Né thuế quan, Trung Quốc đang 'rải' nhà máy khắp thế giới

Để ứng phó với chiến tranh thương mại, người khổng lồ châu Á đang đầu tư hàng tỷ đô la xây dựng các nhà máy ở nước ngoài, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng.

Xe ô tô chờ xuất khẩu tại cảng ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 23/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Xe ô tô chờ xuất khẩu tại cảng ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 23/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mở rộng toàn cầu mới. Các công ty công nghệ của nước này đã bắt đầu “gieo hạt giống” ở vô số vùng lãnh thổ. Thỉnh thoảng, một thỏa thuận lại được công bố về đặt nền móng cho một nhà máy sản xuất xe điện, pin, máy điện phân để cung cấp hydro xanh hoặc tấm pin mặt trời. Hoạt động này đang diễn ra trên toàn thế giới, từ Tây Ban Nha, Brazil, Đức, Việt Nam, cho đến Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.

Vượt qua bức tường hạn chế thương mại

Xu hướng mới này nói lên thiên hướng quốc tế của Trung Quốc, đất nước đang tìm cách dẫn đầu lĩnh vực mà họ tự hào là đang đi trước các đối thủ cạnh tranh một bước, nhờ vào năng lực công nghệ và sức mạnh sản xuất. Họ muốn vươn tới mọi ngóc ngách của hành tinh, để có thể tiếp cận các thị trường trọng điểm. Sự mở rộng này - vốn đã diễn ra trong một thời gian – lại càng tăng tốc sau đại dịch COVID-19. Đây là một phần trong nỗ lực mà Trung Quốc thực hiện để đối phó với nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi bong bóng bất động sản. Nếu nhu cầu nội địa của Trung Quốc không phục hồi, họ sẽ phải ra nước ngoài để tìm kiếm.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đã trở thành phản ứng của người khổng lồ châu Á nhằm vượt qua bức tường hạn chế thương mại ngày càng gia tăng đối với hàng xuất khẩu ồ ạt và được trợ cấp mạnh mẽ của Trung Quốc. Bức tường này đang được Liên minh châu Âu, Mỹ và một số ít quốc gia khác dựng lên vì lo ngại về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Về phần mình, sự hấp dẫn của các công ty Trung Quốc mở rộng ra nước ngoài cũng trở thành một công cụ đàm phán để Bắc Kinh cố gắng giảm thuế quan, cũng như là một vũ khí thâm nhập địa chính trị có khả năng thiết kế lại bản đồ liên minh, đặc biệt là ở “Nam Toàn cầu” (Global South)

Làn sóng mở rộng mới của Trung Quốc hứa hẹn sẽ mở ra một chương khác trong câu chuyện về các tranh chấp thương mại với phương Tây, nhất là khi nó có thể bùng lên thành Chiến tranh thương mại 2.0 nếu ông Donald Trump một lần nữa trở lại Nhà Trắng.

Theo fDi Intelligence, một bộ phận chuyên môn của Financial Times, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào các dự án liên quan đến điện tử, năng lượng tái tạo, thiết bị gốc ô tô và các lĩnh vực hóa chất sẽ đạt đỉnh vào năm 2024, với tổng giá trị là 78,3 tỷ USD. Các khoản đầu tư như vậy vào lĩnh vực kim loại và khoáng sản cũng đã phá vỡ mọi kỷ lục vào năm ngoái, ở mức khoảng 37,8 tỷ USD.

Sự thay đổi này diễn ra vào thời điểm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã khẳng định mình là quốc gia xuất khẩu ròng vốn để thành lập các cơ sở sản xuất mới.

Trung Quốc vốn là quốc gia nhập khẩu cho đến giữa thập kỷ trước, nhưng kể từ đó, nước này đã đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn số tiền nhận được. Theo fDi Intelligence, vào năm 2023, Trung Quốc đã phá vỡ mọi kỷ lục trong lĩnh vực này. Dự án đơn lẻ lớn nhất đã được công bố cho đến nay là một trung tâm công nghệ của gã khổng lồ ô tô Trung Quốc Geely tại Malaysia, nơi các mẫu xe hybrid điện sẽ được sản xuất. Tổng giá trị của dự án được định giá là 10 tỷ USD.

