Nguồn cảm hứng sáng tạo của văn học trong bảy mươi năm
Hiện thực chiến tranh với hình tượng bộ đội đó là nguồn cảm hứng sáng tạo mới lạ, hấp dẫn của văn học 70 năm qua, đặc biệt trong 30 năm kháng chiến. Nhìn lại lịch sử mấy ngàn năm, qua bao nhiêu cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, cả văn thơ đầy hào khí thời Lý-Trần, liệu có bao nhiêu tác phẩm có hình ảnh người lính, nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng?...
QĐND - Hiện thực chiến tranh với hình tượng bộ đội đó là nguồn cảm hứng sáng tạo mới lạ, hấp dẫn của văn học 70 năm qua, đặc biệt trong 30 năm kháng chiến. Nhìn lại lịch sử mấy ngàn năm, qua bao nhiêu cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, cả văn thơ đầy hào khí thời Lý-Trần, liệu có bao nhiêu tác phẩm có hình ảnh người lính, nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng?
Nhà văn Nguyễn Công Hoan từng nhận xét: Trước kia, thời Pháp thuộc, vai trò người lính hình như không tồn tại trong xã hội Việt Nam. Đố ai tìm thấy một bài thơ, một cuốn sách, một bức tranh, một bài hát nào lấy lính khố xanh, khố đỏ làm đầu đề. Nếu như người ta có nói chuyện đến người lính thì chỉ cốt để chế nhạo hoặc oán ghét mà thôi. Vậy mà bây giờ: Dân chúng yêu người lính, dân chúng coi người lính như ruột thịt trong gia đình. Dân chúng gọi người lính là đồng chí. Người lính cũng yêu dân chúng, người lính cũng coi dân chúng như ruột thịt trong gia đình. Người lính gọi dân chúng là đồng chí.
Bước vào kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều nhà văn tiền chiến đã tham gia quân đội, hoặc đi theo các đơn vị bộ đội trong các trận chiến đấu. Nhưng từ gần gũi, đến hiểu biết, rồi viết cho đúng, cho hay về họ là một chặng đường dài. Một cây bút lão luyện trong nhiều thể loại văn xuôi là Nam Cao, trong “Nhật ký ở rừng” đã thốt lên: “Tôi biết các anh nhiều khi phải nhịn cơm, ăn cháo. Đứng dưới mưa suốt ngày, suốt đêm mà đánh giặc. Lòng các anh cũng là lòng súng thép... Các anh hãy dạy tôi biết hy sinh, biết chiến đấu, chiến đấu lặng lẽ, chiến đấu không nghĩ gì đến cái tên mình, không nghĩ gì đến cả thân mình nữa. Các anh hãy rọi vào lòng tôi ánh nắng rực rỡ trong đôi mắt và cõi lòng của các anh”. Lòng thành không thiếu, nhưng chỉ như thế là chưa đủ để có tác phẩm hay. Một hiện thực mới lạ, những con người mới lạ, luôn là thử thách quá sức với nhiều người cầm bút.
Nhưng cuộc sống và chiến đấu đã có những sự vận động tự nhiên để đáp ứng yêu cầu của nó. Và thực sự là cách mạng và kháng chiến, từ thực tiễn chiến đấu đã sản sinh ra một đội ngũ nhà văn thực sự đông đảo, nhiều người tài hoa, theo đúng tinh thần: “Lòng vui rung rung câu hát/ Của chúng ta làm/ Ca ngợi chúng ta” (Chính Hữu). Và điều đáng nói là tác động xã hội sâu rộng của các tác phẩm văn học nghệ thuật đối với cuộc kháng chiến. Những “Nhớ máu” (Trần Mai Ninh); “Đèo Cả”, “Màu tím hoa sim” (Hữu Loan); “Tây tiến” (Quang Dũng ); “Bên kia sông Đuống” (Hoàng Cầm); “Nhớ” (Hồng Nguyên); “Chiều mưa đường số 5” (Thâm Tâm); “Viếng bạn” (Hoàng Lộc); “Ngày về” (Chính Hữu)... trong thơ; những “Voi đi” (Siêu Hải); “Thư nhà” (Hồ Phương)… trong văn xuôi, là những tác phẩm thuộc về một lớp bộ đội có học thức và trực tiếp làm người lính.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước tạm thời bị chia làm hai miền. Ở miền Bắc chính là thời kỳ văn học mới được định hình, tập hợp, đào tạo và có nhiều tác phẩm thành công, xuất hiện nhiều tác giả mới. Trước hết, đây là thời kỳ hồi sinh của nhiều tác giả tiền chiến. Sau nhiều năm im lặng hoặc có viết cũng không gây được tiếng vang, những tên tuổi: Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Tô Hoài… trong văn; Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh… trong thơ, trở lại trên văn đàn như một đội ngũ chủ lực, với nhiều tác phẩm về cuộc kháng chiến chín năm, về nỗi đau chia cắt và niềm hy vọng về một cuộc sống mới đang bắt đầu.
