Những động thái của Trung Quốc sau khi China Evergrande vỡ nợ
China Evergrande chưa lên tiếng về việc vỡ nợ. Nhưng giới chức Bắc Kinh tìm cách gửi đi thông điệp rằng rủi ro từ cuộc khủng hoảng của tập đoàn này đã được kiểm soát.
Theo Bloomberg, Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm của Trung Quốc vừa đưa ra một tuyên bố bằng tiếng Anh. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Yi Gang cũng mới khẳng định rằng "quyền và lợi ích của các trái chủ và cổ đông sẽ được tôn trọng đầy đủ".
Họ muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng. Đó là chính quyền Bắc Kinh sẽ không cứu trợ China Evergrande, nhưng rủi ro đã được kiểm soát.
Bắc Kinh can thiệp
Hôm 9/12, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng của China Evergrande xuống "vỡ nợ giới hạn" sau khi tập đoàn không thể trả hai khoản lãi trái phiếu coupon trong khoảng thời gian ân hạn.
Đây là lần đầu tiên China Evergrande vỡ nợ trái phiếu bằng đồng USD. Bloomberg nhận định diễn biến này có thể đặt dấu chấm hết cho gã khổng lồ bất động sản được tỷ phú Hứa Gia Ấn thành lập cách đây 25 năm.
Tính đến tháng 6, China Evergrande đối mặt với khoản nợ phải trả lên đến 300 tỷ USD. Theo dữ liệu của Bloomberg, tập đoàn có khoảng 19,2 tỷ USD trái phiếu nước ngoài phát hành đại chúng và 8,4 tỷ USD trái phiếu địa phương.
Trước đó, ngay vào thời điểm China Evergrande thông báo về kế hoạch tái cấu trúc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng gửi đi tín hiệu về các chính sách nới lỏng, bao gồm giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng. Điều này đã đẩy giá cổ phiếu của China Evergrande và một số cổ phiếu rủi ro cao khác tại Trung Quốc.
Sau khi tuyên bố về kế hoạch làm việc với các chủ nợ để tái cấu trúc, ông Hứa đã bị chính quyền Quảng Đông - nơi China Evergrande đặt trụ sở - triệu tập.
Giới chức Trung Quốc sẽ cử một đội ngũ đến giám sát China Evergrande trong việc quản trị rủi ro, tăng cường kiểm soát nội bộ và đảm bảo hoạt động diễn ra bình thường.
Trước đó, các quan chức Bắc Kinh yêu cầu tỷ phú Hứa Gia Ấn bỏ tiền túi để trả một phần khoản nợ hơn 300 tỷ USD của tập đoàn bất động sản này.
Giảm bớt lo ngại
Hồi tháng 10, PBoC cũng tìm cách giảm bớt lo ngại về khả năng lây lan từ cuộc khủng hoảng nợ của China Evergrande. Cơ quan này khẳng định hoàn toàn "có thể kiểm soát" nguy cơ khủng hoảng nợ 305 tỷ USD của China Evergrande tràn vào hệ thống tài chính của quốc gia 1,4 tỷ dân.
Theo truyền thông Trung Quốc, hôm 15/10, ông Zou Lan - người đứng đầu thị trường tài chính tại PBoC - tuyên bố rằng China Evergrande đã đa dạng hóa và mở rộng một cách mù quáng.
"Điều đó đã dẫn đến hoạt động và tài chính của tập đoàn xấu đi nghiêm trọng", ông Zou bình luận. Tuy nhiên, ông khẳng định mức độ ảnh hưởng của nhà phát triển bất động sản với các tổ chức tài chính là không lớn.
Theo ông, các vấn đề của China Evergrande chỉ là những vấn đề đơn lẻ. Giá nhà đất vẫn ổn định. Ông Zou cho rằng đó là dấu hiệu của một ngành công nghiệp bất động sản lành mạnh.
Các vấn đề của China Evergrande chỉ là những vấn đề đơn lẻ. Giá nhà đất vẫn ổn định. Đó là dấu hiệu của một ngành công nghiệp bất động sản lành mạnh
Ông Zou Lan, người đứng đầu thị trường tài chính tại PBoC
Ngân hàng trung ương Trung Quốc không trực tiếp giải quyết những thách thức của China Evergrande.
Vào tháng 8, PBoC và các cơ quan quản lý khác đã triệu tập ban lãnh đạo của tập đoàn. Họ thúc giục China Evergrande giải quyết những vấn đề nợ nần và không làm mất ổn định các thị trường nhà đất, tài chính.
Ở thời điểm hiện tại, cũng rất ít phương tiện truyền thông của Trung Quốc đại lục đưa tin về việc vỡ nợ của China Evergrande. Theo giới quan sát, China Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn có thể trải qua quá trình tái cơ cấu tương tự HNA Group.
HNA Group đệ đơn phá sản vào tháng 1 và đang trong quá trình tái cơ cấu dưới sự giám sát của chính quyền đảo Hải Nam - nơi HNA đặt trụ sở. Tập đoàn dự kiến được chia thành 4 đơn vị, tập trung vào mảng hàng không, sân bay, tài chính và các lĩnh vực kinh doanh khác.
Theo Bloomberg, các nhà đầu tư nước ngoài đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tiền mặt của China Evergrande. Theo dữ liệu của Bloomberg, áp lực trên những thị trường nợ nước ngoài của Trung Quốc vẫn ở mức rất cao.
Cuộc khủng hoảng khiến một số quỹ toàn cầu gánh mức lỗ kỷ lục. Ngược lại, thị trường nội địa của Trung Quốc vẫn có sức chống chịu tốt hơn.