NHHT Thanh Hóa: Cộng hưởng sức mạnh cho QTDND thành viên

Tính đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn của 67 QTDND trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng, đạt 5.509 tỷ đồng, tăng 291 tỷ đồng so với đầu năm (tăng tương đương 5,28%)...

Bây giờ Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Ngọc Sơn đã chủ động được vốn cho vay thành viên, nhưng nhắc đến Ngân hàng Hợp tác (NHHT) Chi nhánh Thanh Hóa, Giám đốc Lê Thị Thu Hà luôn dành một tình cảm thân tình sâu đậm bởi nơi đó đã gắn bó mật thiết với sự “sinh tồn” của quỹ những năm “dầu sôi, lửa bỏng” và đến hiện nay, vẫn là điểm tựa cho quỹ nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí hỗ trợ thành viên.

Giám đốc Trịnh Huy Thành khảo nghiệm mô hình cho vay của QTDND Quảng Trạch

Giám đốc Trịnh Huy Thành khảo nghiệm mô hình cho vay của QTDND Quảng Trạch

Điểm tựa vững chãi

Thành lập năm 1995 và đã từng là một quỹ có quy mô khá tốt tại thời điểm đó, song đến những năm 2001 - 2002, hoạt động của QTDND Ngọc Sơn xuống dốc khi chính quyền địa phương không ủng hộ, tin đồn thất thiệt làm thành viên hoang mang không gửi tiền vào, dư nợ tụt giảm chỉ còn 1,5 tỷ đồng. QTDND Ngọc Sơn lâm vào tình cảnh khó khăn tưởng như không thể gắng gượng.

“Ngày đó, Giám đốc NHNN chi nhánh Thanh Hóa Nguyễn Văn Ngát đã trực tiếp về nắm bắt tình hình của quỹ. Xét thấy quỹ hoạt động khó khăn không phải do năng lực nội tại mà chủ yếu do tin đồn thất thiệt bên ngoài nên NHNN đã tạo điều kiện cho quỹ có thể chấn chỉnh và ổn định hoạt động”, Giám đốc QTDND Ngọc Sơn Lê Thị Thu Hà kể lại. Bên cạnh việc kêu gọi chính quyền địa phương ủng hộ cho mô hình và sự phát triển của quỹ, NHNN cũng đồng ý cho quỹ mở rộng thêm địa bàn hỗ trợ thành viên tại 3 xã là Đồng Sơn, Lam Sơn, Hà Lan.

Khó khăn lớn nhất là việc đảm bảo nguồn vốn để cho vay thành viên trong bối cảnh niềm tin gần như phải xây lại từ đầu, kể cả ở Ngọc Trạo nơi quỹ hoạt động từ ngày đầu thành lập. Chính vì vậy, sự hỗ trợ của NHHT chi nhánh Thanh Hóa ngày ấy trở thành chỗ dựa vững chắc cho quỹ để bước từng bước vững chắc sau này. Điều này đã giúp QTDND mở rộng hỗ trợ thành viên trên toàn thị xã Bỉm Sơn giai đoạn từ 2007 đến 2010. “Kể cả hiện nay, dù đã chủ động được nguồn vốn, song vào những lúc mùa vụ thiếu vốn, quỹ có thể ngay lập tức đến NHHT vay vốn điều hòa về hỗ trợ thành viên”, bà Hà cho biết.

“Là ngân hàng của hệ thống QTDND, NHHT không chỉ đợi các QTDND đến mới xem xét nhu cầu để đáp ứng, mà hơn thế cần phải sát sao cùng các quỹ trao đổi thường xuyên, xuống tận nơi, nắm bắt tình hình cùng thanh tra NHNN để hiểu được đặc thù từng quỹ. Từ đó có thể đưa ra được những tư vấn và hỗ trợ hợp lý linh hoạt”, Giám đốc NHHT Chi nhánh Thanh Hóa Trịnh Huy Thành cho biết.