Điều đặc biệt, là ngay từ trong kháng chiến, một lớp cán bộ, chiến sĩ từ các đơn vị chiến đấu, từ trải nghiệm chiến trường, đã tìm tới văn chương như là nơi ký thác những cảm nhận mới mẻ. Họ đã được các nhà văn lớp trước chú ý nâng đỡ, dìu dắt. Đầu năm 1957, Tạp chí Văn nghệ Quân đội công khai xuất bản. Từ đây, tờ tạp chí hằng tháng vừa là nơi tập hợp người viết vừa công bố tác phẩm mới. Ngoài đội ngũ biên tập, họ còn được thay nhau đi sáng tác, hay thuộc tổ sáng tác, để tạo điều kiện từng người có thời gian học tập văn hóa và nghiệp vụ, đi thực tế ở các địa phương, các đơn vị và viết tác phẩm. Nhờ thế mà Văn nghệ Quân đội có những tên tuổi dần trở nên quen thuộc và được bạn đọc đón nhận: Hồ Phương, Chính Hữu, Hữu Mai, Nguyễn Khải, Thanh Tịnh, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Xuân Thiều, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh,…
Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, đã có những người viết tham gia vào đạo quân đầu tiên trở lại miền Nam tham gia chiến đấu. Những năm tháng chia cắt đau thương, không thể nào quên cả miền Bắc đã đón nhận với biết bao yêu thương, hy vọng những tác phẩm từ miền Nam gửi ra: “Mồ anh hoa nở” của Thanh Hải; “Quê hương” của Giang Nam và đặc biệt là “Bài ca chim Chơ Rao” của Thu Bồn.
Giai đoạn 1965-1975, là thời kỳ có sự đồng sáng tạo của nhiều thế hệ cầm bút: Lớp nhà văn, nhà thơ tiền chiến vẫn đang hồi sung sức với nhiều tác phẩm gây được chú ý; lớp nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp; xuất hiện nhiều tác giả mới, trẻ trung và ngay từ đầu đã được chú ý vì có giọng điệu riêng. Nếu thế hệ trước, để được coi là nhà văn, cần cả một quá trình luyện bút, thì hình như vào thời kỳ chống Mỹ, có kha khá những người viết trẻ, ngay từ lần xuất hiện những tác phẩm đầu, đã được coi như một tác giả nghiêm chỉnh. Mà con số này là hàng trăm, chỉ cần nhắc lại vài cái tên: Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Anh Ngọc, Hữu Thỉnh… trong thơ; Đỗ Chu, Lê Lựu, Cao Tiến Lê, Nguyễn Thị Như Trang, Lê Minh Khuê, Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong, Dương Duy Ngữ… trong văn. Và đáng chú ý là một lớp những người lính ở các đơn vị chiến đấu, trong và ngay sau chiến tranh đã được tổ chức tạo điều kiện về các trại sáng tác, các khóa học viết văn chính quy. Sáng tác của họ chủ yếu trong hòa bình, nhưng bóng dáng chiến trận trùm lên gần như toàn bộ tác phẩm.
Người ta nói không ai đào tạo được nhà văn. Nhưng với những người đã có chút năng khiếu văn chương, thì việc có thời gian và điều kiện để nâng cao kiến thức, mở rộng tầm nhìn, học thêm kinh nghiệm thao tác nghề nghiệp của các tác giả xưa nay, quả đã giúp nhiều người tìm được lối đi riêng để thể hiện vốn sống mà mỗi người từng trải nghiệm. Có thể kể ra ở đây tên các nhà văn từng học các khóa đầu tiên sau chiến tranh ở Trường Viết văn Nguyễn Du: Bảo Ninh, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Thái Bá Lợi, Trung Trung Đỉnh, Chu Lai… và mấy chục nhà văn mặc áo lính khác.
Một nét đặc biệt là những năm đất nước bị chia cắt, đã tạo ra một nền văn học giàu tính lý tưởng, giàu tình cảm nhân hậu, nhưng cũng đẫm nước mắt và máu, kể cả xương máu của chính các nhà văn. Hàng chục nhà văn là liệt sĩ. Ba nhà văn Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong được tuyên dương là Anh hùng LLVT nhân dân. Bởi ngoài tác phẩm, các anh đã chiến đấu và hy sinh như một người lính dũng cảm.
Ngày hôm nay nhìn lại, gia tài văn học những năm cách mạng và kháng chiến, về đề tài chiến tranh và quân đội, chúng ta có thể khẳng định đó là những giá trị đặc biệt quý báu. Một thành tựu về lực lượng, về tác phẩm, về tác động xã hội của từng tác phẩm, như thế là chưa từng có trong lịch sử văn học nước nhà. Và tôi tin trong tương lai, cũng sẽ khó lặp lại bởi hình thái xã hội và hình thái chiến tranh cũng đã khác. Văn học sẽ tiếp tục phát huy sức cổ vũ lòng yêu nước trước nguy cơ thế lực bên ngoài xâm phạm chủ quyền.
Cách thiết thực nhất để nuôi dưỡng và phát huy giá trị quý báu của văn học những năm chiến tranh và cách mạng, để các tác phẩm còn tiếp tục truyền lan tình yêu Tổ quốc, ý thức phụng sự nhân dân, gìn giữ độc lập, tự do thì ngay từ bây giờ nên có ngay những việc làm thiết thực, cụ thể hơn nữa, để đền đáp xứng đáng công lao và cống hiến của những nhà văn-chiến sĩ.