Những cách dạy học sáng tạo mùa dịch

Nhằm giúp học sinh sử dụng quỹ thời gian tự học ở nhà hợp lý nhưng vẫn không quên kiến thức, Tổ Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) đã tổ chức hoạt động dạy học sáng tạo thông qua việc cho học sinh thiết kế mạng xã hội (như Facebook, Instagram…), tạo hashtag - từ khóa cho các nhân vật lịch sử.

Hai em Nguyễn Huỳnh Bách (lớp 7 Trường THCS Đinh Thiện Lý) và Nguyễn Huỳnh Thông (lớp 3 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu) học trực tuyến tại nhà. Ảnh: THANH TÙNG

Hai em Nguyễn Huỳnh Bách (lớp 7 Trường THCS Đinh Thiện Lý) và Nguyễn Huỳnh Thông (lớp 3 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu) học trực tuyến tại nhà. Ảnh: THANH TÙNG

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết, học sinh có thể lựa chọn bất kỳ một nhân vật lịch sử Việt Nam mà các em yêu thích, sau đó tập hợp tư liệu về hình ảnh, tiểu sử, công trạng của nhân vật để thiết kế thành một video clip dài không quá 3 phút giới thiệu hiểu biết của mình về nhân vật lịch sử đó.

Ngoài ra, học sinh có thể thiết kế các trang mạng xã hội, tạo từ khóa với nội dung giới thiệu về cuộc đời và tiểu sử nhân vật. Được biết, cách dạy học mới lạ này đã thu hút khá đông học sinh toàn trường tham gia. Nhân vật lịch sử được các em lựa chọn trải dài từ thời kỳ lịch sử trung đại đến hiện đại, thể hiện được quan điểm, góc nhìn của học sinh về các giai đoạn lịch sử. Một giáo viên Tổ Lịch sử cho biết, thời gian nghỉ học của học sinh kéo dài nên dạy học theo kiểu truyền thống, trong đó giáo viên truyền thụ kiến thức một chiều phải thay đổi. Thay vào đó, các thầy, cô giáo chú ý nhiều hơn đến việc tổ chức các hoạt động tương tác, giao nhiệm vụ nhằm thu hút học sinh tham gia. Đặc biệt, việc kết hợp học tập với thói quen sử dụng mạng xã hội của học sinh, qua đó phát huy các tính năng nổi bật của công cụ học tập trực tuyến là một trong những phương pháp dạy học thông minh, đáp ứng nhu cầu dạy học trong tình hình dịch bệnh.

Một cách làm khác, Trường THCS Lạc Hồng (quận 10) vận động giáo viên thực hiện trở lại mô hình “vãn gia” - giáo viên chủ nhiệm đến nhà thăm hỏi tình hình học tập của học sinh, một trong những hình thức tổ chức học tập và quản lý học sinh khá phổ biến vào những năm 80 của thế kỷ trước. Thầy Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, với sĩ số học sinh/lớp khá đông hiện nay, giáo viên có thể chia nhỏ học sinh theo từng nhóm có trình độ học tập hoặc địa bàn cư trú gần nhau để có kế hoạch ghé thăm hiệu quả.

Với học sinh tiểu học, cô Nguyễn Thị Nguyệt Thu, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), đã gửi gắm những lời nhắn nhủ đến học sinh thông qua bài thơ “Lời cô giáo dạy”. Những câu thơ nhẹ nhàng, tình cảm chính là tấm lòng của người cô, người mẹ dành cho những học sinh thân yêu của mình: “Con hãy yêu những người áo trắng/Trách nhiệm nặng nề oằn lên cả đôi vai/Họ đã quên đêm đến thật dài/Quên cả giấc ngủ để thức vì đất nước…”.

Trường học tạm đóng cửa nhưng các hoạt động chăm lo cho học sinh vẫn được các trường thực hiện bằng nhiều hình thức. Với tình hình diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, mối quan tâm của các thầy, cô giáo hiện nay không chỉ là truyền thụ kiến thức mà còn là kỹ năng sống, thái độ bình tĩnh và có những hành xử phù hợp với dịch bệnh.

MINH QUÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhung-cach-day-hoc-sang-tao-mua-dich-654147.html