Những đặc sản dân dã 'gọi' đông về

Cứ vào độ cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch hàng năm, khi những cơn gió lạnh tràn về cũng là lúc vào vụ thu hoạch rộ những loại đặc sản dân dã mỗi năm chỉ có một lần: củ ấu, củ niễng… Đây cũng là dịp để nhiều người tìm mua những loại củ này về chế biến thành những món ăn giản dị, đậm đà hương vị, bổ dưỡng cho sức khỏe.

Giòn, ngọt củ niễng

Cuối thu, khi hoa sữa bung tỏa hương thơm khắp không gian cũng là lúc niễng chín. Người nông dân hối hả ra đồng thu hái những củ niễng to, mẩy rồi đóng vào từng bao chở về nhà phân loại. Ở các gian hàng rau xanh trong chợ hay trên những gánh hàng rong, những bó niễng được xếp khéo léo lộ ra những phần thịt trắng nõn… Những người nội trợ tranh thủ ít ngày chính vụ, củ niễng còn non mua về chế biến món ăn cho gia đình. Giữa tiết trời se se lạnh, cả gia đình quây quần bên mâm cơm, có món niễng xào mang hương vị đặc biệt của đồng quê thì nghĩ đến thôi cũng thấy… no bụng.

Củ niễng – đặc sản dân dã mỗi năm chỉ có một lần

Củ niễng – đặc sản dân dã mỗi năm chỉ có một lần

Niễng là loại cây thân cao 1-2m, phần dưới gốc to xốp. Thân cây thường bị một giống nấm ký sinh, làm phần thân đó phồng lên. Mầm niễng được người nông dân trồng từ mùa xuân, đến đầu đông cây mới cho thu hoạch. Củ niễng có vỏ màu nâu sậm phía gần gốc và màu xanh phía trên ngọn, phần thân phình to. Khi bóc lớp vỏ bên ngoài, bên trong là phần ruột màu trắng, mũm mĩm.

Củ niễng thường được thái lát mỏng, rồi xào cùng trứng, thịt hoặc đơn giản là xào chay cùng với các loại rau gia vị như rau mùi, hành lá để tăng thêm hương vị cho món ăn. Ngoài món xào, nhiều người thích thưởng thức hương vị nguyên bản giòn và ngọt của loại củ này bằng cách trộn gỏi hoặc luộc chín rồi chấm cùng muối gia vị. Theo Đông y, củ niễng chứa nhiều vi chất dinh dưỡng như: Kẽm, vitamin A, B1, B2,... có tác dụng phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, thanh nhiệt, giải độc, tốt cho tim mạch… Vì thế mỗi khi vào mùa, củ niễng được nhiều người “sành ăn” tìm mua.

Thời vụ thu hoạch niễng chỉ diễn ra gần 1 tháng. Tranh thủ chính vụ, người nội trợ mua về chế biến món ăn ngon, nhiều người mua làm quà biếu, tặng người thân, bạn bè ở xa có dịp về Hưng Yên. Tại các chợ dân sinh trong tỉnh mùa này dễ dàng bắt gặp những sạp hàng rau củ, những gánh hàng rong bày bán niễng thành từng bó 10 củ, bán với giá từ 22.000 – 25.000 đồng/bó.

Trước kia, cây niễng thường mọc hoang ở nơi có nhiều bùn như ao, hồ, đầm lầy hoặc những bãi bồi ven sông. Ngày nay, củ niễng trở thành loại đặc sản có thị trường tiêu thụ thuận lợi và mang lại hiệu quả kinh tế khá, vì vậy, nhiều hộ nông dân ở thành phố Hưng Yên đã dành riêng những khu ruộng trồng niễng. Đồng chí Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hồng Châu (thành phố Hưng Yên) cho biết: Niễng là cây trồng truyền thống của người dân khu phố Phương Độ, với diện tích trên 8 héc-ta. Do phù hợp với thổ nhưỡng nên cây niễng sinh trưởng và phát triển tốt, cho chất lượng củ thơm ngon. Năm nay, niễng được giá, được thương lái thu mua từ 2.000 đến 2.500 đồng/củ. Sản phẩm thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua đến đó. Trung bình, mỗi sào trồng niễng có thể mang lại thu nhập 6 - 7 triệu đồng/năm, cao gấp 3 - 5 lần so với cấy lúa.

Thơm, bùi củ ấu

Ấu là loài cây thủy sinh, cùng họ với cây sen, cây súng. Quả ấu thường gọi là “củ” vì nó phát triển dưới nước đến khi già thì rụng và vùi xuống bùn. Quả có màu đen, 2 sừng nhọn. Trong quả chứa một hạt, trong hạt có nhiều bột trắng ăn rất bở.

Hiện nay, tại một số địa phương trong các huyện: Phù Cừ, Tiên Lữ, người dân tận dụng diện tích mặt nước tại các ruộng, đầm trũng trồng ấu để có thêm thu nhập. Đồng chí Vũ Thanh Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Cương Chính (Tiên Lữ) cho biết: Toàn xã hiện có hơn 10 mẫu trồng ấu. Củ ấu tươi được bán với giá từ 12.000 đến 15.000 đồng/kg, mang lại cho người trồng thu nhập khoảng 6 triệu đồng/năm.

Nông dân xã Cương Chính (Tiên Lữ) thu hoạch củ ấu

Nông dân xã Cương Chính (Tiên Lữ) thu hoạch củ ấu

Cây ấu có thời gian sinh trưởng từ 8 – 9 tháng. Đầu năm, người dân cấy ấu giống xuống bùn. Sau khoảng 2 tháng ngâm mình trong bùn đen, ấu giống bén rễ và mọc thành cây nổi bồng bềnh trên mặt nước. Khi trưởng thành, trên từng chùm lá xuất hiện những bông hoa trắng, nhỏ li ti. Vào cuối thu, khi củ ấu đã già, người nông dân bắt đầu thu hoạch. Trồng ấu không khó, song việc thu hoạch lại rất vất vả khi phải ngâm mình cả ngày dưới ruộng hoặc sử dụng thuyền di chuyển ở những vùng nước sâu hơn để nhặt từng củ dính trên thân cây. Nếu thu hoạch chậm, củ già sẽ rụng và chìm xuống bùn, lúc đó thu hoạch sẽ khó khăn hơn. Sau khi đưa lên bờ, củ được rửa sạch và phân loại rồi đem bán. Cây ấu sẽ ít củ dần và tàn lụi sau 6 - 7 đợt thu hoạch…

Những ngày này, ở các khu chợ quê hay trên những triền đê xuất hiện những mẹt hàng bày bán thức quà dân dã mỗi năm chỉ có một mùa này. Những củ ấu có vẻ ngoài xấu xí, ẩn trong lớp vỏ đen đúa là lớp thịt trắng nõn, khi nấu chín có vị bùi, ngọt, mang nhiều công dụng đối với sức khỏe như: bồi bổ cơ thể, thanh nhiệt, trừ rôm sảy…

“Thân em như củ ấu gai/Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen/Ai ơi, nếm thử mà xem!/Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi!”… Thật vậy, sản vật của quê hương luôn ngon ngọt, đậm đà. Dẫu có bao nhiêu của ngon vật lạ, nhưng nhiều người vẫn tìm về những món quà quê dân dã chỉ xuất hiện vào một mùa ngắn ngủi để cảm nhận lại hương vị của tuổi thơ!

Dương Miền

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/nhung-dac-san-dan-da-goi-dong-ve-3176631.html