Ví dụ như một QTDND ở Hậu Lộc đã xảy ra rủi ro thanh khoản khi mất đoàn kết nội bộ năm 2018, chi nhánh đã kịp thời cùng NHNN và UBND xã tuyên truyền vận động để người dân hiểu bản chất câu chuyện. Cùng với đó, NHHT cũng kịp thời cho vay 5 tỷ đồng hỗ trợ thanh khoản, đến nay QTDND đã hồi phục, hoạt động hiệu quả, còn gửi hơn 20 tỷ đồng tại NHHT.

Hay như một QTDND ở huyện Hoằng Hóa hồi đầu tháng 4/2019 cũng lâm vào cảnh khó khăn khi bị tung tin sắp phá sản khiến thành viên thi nhau đến rút tiền, lên đến hơn 10 tỷ đồng chỉ trong mấy ngày tháng 4/2019. Nhưng ngay sau đó, với sự vào cuộc kịp thời và hiệu quả của các bên, tình hình đã nhanh chóng được dàn xếp và hiện quỹ này đang hoạt động hiệu quả.

Sự hỗ trợ của NHHT chi nhánh Thanh Hóa đã trở thành điểm tựa vững chắc cho các QTDND trên địa bàn

Sự hỗ trợ của NHHT chi nhánh Thanh Hóa đã trở thành điểm tựa vững chắc cho các QTDND trên địa bàn

Gia tăng năng lực và thương hiệu

Tính đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn của 67 QTDND trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng, đạt 5.509 tỷ đồng, tăng 291 tỷ đồng so với đầu năm (tăng tương đương 5,28%). Nguồn vốn bình quân 82,22 tỷ đồng/quỹ. Hiện nay, chỉ có 29/67 quỹ đang có quan hệ vay vốn tại chi nhánh, và ngay cả các QTDND đang vay vẫn có tiền gửi tại NHHT với tổng tiền gửi NHHT là 950 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nguồn vốn các QTDND ngày càng dư dả, NHHT luôn áp dụng mức lãi suất huy động cao hơn các loại tiền gửi khác tại mọi thời điểm và cao hơn mức tiền gửi của dân cư mà chi nhánh áp dụng cho tất cả các điểm giao dịch; đồng thời tư vấn cho quỹ về mức tồn quỹ để đỡ lãng phí, khuyến khích các quỹ dư thừa nguồn vốn gửi tại NHHT để điều hòa cho những quỹ có nhu cầu sử dụng vốn lớn cũng như hỗ trợ các quỹ mức tối đa nhất đảm bảo lợi nhuận khi gửi điều hòa.

Ở chiều ngược lại, Chi nhánh NHHT Thanh Hóa luôn ưu tiên nguồn vốn để thực hiện công tác điều hòa nguồn vốn đối với các QTDND trên địa bàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu về nguồn vốn tại mọi thời điểm để các quỹ cho vay mở rộng tín dụng. Đặc biệt đối với các QTDND gặp khó khăn trong thanh khoản, khách hàng rút tiền gửi nhiều, có dấu hiệu khó khăn NHHT chi nhánh Thanh Hóa đã cho vay hỗ trợ chi trả kịp thời; chủ động xin ý kiến chỉ đạo của NHHT Việt Nam, tranh thủ ý kiến của NHNN và có những biện pháp giúp các QTDND vượt qua khó khăn.

Tính đến 30/6/2019, doanh số cho vay tại NHHT đối với các QDND đạt 193,3 tỷ đồng. Hiện nay có 29/67 quỹ đang có quan hệ vay vốn tại chi nhánh. Nguồn vốn vay của các QTDND là 106,2 tỷ đồng, trong đó vay NHHT là 105,75 tỷ đồng và vay quỹ đảm bảo an toàn hệ thống 450 triệu đồng. Hiện, mức lãi suất cho vay chi nhánh đang áp dụng cho các quỹ mức lãi suất phù hợp nhất để hỗ trợ các quỹ trong việc sử dụng nguồn có lợi nhuận tối đa và linh hoạt.

