Những gam màu tươi sáng

Số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố cho thấy, thương mại hàng hóa quốc tế của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đạt mức cao kỷ lục trong quý I vừa qua. Ðà phục hồi tại nhiều quốc gia, khu vực được duy trì khiến 'bức tranh kinh tế' thế giới có những gam màu tươi sáng hơn.

Số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố cho thấy, thương mại hàng hóa quốc tế của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đạt mức cao kỷ lục trong quý I vừa qua. Ðà phục hồi tại nhiều quốc gia, khu vực được duy trì khiến "bức tranh kinh tế" thế giới có những gam màu tươi sáng hơn.

Sau thời gian dài nền kinh tế thế giới chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia đã ghi nhận sự bật tăng trở lại các chỉ số trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng. Hoạt động kinh tế - xã hội dường như sôi động trở lại trong trạng thái "bình thường mới", sau khi các biện pháp hạn chế và giãn cách xã hội được nới lỏng hoặc dỡ bỏ ở nhiều quốc gia. Theo báo cáo do Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), thương mại toàn cầu đã tăng trở lại mức cao kỷ lục trong quý I năm nay.

Ðáng chú ý, giá trị thương mại hàng hóa toàn cầu đã tăng 10% so cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu từ các nền kinh tế ở Ðông Á đã thúc đẩy sự phục hồi này. Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 18,9% và nhập khẩu tăng 19% trong quý I năm nay. Nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu trong những tháng tới khi sự phục hồi của kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong quý II với tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ đạt 6.600 tỷ USD.

Trong khi đó, so với quý IV-2020, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của G20 trong quý I-2021 lần lượt tăng 8,0% và 8,1%. Ngoại trừ Vương quốc Anh, các nền kinh tế trong G20 đều tăng trưởng, trong đó đồng USD xuống giá và giá hàng hóa tăng đã góp phần vào sự phục hồi từ mức thấp sau đại dịch. Ác-hen-ti-na, Áo, Bra-xin và Nam Phi, những nước xuất khẩu nông sản và kim loại lớn nhất của G20, đã xuất khẩu tăng vọt nhờ giá các mặt hàng này tăng mạnh. Giá dầu thô tăng gần 35% trong quý I-2021 đã giúp giá trị xuất khẩu của Ca-na-đa, Nga và In-đô-nê-xi-a tăng. Tuy nhiên, theo báo cáo hằng quý của OECD, các sản phẩm năng lượng là mặt hàng nhập khẩu chính của hầu hết các nền kinh tế G20, do đó giá tăng cũng dẫn đến giá trị nhập khẩu cao hơn trong cùng kỳ.

Các nước Liên hiệp châu Âu (EU) cũng đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Theo Cơ quan thống kê của EU (Eurostat), thương mại hàng hóa giữa EU và phần còn lại của thế giới đã tăng trong tháng 3 và cả quý I, cho thấy những tín hiệu phục hồi. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ngoài EU trong tháng 3 đạt 195,1 tỷ ơ-rô, tăng 10,6% so cùng kỳ năm 2020, kim ngạch nhập khẩu đạt 176,3 tỷ ơ-rô, tăng 19%. Trong báo cáo của OECD, kim ngạch xuất nhập khẩu của EU đã tăng lần lượt là 3,8% và 5% trong quý I-2021. Hoạt động kinh doanh của khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) đang tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong ba năm qua. Kết quả khảo sát của hãng IHS Markit cho thấy, số đơn đặt hàng ở Eurozone tăng cao kỷ lục trong gần 15 năm qua. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI), một trong những chỉ số sớm nhất cho thấy triển vọng của nền kinh tế, tăng từ 53,8 điểm trong tháng 4 lên 56,9 điểm vào tháng 5. Pháp, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch, đã tăng trưởng đặc biệt mạnh. "Ðầu tàu" kinh tế Ðức cũng chứng kiến sản lượng tăng mạnh, mặc dù lĩnh vực sản xuất ghi nhận mức tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng kỷ lục gần đây do sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Hoạt động kinh doanh của Eurozone được nhận định sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nếu không có sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng và các doanh nghiệp không gặp khó khăn trong việc hoạt động trở lại.

Trong khi đó, Anh, nền kinh tế châu Âu nằm ngoài Eurozone, cũng đang phục hồi nhanh chóng sau đợt suy thoái tồi tệ. Theo số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS) Anh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 4 đã tăng 1,5%, cao hơn gấp hai lần mức tăng 0,7% của tháng 3 và là mức tăng mạnh nhất trong hơn 10 năm qua.

Các hoạt động thương mại toàn cầu đang phục hồi nhanh. Các gói kích thích tài chính được kỳ vọng sẽ là "phương thuốc trợ lực" mạnh mẽ cho xu hướng này.

Anh Thư

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/nhung-gam-mau-tuoi-sang-648122/