Những sai lầm của cha mẹ khi trẻ chảy nước mũi
Dù là triệu chứng rất phổ biến, thậm chí ở cả người lớn, chảy nước mũi với trẻ nhỏ có thể diễn biến xấu nếu không được giải quyết sớm và phù hợp.
Sau khoảng thời gian hửng nắng, Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc tuần qua lại hạ nhiệt và chìm trong những cơn mưa phùn. Điều kiện thời tiết thay đổi thất thường là một trong những nguyên nhân khiến người dân xuất hiện các vấn đề về sức khỏe như cơ thể mệt mỏi, chảy nước mũi, thậm chí sốt cao.
Trong số này, triệu chứng phổ biến nhất là chảy nước mũi, nhất là với trẻ em - nhóm có sức đề kháng chưa phát triển hoàn toàn, dễ bị tác động bởi môi trường.
Trên thực tế, PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết cũng nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan vấn đề này, đặc biệt từ phụ huynh có con thường xuyên viêm mũi họng, biến chứng viêm tai giữa và viêm phế quản xuất phát từ viêm mũi.
Nguyên nhân khiến trẻ chảy nước mũi
Theo PGS Đào, khi trẻ chảy nước mũi, dấu hiệu này cho thấy đã có sự mất cân bằng giữa dịch sản xuất ra và dịch được hấp thu qua niêm mạc mũi. Đây là hiện tượng viêm.
“Trong khi môi trường sống của chúng ta ngày càng ô nhiễm, bên cạnh các nguyên nhân gây viêm mũi thường gặp là virus, vi khuẩn, dị vật… nguyên nhân của vấn đề này còn có thể là dị ứng bụi, hóa chất, nấm mốc…”, vị chuyên gia giải thích.
Từ đây, mọi người cần xác định được
hiện tượng chảy mũi đến từ nguyên nhân nào mới có cách xử trí phù hợp. Trái lại, việc tự điều trị không đúng cách từ nhà sẽ khiến bệnh diễn biến nặng dần, gây khó khăn trong việc xử trí với các bác sĩ.
Gợi ý cho cha mẹ khi trẻ bị chảy mũi
Nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ, hạn chế những diễn biến xấu do xử trí sai cách, PGS Phạm Thị Bích Đào gợi ý một số phương pháp cha mẹ có thể ứng dụng gồm:
Sử dụng nước muối sinh lý
Theo PGS Đào, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ bị chảy nước mũi có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối 0,9%, đồng thời nói trẻ hít vào nhẹ nhàng (trong trường hợp trẻ hợp tác). Trong khi đó, với những trẻ nhỏ không hợp tác, mọi người có thể nhỏ và giữ chặt miệng để trẻ phải hít vào.
“Mục đích của việc làm này là làm sạch các tác nhân gây bệnh. Mọi người cũng cần lưu ý không nên xịt rửa vì có thể ảnh hưởng tới mũi của trẻ”, vị chuyên gia khuyến cáo.
Bổ sung đủ nước và khoáng chất cho trẻ
Để đảm bảo bổ sung đủ nước cho trẻ, phụ huynh có thể chủ động cho con bú sữa nhiều hơn ở giai đoạn bú mẹ. Với trẻ lớn, cha mẹ nên cho con uống thêm nước lọc, nước trái cây và các thức ăn dạng lỏng như cháo, súp…
PGS Đào giải thích: “Việc này giúp cho dịch mũi của trẻ trở nên loãng hơn, từ đó dễ dàng được mũi vận chuyển ra phía sau họng hoặc đưa ra ngoài”.
Tư thế ngủ
Vị chuyên gia khuyên phụ huynh nên kê cao đầu trẻ khoảng 15 độ trong khi ngủ. Hành động nhỏ này giúp dịch mũi dễ chảy ra ngoài và không làm trẻ bị ngạt mũi. Lúc này, trẻ cũng dễ chịu hơn và tốt cho việc hít thở.
Dù vậy, theo Hiệp hội Nhi khoa, tư thế ngủ cao đầu chỉ nên áp dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.
Sử dụng tinh dầu tràm
PGS Đào cho hay một số phụ huynh, người chăm sóc trẻ có thói quen sử dụng tinh dầu tràm bôi ở mũi trẻ trong các trường hợp chảy nước mũi. Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý mọi người không được sử dụng cách này cho trẻ dưới 2 tuổi.
Nguyên nhân là tinh dầu tràm khi bôi lên mũi có thể gây co mạch não giữa, thậm chí có nguy cơ tử vong hoặc bỏng da.
Thay vào đó, PGS Đào gợi ý mọi người dùng tinh dầu tràm để massage nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ vùng bàn chân, bụng và lưng, từ đó giúp cơ thể trẻ luôn ấm, không bị lạnh. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp phòng chống côn trùng cắn và kháng khuẩn.
Tuy nhiên, với một số trường hợp trẻ có cơ địa dị ứng, vị chuyên gia không khuyến khích thực hiện cách làm này vì có thể gây kích ứng lên da của trẻ.
Sử dụng máy tạo độ ẩm
Về mặt lý thuyết, một phần nguyên nhân của tình trạng chảy mũi ở trẻ là sự rối loạn trong quá trình làm ấm và làm ẩm không khí của mũi. Do đó, máy tạo độ ẩm là giải pháp rất thích hợp cho việc tạo độ ẩm phù hợp với khoang mũi họng.
Cụ thể, độ ẩm sẽ giúp làm lỏng dịch mũi, qua đó dễ làm sạch dịch tiết từ mũi. Lúc này, mũi của bé sẽ không bị khô rát và ngạt. Độ ẩm từ đó giúp mũi thông thoáng, dễ thở hơn.
Đưa trẻ tới khám
Trên tất cả, PGS Đào nhấn mạnh cha mẹ nên theo dõi sát sao và kịp thời liên hệ với bác sĩ để nhận hỗ trợ trong các trường hợp trẻ chảy mũi kéo dài trên 2 ngày cũng như xuất hiện thêm triệu chứng ho.
Một số dấu hiệu khác trẻ cũng cần nhập viện để xử lý song song với tình trạng chảy nước mũi gồm:
Dị vật mũi
Trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên
Trẻ bỏ ăn, bỏ bú
Chảy mũi nhiều, dịch mũi vàng xanh trong nhiều ngày
Chảy mũi kèm theo ho có đờm, ho kéo dài
Trẻ khó thở, hay tím tái vùng môi và các đầu ngón tay.
Đề phòng tránh tình trạng chảy mũi ở trẻ, PGS Đào khuyến cáo trong điều kiện thời tiết lạnh, cha mẹ nên:
Cho con mặc đủ ấm và đúng cách
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Giữ nơi ở và sinh hoạt thông thoáng, sạch sẽ
Tránh tiếp xúc với các dị nguyên như phấn hoa, khói thuốc…
Tuyệt đối không sử dụng nước muối xịt rửa mũi
Chữa lành bằng sách
Mục Sức khỏe giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề sức khỏe tâm thần dành cho bạn đọc có quan tâm:
Chữa lành sau sang chấn: "Chữa lành sau sang chấn" là một cách tiếp cận sức khỏe tinh thần, thể chất và tâm linh gọi là tâm lý học toàn diện, nơi người tham gia cam kết thực hành mỗi ngày để tự giúp mình khỏe mạnh bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu tiêu cực, chữa lành quá khứ.
Đại dương đen là tiếng nói sẻ chia với thế giới của người trầm cảm, đồng thời là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, để những con người ấy có cơ hội được sống hạnh phúc.