Nên giao bộ nào điều hành giá xăng dầu?

Bộ Công thương đề xuất một trong các phương án điều hành giá xăng dầu là giao Bộ Tài chính, trong khi Bộ Tài chính đề nghị giao Bộ Công thương để quản lý thống nhất. Vậy phương án nào hợp lý?

Lý lẽ của các bộ

Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu (dự thảo) đang được Bộ Công thương lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất có thể giữ nguyên quy định hiện hành, tức là nhiều bộ, ngành cùng điều hành, quản lý xăng dầu; hoặc giao hoàn toàn việc điều hành giá và rà soát, hướng dẫn, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu về một trong hai bộ Tài chính, Công thương để thống nhất quản lý.

Các bộ nên ngồi lại với nhau để tìm phương án lựa chọn cơ quan điều hành giá xăng dầu phù hợp nhất. Ảnh ITN

Các bộ nên ngồi lại với nhau để tìm phương án lựa chọn cơ quan điều hành giá xăng dầu phù hợp nhất. Ảnh ITN

Theo Bộ Công thương, nếu giao hoàn toàn về cho bộ này thì dù bảo đảm thống nhất một đầu mối quản lý giá và cung cầu nhưng lại dẫn tới chồng chéo và phát sinh bộ máy.

Nếu giao về Bộ Tài chính, ưu điểm là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của bộ này. Như vậy, việc tính toán, hướng dẫn và công bố giá điều hành... sẽ chính xác theo chế độ hoạch toán, kế toán. Tuy nhiên, nhược điểm là việc điều hành giá tách xa việc điều hành cung cầu nên sẽ có những bất ổn, không có sự độc lập, khách quan trong tính toán chi phí kinh doanh xăng dầu.

Bộ Công thương cho biết, đề xuất giao Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu chưa phải là phương án lựa chọn cuối cùng.

Trái lại, trong công văn gửi Bộ Công thương mới đây, Bộ Tài chính cho rằng có nhiều lý do để giao Bộ Công thương quản lý, điều hành giá xăng dầu, bảo đảm thống nhất đầu mối.

Cụ thể, Bộ Công thương là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu. Bộ quản lý, cấp phép các thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu; hướng dẫn thực hiện hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu; hướng dẫn thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu; bảo đảm việc cung ứng xăng dầu được ổn định, đáp ứng nhu cầu xăng dầu trên địa bàn.

Như vậy, Bộ Công thương nắm được chi tiết các khâu tổ chức hoạt động, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị; các chi phí cần thiết phát sinh để duy trì, phát triển hệ thống phân phối; tình hình cung cầu, diễn biến giá xăng dầu nguyên liệu và thành phẩm.

Từ phân tích trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc giao thống nhất nhiệm vụ về giá về Bộ Công thương sẽ giúp cơ quan chủ trì điều hành giá nắm bắt bản chất của các yếu tố hình thành giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu phù hợp với thực tế phát sinh cũng như tăng cường công tác giám sát đối với chi phí thực hiện của các thương nhân.

Cũng theo Bộ Tài chính, nếu để phân tán như hiện nay (một số nhiệm vụ thuộc công tác điều hành giá xăng dầu lại được phân công cho Bộ Tài chính như giám sát trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá; rà soát tính toán công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở) làm phát sinh thêm quy trình và gây khó khăn cho cơ quan điều hành giá. Bởi lẽ, giá cơ sở là tổng hòa của các yếu tố hình thành giá, không chỉ đơn giản là việc quyết định tăng/giảm giá tại thời điểm điều hành giá.

"Các bộ nên ngồi lại cùng nhau"

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, theo quy định hiện hành, giao Bộ Tài chính quản lý, điều hành giá xăng dầu sẽ đúng chức năng hơn. Tuy nhiên, trong quá trình xác định giá xăng dầu cơ sở, chi phí định mức đòi hỏi phải có thông tin từ các doanh nghiệp. Thực tế, Bộ Tài chính có đề nghị doanh nghiệp cung cấp thông tin, nhưng các doanh nghiệp chậm trễ. Các doanh nghiệp lại do Bộ Công thương quản lý.

“Điều quan trọng nhất ở đây là phải có quy chế trách nhiệm rõ ràng. Về phía doanh nghiệp, phải có trách nhiệm báo cáo thông tin đầy đủ, kịp thời. Về phía cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra quyết định kịp thời, đúng quy định. Nếu không có quy chế trách nhiệm này, giao Bộ Tài chính dù đúng chức năng thì cũng khó làm tốt nếu doanh nghiệp không hợp tác”, ông Độ phát biểu.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, lại cho rằng nên giao về Bộ Công thương. Ông Thỏa phân tích, hiện nay có sự cắt khúc quản lý khi giao Bộ Công thương quản lý sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn giá cơ sở xăng dầu nhưng lại tách riêng một phần trong cơ cấu giá là chi phí định mức cho Bộ Tài chính tính toán, công bố để Bộ Công thương đưa vào mức giá cơ sở. Việc cắt khúc này khiến các bộ cứ chờ đợi nhau, không theo kịp diễn biến thị trường, đã thấy rất rõ trong năm 2022.

“Bộ Công thương đang quản lý về xăng dầu, từ khâu quy hoạch, xây dựng hệ thống kinh doanh xăng dầu, hệ thống cảng; quản lý về hạn ngạch, cấp hạn ngạch, cấp phép trở thành đầu mối; quản lý toàn bộ đầu mối thì Bộ Công thương hiểu rõ nhất về sản xuất, kinh doanh xăng dầu cũng như sự vận hành của hệ thống đó, gắn với đó là các chi phí điều hành giá. Vì thế, nên giao điều hành giá về Bộ Công thương là hợp lý nhất, sẽ bắt nhịp hơn diễn biến thị trường cả trong nước và thế giới”, ông Thỏa nêu quan điểm.

Đồng tình với quan điểm trên, đại diện một doanh nghiệp phân phối xăng dầu trực thuộc Chi hội Xăng dầu, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam góp ý, Bộ Công thương nên điều hành giá để bảo đảm tròn khâu. Theo vị này, thời gian qua có những sự chậm trễ nhất định trong việc cập nhật, tính toán các chi phí giá khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Khi giao về Bộ Công thương vốn nắm rõ hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu sẽ bảo đảm quản lý, điều hành được cập nhật hơn.

Nhấn mạnh Bộ Công thương cần phải chịu trách nhiệm chính trong quản lý điều hành giá xăng dầu, PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, lưu ý, cần tăng cường sự phối hợp chủ động giữa các bộ, ngành liên quan để điều hành giá xăng dầu phù hợp thực tiễn, sát thị trường hơn.

Hiện, dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến. Việc lựa chọn bộ nào điều hành giá xăng dầu cần được tính toán kỹ. “Các bộ nên ngồi lại với nhau để tìm ra phương án hợp lý nhất”, ông Nguyễn Tiến Thỏa đề xuất.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/nen-giao-bo-nao-dieu-hanh-gia-xang-dau-i313985/