Nghe câu quan họ trên cao nguyên

Trò chuyện với liền anh Ngô Sách Trung - Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca Quan họ Bắc Ninh thị trấn Nam Ban (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), tôi chợt nhớ đến bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Vũ Thiết (phỏng thơ Hữu Chỉnh) 'Nghe câu quan họ trên cao nguyên'. Và thật bất ngờ khi ông chia sẻ, chính bài hát này là động lực để ông và những người con Bắc Ninh cùng các vùng phụ cận sống giữa cao nguyên gây dựng nên Câu lạc bộ lớn mạnh như hôm nay.

Thông qua một số người quen, tôi cũng đã được trò chuyện với liền anh Ngô Sách Trung – một người con của xã Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, xa quê đến hơn 30 năm nay. Trong sâu thẳm, tôi cảm nhận được ở anh sự chân thành, gần gũi, cởi mở, tình cảm như biết bao người Bắc Ninh khác. Với chất giọng Bắc, anh kể, ngay từ ngày còn học phổ thông, những làn điệu ngọt ngào, đằm thắm của dân ca quan họ đã làm anh đêm ngày mê mẩn. Ban đầu thì học lỏm người ta mà hát, sau này thì học hát ở trường, ở các lớp quan họ do địa phương tổ chức... “Năm 1991, gia đình tôi quyết định vào Lâm Đồng lập nghiệp. Những ngày đầu, trong hoàn cảnh “lạ nước, lạ cái”, tôi đã phải đối mặt với biết bao khó khăn, thử thách để tìm kế mưu sinh cho cả gia đình. Vất vả là thế nhưng chúng tôi vẫn không quên quan họ, lấy quan họ làm “điểm tựa tinh thần” để vơi bớt nhọc nhằn”, ông kể lại.

Liền anh Ngô Sách Trung (ngoài cùng bên trái) và các thành viên Câu lạc bộ dân ca Quan họ Bắc Ninh thị trấn Nam Ban trong một buổi biểu diễn. Ảnh nhân vật cung cấp

Liền anh Ngô Sách Trung (ngoài cùng bên trái) và các thành viên Câu lạc bộ dân ca Quan họ Bắc Ninh thị trấn Nam Ban trong một buổi biểu diễn. Ảnh nhân vật cung cấp

“Thế còn Câu lạc bộ dân ca quan họ Bắc Ninh thị trấn Nam Ban ra đời như thế nào?”. Tôi buột miệng hỏi anh thì nhận được câu trả lời: “Ban đầu chúng tôi có một nhóm nhỏ từ 3-5 người đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình, TP Hồ Chí Minh... đang lập nghiệp tại Lâm Đồng về nhà tôi giao lưu, hát cho nhau nghe để vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Sau đó, với mong muốn kết nối nhiều người hơn nữa, chúng tôi đã đề xuất với UBND thị xã Nam Ban để thành Câu lạc bộ dân ca quan họ Nam Ban. Ngày 8-8-2015, Câu lạc bộ chính thức thành lập với 8 hội viên. Hiện nay sau gần 8 năm đi vào hoạt động, Câu lạc bộ đã có 25 thành viên với nhiều thành phần, tuổi tác, địa vị xã hội và đã thực hiện nhiều chương trình giao lưu, biểu diễn phục vụ nhân dân, thu những chương trình phát thanh, truyền hình”.

Từ một Câu lạc bộ mới thành lập với rất nhiều bỡ ngỡ, hiện nay các thành viên đã hát được nhiều bài hát quan họ lời cổ và những bài hát quan họ lời mới. Đặc biệt do có mối thân tình với nghệ sĩ Quý Thăng (tên thật là Nguyễn Đăng Thăng-hiện sống ở TP Hồ Chí Minh) nên Câu lạc bộ dân ca quan họ Bắc Ninh thị trấn Nam Ban đã kết nghĩa với Câu lạc bộ Quan họ Mười Nhớ và có sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau trong biểu diễn, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ. “Mặc dù khoảng cách địa lý xa xôi nhưng Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Quý Tráng (hiện sống ở Bắc Ninh, nguyên Giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh) vẫn thường xuyên vào truyền dạy cho Câu lạc bộ, có thời điểm ông vào đến cả tháng trời”, liền anh Ngô Sách Trung hồ hởi cho biết.

