Năm 2020, tín dụng tăng khoảng 10,5%

Ngày 24-12, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp báo triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2021.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại họp báo.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, mặc dù, năm 2020, tình hình dịch bệnh và thiên tai gây thiệt hại lớn, song, ngành ngân hàng vẫn đạt được mục tiêu đề ra như: Quản lý thị trường vàng, ngoại tệ, lãi suất ổn định theo chiều hướng tích cực; ổn định hệ thống tổ chức tín dụng trên nền tảng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đồng thời, nợ xấu được kiểm soát và xử lý quyết liệt. Tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ ấn tượng với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu, đặc biệt, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục đạt kết quả tích cực.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, mặc dù nửa đầu năm 2020 tín dụng tăng chậm, song đã phục hồi từ quý II khi cầu tín dụng bắt đầu tăng.

Cụ thể, đến cuối quý I-2020, tăng trưởng tín dụng chỉ có 1,31%, thì cuối quý II đã tăng lên 3,65%, cuối quý III tăng 6,08% và đến 21-12-2020 tín dụng tăng 10,14%, dự kiến tín dụng cả năm 2020 tăng khoảng 10,5% so với cuối năm 2019. Tính đến ngày 18-12, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,83% so với cuối năm 2019 và tăng 14,62% so với cùng kỳ 2019.

Cơ cấu tín dụng chuyển dịch phù hợp với cơ cấu các ngành trong GDP, cụ thể, so với cuối năm 2019, dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản tăng khoảng 8,63% (chiếm 8,59% tổng dư nợ toàn nền kinh tế); ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,9% (chiếm 28,38%); ngành thương mại, dịch vụ tăng 11,5% (chiếm 63,03%).

Tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như: So với cuối năm 2019, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 10,4%; tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 9,8%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11%...

Liên quan đến tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro, ông Tuấn Anh cho biết, lĩnh vực này được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 9%, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 21,53% và phục vụ đời sống tăng 4,8%, trong khi cùng kỳ năm 2019 là 19,49%, xu hướng giảm dần, chất lượng tín dụng tiếp tục được cải thiện; tín dụng đối với dự án BOT, BT giao thông có xu hướng giảm (-0,59%); chứng khoán tăng 0,2%.

Bên cạnh đó, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 225.376 tỷ đồng, tăng 8,98% so với cuối năm 2019, với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ. Dư nợ tín dụng trên địa bàn các xã trên toàn quốc phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đạt khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm 48% tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình.

Các tổ chức tín dụng cũng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và tác động tiêu cực của thiên tai. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 590 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23-1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng.

Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động với tổng dư nợ là 25,26 tỷ đồng cho 170 người sử dụng lao động, số lao động được hỗ trợ là 6.834 người.

Tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ ấn tượng với số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019).

Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, ổn định thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế.

Cụ thể, điều hành chính sách tiền tệ (đặc biệt là lãi suất, tỷ giá) chủ động, linh hoạt phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thông suốt. Chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng. Hoàn thiện hành lang pháp lý và xây dựng, triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn tới, trong đó tập trung vào hoàn thiện cơ sở hạ tầng...

Hà Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/tai-chinh/986902/nam-2020-tin-dung-tang-khoang-105