Nhiều doanh nghiệp lãi khủng?

Trải qua một năm thăng trầm vì đại dịch COVID - 19, nhưng cuối cùng, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường vốn vẫn có một cái kết rực rỡ khi có tới 84% công ty đại chúng quy mô lớn trên thị trường chứng khoán (TTCK) làm ăn có lãi trong năm 2020.

Top 10 doanh nghiệp niêm yết (không kể ngân hàng và các công ty chứng khoán) mang về hơn 60.620 tỷ đồng lãi ròng

Top 10 doanh nghiệp niêm yết (không kể ngân hàng và các công ty chứng khoán) mang về hơn 60.620 tỷ đồng lãi ròng

10 doanh nghiệp lớn lãi hơn 60 ngàn tỷ

Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp chưa công bố kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính (BCTC) quý IV và toàn năm 2020. Tuy nhiên, bức tranh chung TTCK và số liệu từ 9 tháng đầu năm đã phác họa lên bảng xếp hạng toàn cảnh.

Quý III/2020, theo thống kê của FiinPro, tổng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của các doanh nghiệp trong nhóm VN30 đạt 43.416 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, lãi đạt 118.146 tỷ đồng, còn giảm 2,6% do nửa đầu năm chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19.

9 tháng đầu năm 2020, top 10 doanh nghiệp niêm yết (không kể ngân hàng và các công ty chứng khoán) mang về hơn 60.620 tỷ đồng lãi ròng, trong đó có đến 2 trong 3 doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng góp mặt.

Đứng đầu là Vinhomes (VHM) với mức lãi khủng 16.337 tỷ đồng, vượt mốc trên 10.000 tỷ đồng và báo lãi gấp đôi so với doanh nghiệp lãi lớn ở vị trí thứ 2. Theo sau là Vinamilk (VNM), Hòa Phát (HPG). Những vị trí còn lại lần lượt là PV Gas (GAS), Vingroup (VIC), VEAM (VEA), Novaland (NVL), Sabeco (SAB), Masan Consumer (MCH) và Thế giới Di động (MWG).

Ngân hàng, CTCK lãi “khủng”

Chưa công bố BCTC năm 2020, nhưng hầu hết ngân hàng lớn đều đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ. Cùng với sự bứt phá của nhóm cổ phiếu ngân hàng (NH), lợi nhuận các NH tăng trưởng mạnh so với năm liền trước hoặc vượt kế hoạch đề ra cho cả năm.

Với nhóm Big4 (4 NH quốc doanh), kết quả lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt trên 23.068 tỷ đồng, tương đương năm 2019. VietinBank cán mốc 16,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2020. Agribank và BIDV lợi nhuận không tăng trưởng so với năm trước nhưng số thu thực tế năm 2020 cũng vượt kế hoạch NH đề ra cho cả năm. Trong đó, Agribank lãi 12.869 tỷ còn BIDV lãi 9.017 tỷ đồng trước thuế.

Thị trường thăng hoa, đóng cửa phiên cuối cùng của năm 2020, VN-Index tăng lên 1.103,87 điểm, so với đáy hồi tháng 3, VN-Index tăng khoảng 70%. Các công ty chứng khoán đua nhau báo lãi kỷ lục trong 1 năm TTCK bùng nổ mạnh mẽ, vượt kế hoạch đề ra thậm chí xác lập kỷ lục mới. Thống kê trên 15 công ty chứng khoán đã hoàn tất công bố BCTC quý IV, tổng lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 2.966 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ.

Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI công bố, doanh thu quý 4 đạt 1.207,6 tỷ đồng, tăng 39,4% và lợi nhuận trước thuế đạt 489,3 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019... Công ty ước lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2020 đạt 1.545 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với mức thực tế 2019, vượt 178% kế hoạch kinh doanh 2020 về lợi nhuận. Kết thúc năm 2020, SSI có tổng tài sản là 35.429 tỷ đồng - tăng 33% so với đầu kỳ, trong đó mức vốn chủ sở hữu là 9.591 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng nhờ tăng nguồn vốn vay ngân hàng bổ sung cho hoạt động kinh doanh cho vay ký quỹ, kinh doanh trái phiếu và các hoạt động kinh doanh nguồn vốn.

Dù chưa chính thức chốt sổ kinh doanh năm 2020, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết năm 2020 ước Công ty về đích với lợi nhuận trước thuế 950 tỷ đồng, vượt 73% so với kế hoạch đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông.

Chứng khoán Agribank (Agriseco, AGR) cũng kết thúc năm 2020 với 121 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 96,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch lãi trước thuế 88 tỷ đồng được Đại hội cổ đông thông qua, Agriseco đã hoàn thành vượt gần 38% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra.

Hay Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng vừa công bố lợi nhuận trước thuế quý 4/2020 đạt 130 tỷ đồng; cả năm 2020 đạt 193 tỷ đồng, vượt 328% kế hoạch đề ra.

TTCK Việt Nam khép lại năm 2020 thành công ngoài mong đợi. Hai chỉ số chính là VN-Index và VN30 đã phục hồi ngoạn mục 67,5% và 75,3% từ mức đáy và lấy lại được tăng trưởng dương 14,9% và 21,8% cho cả năm 2020. Thị trường chứng khoán thời gian qua tăng nóng hay không? Cơ quan quản lý nghĩ sao và có giải pháp gì? Theo chủ tịch UBCK Nhà nước, ưu tiên cao nhất của cơ quan quản lý là giữ cho được tính minh bạch của thị trường. “Chúng tôi luôn cải thiện pháp lý để điều hành thị trường chủ động, minh bạch, nghiêm minh trong thanh tra xử phạt. Riêng trong năm 2020, mặc dù chủ trương hạn chế thanh tra tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhưng trong năm có 25 cuộc thanh tra, 388 quyết định xử phạt”, ông Dũng lưu ý nhưng cũng thừa nhận.

“Một số chuyên gia có cảnh báo thị trường nóng, chúng tôi không bình luận về nóng như thế nào. Nhưng rõ ràng kỳ vọng của nhà đầu tư là có cơ sở. Kinh tế phục hồi. Không phải chỉ riêng TTCK Việt Nam mà là xu hướng chung của thế giới, khi mặt bằng lãi suất tín dụng giảm sâu. Một số nước trong khu vực, P/E của họ cao hơn Việt Nam. Nhiều cổ phiếu đã tăng giá mạnh, do đó, nhà đầu tư cần xem xét 1 cách cẩn trọng về vĩ mô, cũng như thực tế doanh nghiệp trước khi quyết định”, ông Dũng nói.KH

Việt Linh - Ngọc Mai

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/nhieu-doanh-nghiep-lai-khung-1784428.tpo