 Liền anh Ngô Sách Trung (ngoài cùng bên trái) và các thành viên Câu lạc bộ dân ca Quan họ Bắc Ninh thị trấn Nam Ban trong một buổi biểu diễn. Ảnh nhân vật cung cấp

Liền anh Ngô Sách Trung (ngoài cùng bên trái) và các thành viên Câu lạc bộ dân ca Quan họ Bắc Ninh thị trấn Nam Ban trong một buổi biểu diễn. Ảnh nhân vật cung cấp

Nghệ sĩ Ưu tú Quý Tráng từng xúc động cho biết: “Trên miền đất đỏ bazan, những lời ca tiếng hát mượt mà, đằm thắm của dân ca quan họ vẫn vang lên, không thể lẫn lộn, phai mờ giữa bản hùng ca của đại ngàn Tây Nguyên. Những thành viên trong Câu lạc bộ dân ca quan họ Bắc Ninh thị trấn Nam Ban hầu hết là những người kinh doanh, tiểu thương ở chợ Thăng Long và cũng đã ở tuổi “ngũ tuần” nhưng tôi cảm nhận ở họ có tình yêu lớn với dân ca quan họ. Đó là điều vô cùng đáng quý, đáng trân trọng và tự hào. Có thể nói có người dân Bắc Ninh ở đâu là có tiếng hát quan họ ở đó. Quan họ như hơi thở, như máu thịt và như cách để người dân Bắc Ninh “định vị” văn hóa tại nơi mà họ sinh sống, làm ăn vậy”.

Chia sẻ cùng tôi, liền anh Ngô Sách Trung cho biết, những thành viên luôn coi Câu lạc bộ như một “ngôi nhà” gắn kết, vượt trên quy mô của một tổ chức thông thường mà thân ái, nghĩa tình như một đại gia đình. “Chúng tôi thường xuyên giúp đỡ nhau làm ăn sinh sống, nuôi dạy con cái, thậm chí còn tham gia góp vốn “vào họ” để những ai khó khăn được lấy tiền trước. Trong nội quy hoạt động của Câu lạc bộ cũng ghi rõ: Các thành viên phải thật sự yêu thương, đùm bọc, đoàn kết. Theo tôi quan họ đẹp, quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đâu chỉ qua lời ca, tiếng hát mà còn ở lối sống nghĩa tình mà con người dành cho nhau. Chính vì phương châm đó mà mặc dù các thành viên đến từ nhiều tỉnh, thành, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau nhưng Câu lạc bộ của chúng tôi đã và đang tồn tại, phát triển lớn mạnh giữa “đất khách quê người”, ông nhấn mạnh.

 Liền anh Ngô Sách Trung (ngoài cùng bên phải) và các thành viên Câu lạc bộ dân ca Quan họ Bắc Ninh thị trấn Nam Ban trong một buổi biểu diễn. Ảnh nhân vật cung cấp

Liền anh Ngô Sách Trung (ngoài cùng bên phải) và các thành viên Câu lạc bộ dân ca Quan họ Bắc Ninh thị trấn Nam Ban trong một buổi biểu diễn. Ảnh nhân vật cung cấp

Tôi thực sự cảm động khi nghe liền anh Ngô Sách Trung chia sẻ là có những thành viên của Câu lạc bộ trước khi ngủ cũng hát, ngủ dạy cũng hát, trước khi đi làm cũng hát. Có thể nói việc hát quan họ không phải chỉ là việc “cần làm” trong buổi sinh hoạt định kỳ hằng tuần của Câu lạc bộ mà nó đã đi vào tiềm thức, vào máu của mỗi người. Quan họ mang theo biết bao tâm tình, biết bao thương nhớ của những người con Bắc Ninh xa xứ, để mỗi khi hát vang lên là nỗi nhớ miền quê bên dòng sông Cầu lại cồn cào, cuộn chảy, lại như một sức mạnh tinh thần để họ cùng nhau đoàn kết, gắn bó dựng xây cuộc sống mới.

Còn riêng với người đàn ông có nụ cười tươi tắn, hiền từ - liền anh Ngô Sách Trung - thì đã ở tuổi ngoài 60 nhưng vẫn đầy sung sức, sự say mê, nhiệt huyết với quan họ. Hiện nay, ông đang làm chủ nhiệm của 3 Câu lạc bộ quan họ đứng chân trên đất Lâm Đồng, ngoài Câu lạc bộ dân ca Quan họ Bắc Ninh thị trấn Nam Ban là Câu lạc bộ liên thế hệ Tổ dân phố chợ Thăng Long (thuộc thị trấn Nam Ban, tỉnh Lâm Đồng), Câu lạc bộ dân ca Quan họ Kinh Bắc Lâm Đồng. Làm chủ nhiệm một Câu lạc bộ đã khó huống chi đây là Câu lạc bộ cùng lúc thì khó hơn nhiều lần nhưng cứ nghe cái cách ông chia sẻ, tâm tình thì thấy việc đó chẳng có khó gì. Bởi vì ông đang đi trên con đường, đang làm công việc mà mình cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy được góp điều gì đó dù là nhỏ bé cho quê hương Bắc Ninh yêu dấu của mình.

KHÁNH LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nghe-cau-quan-ho-tren-cao-nguyen-724668