Thông qua công tác kiểm tra sử dụng vốn vay đối với các QTDND, NHHT cũng đã giúp cho các quỹ tín dụng khắc phục và chỉnh sửa các tồn tại, sai sót kịp thời nâng cao chất lượng hoạt động.

Không chỉ là bà đỡ an toàn cho hoạt động của hệ thống QTDND, các sản phẩm của NHHT mà Chi nhánh Thanh Hóa đang triển khai cũng góp phần gia tăng năng lực hoạt động cho quỹ, hỗ trợ thành viên và nâng cao giá trị thương hiệu. Bên cạnh việc hỗ trợ QTDND phát triển các sản phẩm dịch vụ truyền thống là huy động vốn và cho vay, Chi nhánh NHHT Thanh Hóa đã thẩm định và trình Tổng giám đốc cấp hạn mức thấu chi tài khoản thanh toán cho 8 QTDND.

Mặt khác, thường xuyên tiếp xúc và tư vấn QTDND hợp vốn với NHHT cho vay các thành viên có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh quy mô lớn. Năm 2019, 8 quỹ được cấp hạn mức thấu chi với tổng hạn mức được cấp là 13,5 tỷ, cao nhất là QTDND Long Vân và Ngư Lộc với hạn mức thấu chi cấp là 3 tỷ đồng/1 đơn vị. 6 tháng đầu năm 2019 cũng đã ghi nhận doanh số thấu chi sử dụng là: 82,2 tỷ đồng. Dịch vụ chuyển tiền đã được 20/67 quỹ tham gia với doanh số chuyển tiền đi 6 tháng đầu năm 2019 là số tiền 340,5 tỷ đồng với 12.030 lệnh. Quỹ cũng đã hướng dẫn sử dụng và lắp đặt máy Pos cho 4 QTDND: Ngư Lộc, Hải Bình, Quảng Ngọc, Thọ Hải…

Không chỉ hỗ trợ QTDND về nguồn vốn, việc sử dụng các sản phẩm của NHHT cũng là cơ hội để các thành viên quỹ học hỏi nghiệp vụ và kinh nghiệm từ NHHT từ những lý thuyết nền tảng cơ bản cho đến việc hỗ trợ chuyên môn “cầm tay chỉ việc. Cùng với việc phối hợp mở các lớp đào tạo cùng NHNN, hàng năm, NHHT xin liên minh hỗ trợ chi phí đào tạo để mở ít nhất một lớp nghiệp vụ cho QTDND theo các chuyên đề sát sườn với hoạt động của họ như kỹ năng lãnh đạo, rủi ro đạo đức, tín dụng, kế toán. Đồng thời mời thêm thanh tra NHNN để chia sẻ trực tiếp cho các quỹ các thông tin mang tính cảnh báo giúp các quỹ chấn chỉnh và hoàn thiện hoạt động của mình thành viên.

Tiếp tục khẳng định vai trò là ngân hàng của hệ thống QTDND, Giám đốc NHHT Chi nhánh Thanh Hóa, Trịnh Huy Thành cho biết thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động chuyên môn hỗ trợ thành viên, chi nhánh sẽ đẩy mạnh các hoạt động tăng cường tính liên kết giữa NHHT với các QTDND và giữa các QTDND với nhau bằng việc đưa dự báo sớm các rủi ro để QTDND khắc phục, mở rộng các hoạt động giao lưu trong hệ thống quỹ, để vừa gắn kết, vừa quảng bá xây dựng hình ảnh và gia tăng giá trị thương hiệu của hệ thống trong cộng đồng và thành viên.

Hoa Hạ

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nhht-thanh-hoa-cong-huong-suc-manh-cho-qtdnd-thanh-vien-91373.html