Những nữ dân quân Hàm Rồng – Nam Ngạn ngày ấy
Trong chiến tranh, mỗi người dân Nam Ngạn chỉ nghĩ đến sự trường tồn của quê hương, của cây cầu Hàm Rồng mà quên đi sự khốc liệt của bom đạn quân thù. Nhiều gia đình có nhiều người tham gia chiến đấu.
Nữ dân quân Nguyễn Thị Tèo cùng bạn ôn lại kỷ niệm.
Gợi nhắc lại những kỷ niệm một thời, bà Hàn Thị Tĩnh, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) tâm sự: “19 tuổi, tôi tham gia Trung đội nữ dân quân tự vệ và là bí thư chi đoàn thôn Nam Ngạn. Tôi được giao súng chiến đấu bảo vệ tàu hải quân từ Cảng Hới về cầu Hàm Rồng. Có súng trong tay, tôi thực sự tự hào và được tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để tôi và cả trung đội cùng nhau vượt gian nguy, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài cầm súng chiến đấu, tôi và đồng đội còn tham gia cáng thương, vận chuyển vũ khí lên tàu đưa vào chiến trường miền Nam... Với những đóng góp quan trọng của tuổi trẻ trong thời gian chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, tối ngày 26-5-1965, tôi và 3 chị em trong trung đội được kết nạp Đảng. Đây là sự động viên, khích lệ vô cùng lớn đối với tôi và nhiều chị em, đồng đội. Kết thúc chiến tranh, tôi được cử đi học cán bộ đoàn rồi tham gia công tác đoàn, công tác phụ nữ tại địa phương và từng đi dự đại hội đoàn, đại hội phụ nữ toàn quốc”.
Xúc động khi nói về đồng đội của mình, nữ dân quân Trương Thị Thạch, phố Nam Ngạn 1, phường Nam Ngạn cho biết thêm: “Tuổi trẻ chúng tôi ngày ấy gian khổ mà kiên cường. Tất cả vì quê hương, vì Tổ quốc, chúng tôi vừa lao động, sản xuất để bảo đảm lương thực gửi ra tiền tuyến, vừa tham gia phục vụ chiến đấu, giúp lực lượng quân đội cáng thương, cứu thương. Nhìn bộ đội và dân ta bị thương mà lòng quặn thắt, nhưng những đau thương đó đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi trong những chặng đường tiếp theo. Ngày nay, Hàm Rồng, Nam Ngạn đổi mới từng ngày, chúng tôi càng thấy những hy sinh, những đóng góp của tuổi trẻ ngày ấy ý nghĩa vô cùng”.
Con đường vào nhà cựu dân quân Nguyễn Thị Tèo (phường Hàm Rồng) vẫn còn tường gạch cũ, ngõ nhỏ, nếp nhà xưa gợi nhớ về một thời chiến tranh ác liệt. Bà Tèo kể cho chúng tôi nghe: “Trong trận chiến ác liệt với không lực Hoa Kỳ, chúng tôi làm nhiệm vụ đắp đê khu vực làng Nam Ngạn (nay là phường Nam Ngạn). Nghe có lệnh quay trở về Hàm Rồng phục vụ chiến đấu, chúng tôi vội vã ra về, băng qua các cánh đồng để tập hợp thật nhanh, nhận nhiệm vụ cáng thương, cứu thương, phục vụ pháo thủ, tìm kiếm những người bị vùi lấp trong đống đổ nát do trúng bom... Những ngày sát cánh cùng bộ đội, chúng tôi hăng hái lắm, làm bằng mệnh lệnh trái tim và lý trí với quyết tâm giữ bằng được cầu Hàm Rồng”.
Trong khói lửa bom đạn quân thù đã xuất hiện nhiều tấm gương nữ dân quân tự vệ dũng cảm kiên cường, tiêu biểu là nữ dân quân Nguyễn Thị Hằng (nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); Ngô Thị Tuyển vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân...
Chiến tranh đã lùi xa, những nữ dân quân tự vệ ngày ấy nay tuổi đã cao nhưng vẫn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương. Trong số đó, có người làm cán bộ, doanh nghiệp, cũng có người ở nhà lao động sản xuất, nhưng các bà vẫn giữ liên lạc cùng nhau chia sẻ vui buồn trong cuộc sống, động viên con cháu nỗ lực học tập, lao động và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương.
Đồng chí Lê Thị Sáu Huyền, Chủ tịch Hội LHPN phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa) cho biết: Phát huy truyền thống của quê hương, các thế hệ cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn phường đã tích cực tham gia các phong trào hoạt động của địa phương, của tổ chức hội. Nhiều phong trào thi đua như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức, tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đảng” và “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” gắn với “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được thực hiện hiệu quả, sâu rộng, thu hút 85,6% hội viên tham gia. Đến nay, phường không còn hộ nghèo.