Ngành nông nghiệp dự báo duy trì đà tăng quý cuối năm
Dù chịu ảnh hưởng của bão số 3, ngành nông nghiệp dự kiến vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng trong năm nay với các giải pháp phục hồi nhanh chóng.
Chín tháng đầu năm, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt được những chỉ số tăng trưởng tích cực.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 46,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, dự kiến, ba tháng cuối năm là thời điểm thuận lợi, ngành sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng về sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Để đạt được mục tiêu đó, theo ông Tiến, cần tập trung vào một số giải pháp để bù đắp thiệt hại sau cơn bão.
Đơn cử, ngành chăn nuôi có thể tập trung vào các sản phẩm ngắn ngày, như gà công nghiệp, vịt, ngan (40 ngày đã có thể cho một lứa), lợn (4 tháng có thể cho thịt).
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy những tỉnh chăn nuôi có quy mô lớn như Đồng Nai, Nghệ An, Thanh Hóa để bù đắp thiệt hại cho các tỉnh vùng núi phía Bắc.
Với thủy sản, Thứ trưởng cho biết, ngành thủy sản hiện vẫn đang duy trì đà tăng trưởng. Trong thời gian tới, sẽ thúc đẩy tăng trưởng thủy sản ở khu vực phía Nam để đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành.
“Cố gắng trong tất cả ngành hàng đều có sự quyết liệt. Hy vọng trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ khôi phục nhanh với những sản phẩm phù hợp với thời gian, đạt tốc độ tăng trưởng 3,2 – 4% trong năm 2024”, ông Tiến nhấn mạnh.
Về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, Thứ trưởng đánh giá, việc Ấn Độ gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng gần đây sẽ không ảnh hưởng lớn đến gạo Việt Nam.
Nguyên nhân là bởi đây không phải là lần đầu tiên nước này mở cửa cho xuất khẩu gạo. Cùng với đó, gạo Việt Nam hiện nay đã có thị phần với giá trị và chất lượng tương đối ổn định, hệ sinh thái trong chuỗi giá trị gắn với thị trường của ngành lúa gạo Việt Nam được vận hành tương đối chặt chẽ, bài bản.
Với ngành chăn nuôi – đóng góp tới 26% vào giá trị của ngành nông nghiệp, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho hay, cơ quan này sẽ tiếp tục các biện pháp để giữ được đà tăng của ngành.
Những giải pháp này bao gồm tập trung xuất khẩu sang các thị trường chất lượng cao; tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu gia cầm ở phía Bắc và buôn lậu lợn ở phía Nam.
Cùng với đó, bộ sẽ rà soát hoạt động nhập khẩu, kiểm soát nhập khẩu, “không để ngành chăn nuôi thành ‘bãi rác thải’ của khu vực và thế giới”, ông Tiến nhấn mạnh.
Dù vậy, hoạt động nông nghiệp trong thời gian tới cũng đối mặt với một số rủi ro, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ ra trong báo cáo.
Ngành nông nghiệp và các địa phương phía Bắc đang khôi phục sản xuất nông lâm thủy sản sau cơn bão số 3 trong bối cảnh thời tiết diễn biến bất thường, nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất.
Cùng với đó, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nguy cơ cháy rừng tăng cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.
Ngoài ra, sự phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, kiểm soát lạm phát của các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản đang khởi sắc, nhưng còn chậm.
Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường; căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng…
Không chỉ vậy, nhiều quốc gia thực thi chính sách bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung, ứng phó với tác động tiêu cực của El Nino, La Nina.