm dưới đáy Địa Trung Hải hay không dù họ chắc chắn có khả năng.
Hải quân Mỹ khẳng định, sự việc này không gây thương vong và tàu sân bay Truman cùng số chiến cơ trên tàu vẫn đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ.
Khả năng đã xảy ra hiện tượng thời tiết cực hiếm
Mới đây, tờ Washington Post đã dẫn lời một số chuyên gia để lý giải về sự việc trên.
Theo đó, ông David Titley, người từng là chỉ huy của Bộ Tư lệnh Khí tượng và Hải dương học Hải quân cho biết: “Đây là một sự kiện cực kỳ bất thường vì các tàu và máy bay của hải quân thường được thiết kế và chế tạo để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt do thường xuyên phải đối mặt với hoàn cảnh đó”.
Người phát ngôn của Hải quân chưa phản hồi cụ thể về các điều kiện dẫn đến việc máy bay chiến đấu thổi bay xuống biển nhưng một số phân tích trên mô hình máy tính về dự báo thời tiết trong khu vực được cho là nơi xảy ra sự cố cho thấy có nhiều dấu hiệu của bão.
Hải quân Mỹ không công bố vị trí chính xác nơi xảy ra vụ việc, nhưng hai ngày trước, Bộ Quốc phòng từng tiết lộ chi tiết về hoạt động của một chiếc Super Hornet thuộc tàu sân bay USS Harry S.Truman trên Biển Ionian - tiếp giáp với bờ biển phía Đông Nam của Italia, là một phần của Địa Trung Hải.
Trước khi vụ việc xảy ra, một đợt nắng nóng khắc nghiệt hoành hành tại Italia, liên tục phá vỡ kỷ lục về sức nóng.
Cả thành phố Rome và Florence đều chứng kiến những ngày tháng 6 nóng nhất trong lịch sử. Thời tiết này cũng liên quan đến một trận tuyết lở ở dãy núi Alps thuộc Italia khiến 11 người leo núi đường dài thiệt mạng hôm 3/7.
Trước ngày xảy ra vụ chiến cơ bị thổi bay, nắng nóng kết thúc và một đợt không khí lạnh rất mạnh quét qua Italia và Biển Ionian từ phía Bắc. Qua mô hình dự báo trên máy tính, có nơi sóng biển cao tới 8 mét.
Các mô hình này cũng cho thấy một vùng áp suất thấp và không khí lạnh cường độ cao đi qua biển, đối lập rõ rệt với nhiệt độ ấm bất thường (cao hơn bình thường tới 4 độ C) trên bề mặt biển - theo Trung tâm Biến đổi Khí hậu Euro - Địa Trung Hải.
Sự đối lập giữa nhiệt độ trên bề mặt đại dương và nhiệt độ cao trong không khí có thể đã tạo ra một bầu khí quyển đặc biệt không ổn định, dễ dẫn đến giông bão.
Một chuyên gia khác là ông Tim Gallaudet, từng phục vụ 32 năm trong Hải quân, cho rằng có thể đã xảy ra hiện tượng đám mây nguyên tử - hiện tượng thời tiết cực hiếm thường xuất hiện trong cơn giông bão, có sức mạnh rất lớn.