Nhiều khó khăn trong khắc phục thiệt hại hạ tầng giao thông sau mưa lũ
Đợt mưa lũ cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa qua đã gây ảnh hưởng nặng nề cho các công trình hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ đều bị sạt lở, hỏng lớn gây ách tắc giao thông. Mặc dù việc khắc phục bước 1 đã được thực hiện để đảm bảo giao thông nhưng việc tổ chức sửa chữa lớn vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng cho biết: Quốc lộ 70 qua địa bàn xã sạt lở rất nhiều, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm giải phóng khối lượng đất đá để đảm bảo an toàn giao thông.
Ông Đoàn Văn Ước, xã Bản Cầm cho biết: Mưa gây sạt lở nhiều nhưng đến thời điểm này không thấy cơ quan chức năng triển khai dọn đất đá. Hơn nữa, tuyến đường có nhiều xe ô tô to tham gia lưu thông nên rất nguy hiểm, đặc biệt là thời điểm nhá nhem tối.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, Quốc lộ 70 đang có gần 10 điểm sạt lở lớn nhưng mới được san gạt tạm để đảm bảo giao thông bước 1. Tại các điểm sạt lở, đất đá từ taluy dương sạt xuống vẫn để nguyên trên lòng đường và hành lang, các điểm sạt lở taluy âm gây sụt nền đường vẫn chưa được xử lý gây nguy hiểm cho các phương tiện khi đi qua đây. Tuy nhiên, đơn vị quản lý bảo trì là Khu quản lý đường bộ I (Cục Đường bộ, Bộ GTVT) chưa thể tổ chức hót dọn, sửa chữa lớn.
Ông Lùng Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng, cho biết: Hiện tuyến Quốc lộ 70, đoạn qua địa bàn xã có chiều dài hơn 10 km nhưng đang có 5 điểm sạt lở ta luy dương và 2 điểm sụt nền đường lớn. Đặc biệt, tại các điểm sạt lở ở Km13 (thôn Nậm Choỏng) và Km15, thôn Na Lăng có khối lượng đất đá tràn xuống nền đường chưa được hót dọn, xử lý gây mất an toàn giao thông.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến công tác khắc phục các điểm sạt lở Quốc lộ 70 chậm trễ, ông Trần Thanh Tùng, đại diện Văn phòng Quản lý đường bộ I.3 (Khu quản lý đường bộ I) cho biết: Do hiện nay có nhiều thủ tục cần phải thực hiện theo Thông tư số 43/2021/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ. Cụ thể, để có cơ sở cho đơn vị triển khai khắc phục, bảo đảm giao thông an toàn, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên Quốc lộ 70 thì Bộ GTVT phải có Quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, sau đó tổ chức đánh giá, lập hồ sơ dự án để tổ chức đấu thầu công khai. Các bước này phải mất thời gian khá dài. Vừa qua, huyện Bảo Thắng và Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) cũng có ý kiến yêu cầu đơn vị khẩn trương tổ chức khắc phục triệt để các điểm sạt lở trên Quốc lộ 70 và Quốc lộ 4E nhưng hiện chúng tôi chưa thể triển khai.
Tương tự, tại các tuyến quốc lộ QL4, 4D, 279 và các tuyến tỉnh lộ 152, 160, 151, 162, 158, 153… do Sở Giao thông vận tải - Xây dựng được giao quản lý, bảo trì hiện cũng đang gặp tình cảnh tương tự.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải - Xây dựng từ đầu mùa mưa lũ 2023 đến nay, trên các tuyến quốc lộ QL4, 4D, 279 đã có 7 điểm điểm sạt lở lớn và các tuyến tỉnh lộ 152, 160, 151, 162, 158 và 153… có 13 điểm sạt lở lớn gây ách tắc và mất an toàn giao thông (tổng kinh phí khắc phục thiệt hại ước tính trên 20 tỷ đồng).
Tuy nhiên, đến thời điểm này, các đơn vị ban bảo trì đường bộ cũng chỉ xử lý bước 1 để thông tuyến, còn việc xử lý triệt để nhằm đảm bảo ATGT vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc do phải thực hiện lập dự án, soát xét, thẩm định, phê duyệt hồ sơ hoàn thành khắc phục hậu quả thiên tai… theo quy định tại Thông tư số 43/2021/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay trên Quốc lộ 4 (Tả Gia Khâu – Lùng Vai, Mường Khương) có 2 điểm sạt lở lớn tại Km185 (hơn 10.000 m3), đoạn qua xã Thanh Bình và Km 227+300, đoạn qua xã Tả Gia Khâu (hơn 6.000 m3), mặc dù đơn vị bảo trì đường bộ của Sở Giao thông vận tải - Xây dựng đã triển khai khắc phục giao thông bước 1, tuy nhiên, lượng đất đá sạt lở xuống đường vẫn chưa được khắc phục triệt để, gây cản trở và mất an toàn giao thông.
Đối với tuyến Tỉnh lộ 162 (Tằng Loỏng – Văn Bàn) và Tỉnh lộ 152 (Sa Pa – Bảo Thắng đang có 5 điểm sạt lở lớn gây mất an toàn giao thông cần được khẩn trương khắc phục nhưng đến nay vẫn đang chờ lập hồ sơ dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ trên địa bàn tỉnh Lào Cai mới triển khai thực hiện.
Theo ông Đoàn Văn Huỳnh, Giám đốc Ban Quản lý bảo trì đường bộ tỉnh Lào Cai: Công tác khắc phục sạt lở ở các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh đặt ra hết sức cấp bách, mặc dù ngay sau mỗi đợt mưa lũ, các đơn vị bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh đều khẩn trương bố trí nhân lực,máy móc để đảm bảo giao thông bước 1. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường bị nứt, lún, sạt lở; nhiều cầu cống bị gãy sập, bị nước lũ cuốn trôi… cần được khẩn trương khắc phục, nếu không sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hạ tầng giao thông và an toàn giao thông. Hiện nay, công tác khắc phục các điểm sạt lở, hỏng hạ tầng giao thông có mức thiệt hại lớn thì vẫn phải chờ Bộ Giao thông vận tải công bố quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, điều này dẫn đến tình trạng chậm trễ.
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 tuyến quốc lộ, cao tốc chạy qua, đó là cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 70, Quốc lộ 4E, Quốc lộ 4D, Quốc lộ 279, Quốc lộ 4 với tổng chiều dài 527 km. Bên cạnh các tuyến quốc lộ, Lào Cai có 16 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 957 km và hơn 7.000 km đường huyện, đường xã, đường nông thôn. Hầu hết các tuyến đường đều đi qua vùng có địa hình đồi núi đèo dốc quanh co, dốc dọc lớn, một bên là taluy dương cao, một bên là vực sâu, vào mùa mưa lũ có thể xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào với mật độ và khối lượng lớn.