Trung Quốc nhận thức rằng các khoản đầu tư của mình có thể là một con bài mặc cả để các quốc gia hạ thấp các rào cản thương mại của họ. Chẳng hạn, việc gây dựng sản xuất tại EU sẽ là một cách để tránh thuế quan, ô tô điện với tem "made in EU" sẽ giúp tăng giá trị, tạo việc làm và chuyển giao công nghệ.

Ô tô điện - mũi nhọn hướng ra nước ngoài của Trung Quốc

Xe điện là sản phẩm chủ lực trong đợt triển khai mới của Trung Quốc ra nước ngoài. Công ty BYD — đang cạnh tranh với Tesla để giành danh hiệu nhà sản xuất xe hybrid điện lớn nhất thế giới — đang hoàn thiện một nhà máy ở Hungary. Công ty đã xác nhận ý định xây dựng một nhà máy khác tại Mexico và dự định bắt đầu sản xuất ở Brazil trước cuối năm 2024. Công ty này cũng đã mở nhà máy ở Uzbekistan hồi tháng 6 và một nhà máy khác tại Thái Lan vào tháng 7, trong khi đã công bố dự án nhà máy tại Indonesia.

Ô tô điện được sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Ô tô điện được sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Chery — một công ty ô tổ khác của Trung Quốc - cũng đã bắt đầu các hoạt động tại nhà máy Nissan cũ ở Barcelona, và có kế hoạch đổ bộ vào Mexico. Chery sẽ có một nhà máy đi vào hoạt động tại Việt Nam vào năm 2026. Năm ngoái, ban lãnh đạo của họ đã công bố khoản đầu tư 400 triệu USD vào Argentina để xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô, với sự hỗ trợ của ngành khai thác lithium địa phương.

Đây chỉ là hai ví dụ, nhưng còn nhiều thương hiệu khác của Trung Quốc cũng đang tiến ra nước ngoài như GAC, SAIC, NIO…

EU đã trở thành một trong những sân chơi chính. Trung Quốc muốn có mặt tại một trong những thị trường lớn nhất hành tinh và việc triển khai của họ đã đạt được đà tăng trưởng. Mặc dù đầu tư của Trung Quốc vào EU đạt mức thấp vào năm 2023, nhưng những khoản đầu tư dành cho toàn bộ chuỗi giá trị ô tô điện trên lục địa này đã tăng vọt lên 5 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào EU và tăng 61% so với năm trước - theo báo cáo của Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS).

Sức hấp dẫn của Trung Quốc

Nhiều chuyến thăm của các nhà lãnh đạo thế giới đến Bắc Kinh có lẽ là ví dụ điển hình nhất về sức hấp dẫn từ Trung Quốc. Sau chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 6, Tổng thống Peru Dina Boluarte đã lưu ý: “Chúng tôi đã thấy công nghệ [mà Trung Quốc có] trong đổi mới khoa học… chúng tôi muốn tiếp tục củng cố mối quan hệ song phương này để nhận được sự hỗ trợ từ trung tâm khoa học mà họ có. Bằng cách này, chúng ta có thể có một Peru khác biệt”.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã ký một biên bản ghi nhớ hợp tác công nghiệp trong chuyến thăm của bà vào tháng 7, liên quan đến cả xe điện và năng lượng tái tạo.

Vào tháng 9, hội nghị thượng đỉnh vĩ mô Trung Quốc - châu Phi đã diễn ra, với hơn 50 nhà lãnh đạo từ châu lục này họp tại Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khai mạc hội nghị thượng đỉnh bằng bài phát biểu thúc đẩy quá trình hiện đại hóa thân thiện với môi trường. Ông khẳng định "Trung Quốc sẵn sàng giúp Châu Phi xây dựng động lực tăng trưởng xanh".

Các nhà lãnh đạo châu Phi đã kêu gọi Bắc Kinh đầu tư để nâng cao chuỗi giá trị. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres tuyên bố: "Quan hệ đối tác Trung Quốc-Châu Phi có thể thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng tái tạo. Nó có thể là chất xúc tác cho những chuyển đổi quan trọng trong hệ thống thực phẩm và kết nối kỹ thuật số".\

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo El Pais)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ne-thue-quan-trung-quoc-dang-rai-nha-may-khap-the-gioi-20241005175045232.htm