Nỗ lực nâng cao chất lượng dạy học ở ngôi trường vùng cao

Nằm trên địa bàn vùng khó khăn của thị trấn Cô Tô (huyện Tri Tôn), Trường Mầm non Cô Tô luôn nỗ lực vượt qua khó khăn. Hệ thống trường, lớp học được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, đảm bảo điều kiện tối thiểu để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Cô Tô Trần Thị Pha cho hay, để nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non, những năm qua, trường luôn tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, huy động trẻ ra lớp đạt 100%. Ban giám hiệu và giáo viên vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi, nhằm đảm bảo đúng yêu cầu của chương trình phổ cập giáo dục.

Với đặc thù là ngôi trường vùng khó khăn, học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer Trường Mầm non Cô Tô đã tích cực triển khai chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Khi tổ chức các hoạt động giáo dục với hình thức đổi mới theo hướng lấy trẻ làm trung tâm, trẻ được vui chơi trải nghiệm nhằm phát huy tối đa tính tích cực sáng tạo, tăng sự tham gia của trẻ trong tất cả các hoạt động, giúp trẻ phát triển tư duy, nhân cách toàn diện.

Trường Mầm non Cô Tô luôn nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học

Trường Mầm non Cô Tô luôn nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học

Theo cô Pha, trường có 319 trẻ, trong đó 60 trẻ bán trú. Theo thời gian, bếp ăn của trường đã xuống cấp, cần được đầu tư mới, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định. Ngày 17/10/2023, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tri Tôn, UBND thị trấn Cô Tô khởi công xây dựng bếp ăn bán trú Trường Mầm non Cô Tô. Công trình 46m2, với đầy đủ thiết bị, dụng cụ phục vụ bếp ăn bán trú, kinh phí xây dựng khoảng 300 triệu đồng, do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận động Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải tài trợ. Dự kiến, cuối năm 2023, công trình sẽ hoàn thành.

“Trường Mầm non Cô Tô là trường đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị trấn Cô Tô, có số lượng học sinh ra lớp khá đông và đăng ký bán trú chiếm 1/3 tổng số học sinh. Bên cạnh đó, bếp ăn bán trú của trường chưa đảm bảo kết cấu, kỹ thuật theo tiêu chuẩn quy định. Khi bếp ăn bán trú mới này hoàn thành, sẽ góp phần quan trọng để trường xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2024. Đồng thời, cải thiện điều kiện dinh dưỡng cho trẻ em nghèo trên địa bàn có đông đồng bào DTTS Khmer” - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cô Tô Trần Thị Ánh Tuyết cho hay.

Với rất nhiều cố gắng, Trường Mầm non Cô Tô tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho phụ huynh và học sinh trong việc phòng ngừa xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em; phòng tránh lao động trẻ em; phòng tránh tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước. Cùng với đó, tích cực truyền thông, quảng bá Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (số điện thoại 111) và đường dây nóng của Trung tâm Công tác xã hội (Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh) với số điện thoại 18008077 để phụ huynh liên hệ khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em…

Trường có 12/12 giáo viên có trình độ trên chuẩn. Ban giám hiệu trường thường xuyên quan tâm bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, tổ chức dự giờ trao đổi kinh nghiệm trong đơn vị. Tạo điều kiện cho giáo viên tham dự chuyên đề để giáo viên trao đổi chuyên môn lẫn nhau. Nhất là, chỉ đạo các lớp làm tốt công tác chủ nhiệm quản lý các cháu trong giờ học cũng như giờ chơi, không để xảy ra tai nạn thương tích ở trẻ.

Thời gian qua, trường luôn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trẻ, nhiệt tình. Đặc biệt đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường có trình độ chuyên môn trên chuẩn đạt tỷ lệ 100%, có tinh thần trách nhiệm cao, có kinh nghiệm trong giảng dạy. Song, khó khăn của trường là khoảng 45% các cháu là con em đồng bào DTTS Khmer, nên việc nhận thức và ngôn ngữ còn rất hạn chế, một số trẻ chưa biết nói tiếng Việt. Địa phương thuộc vùng đặc biệt khó khăn, cha mẹ trẻ thường đi làm ăn xa, các cháu ở với ông bà nên ít chú trọng vấn đề học tập của trẻ...

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu với các cấp, ngành để nhà trường được xây dựng mới, theo hướng phát triển mạng lưới trường lớp giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thị trấn Cô Tô làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động thêm trẻ ra lớp. Đồng thời, tranh thủ các nguồn đầu tư, tài trợ để phát triển giáo dục tại đơn vị” - cô Trần Thị Pha (Hiệu trưởng Trường Mầm non Cô Tô) nhấn mạnh.

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/no-luc-nang-cao-chat-luong-day-hoc-o-ngoi-truong-vung-cao-a379509.html