Cô giáo người Mông bám bản nghiệm ra: 'Có tri thức mới thắp sáng được tương lai'

5 giờ sáng, khi giá lạnh còn bủa vây, cô Giàng Thị Sa đã vượt gần 10km đến điểm trường Nhiều Cù Ván, Trường Mầm non Tả Van Chư (Bắc Hà, Lào Cai) để dạy học.

Khát vọng thắp sáng tri thức nơi bản xa

Sinh ra và lớn lên tại Tả Van Chư, một xã vùng sâu của huyện Bắc Hà, cô gái người Mông, Giàng Thị Sa (sinh năm 1990) luôn đau đáu với nỗi khó khăn vất vả trẻ em tại quê nhà. Ước mơ trở thành giáo viên ngày càng cháy bỏng trong cô.

Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, địa bàn cư trú còn nhiều hủ tục nhưng tất cả điều đó không dập tắt được khao khát đi học của cô Sa. Suốt những năm tháng đi học, cô gái người Mông vượt nắng thắng mưa, khắc phục điều kiện khó khăn chăm chỉ đến trường để học cái chữ. Trong số 7 anh chị em, cô là người duy nhất quyết tâm học lên cao. Cô Sa tâm niệm chỉ có tri thức mới thắp sáng được tương lai, đưa cô thoát khỏi sự thiếu thốn, lạc hậu.

 Cô Giàng Thị Sa, giáo viên điểm trường Nhiều Cù Ván, Trường Mầm non Tả Van Chư (Bắc Hà, Lào Cai). (Ảnh: NVCC)

Cô Giàng Thị Sa, giáo viên điểm trường Nhiều Cù Ván, Trường Mầm non Tả Van Chư (Bắc Hà, Lào Cai). (Ảnh: NVCC)

Năm 2015, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục mầm non tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, cô Sa trở về quê hương để dạy học. Khi mới đến điểm trường Nhiều Cù Ván, cô không khỏi xót xa, đồng cảm với cuộc sống của người dân nơi đây. Phòng học được dựng lên sơ sài giữa một khoảng đất rộng. Cơ sở vật chất cũ kỹ, điện không có, nước cũng khan hiếm, thiếu thốn trăm bề. Xung quanh điểm trường đều là đèo dốc, các hộ dân nằm rải rác, cách xa nhau nên việc di chuyển không hề dễ dàng. Thời điểm đó do tính chất công việc và giao thông không thuận tiện nên cô ở nội trú tại điểm trường trong suốt một năm.

Mỗi khi trời mưa bão, tình hình sạt lở nghiêm trọng khiến nhiều tuyến đường bị chia cắt. Để đi dạy, cô Sa và các giáo viên phải “cuốc bộ” gần 10 cây số trên con đường ngập ngụa bùn đất. Càng vào đông, thời tiết lại càng khắc nghiệt hơn. Cô Sa không thể quên được khung cảnh đìu hiu vào mỗi buổi trưa, khi cô trò ngồi xúm xít cạnh nhau cho đỡ lạnh, chia từng miếng bánh, suất cơm đạm bạc. Tuy nhiên, đã quyết tâm bám bản, mang cái chữ tới cho học sinh, cô Sa không nản chí mà luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình.

Cô Sa cho biết, đa số dân cư xã Tả Văn Chư là người Mông nên việc vận động gia đình cho trẻ đến trường gặp không ít trở ngại. Nhiều người ở đây không biết tiếng phổ thông. Trẻ em chưa được học hành bài bản, chủ yếu chỉ ở nhà, điều kiện tiếp xúc với văn hóa còn hạn chế. Tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra nên nhiều bé đã quá tuổi đi học vẫn chưa được tới trường vì không có giấy khai sinh. Cô Sa cùng các đồng nghiệp phải sát sao tình hình của từng trẻ, thường xuyên tham gia tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con đi học.

Cô Sa tâm sự, mỗi lần ngắm nhìn các học sinh, cô lại nhớ con mình da diết. Cứ cuối tuần, cô Sa tranh thủ về nhà thăm đứa con đầu lòng mới tròn 14 tháng tuổi, sau đó vội vã trở lại trường để hoàn thành các công việc được giao.

 Cung đường đến điểm trường của cô Sa. (Ảnh: NVCC)

Cung đường đến điểm trường của cô Sa. (Ảnh: NVCC)

 Những hôm trời mưa đường trở nên lầy lội khiến việc di chuyển của các giáo viên càng thêm khó khăn. (Ảnh: NVCC)

Những hôm trời mưa đường trở nên lầy lội khiến việc di chuyển của các giáo viên càng thêm khó khăn. (Ảnh: NVCC)

Những ký ức không quên 10 năm bám bản

Trường Mầm non Tả Van Chư có tổng cộng 4 điểm trường lẻ và một điểm trường chính. Mỗi năm, trường sẽ luân chuyển giáo viên tới các điểm trường khác nhau. Gần 10 năm công tác, cô Sa đã đi khắp các bản, gieo con chữ tới nhiều thế hệ học sinh, thấu hiểu sâu sắc tâm tư, tình cảm của phụ huynh.

Hiện, điểm trường Nhiều Cù Ván nơi cô Sa làm việc có 53 trẻ mầm non. Vì số lượng trẻ không đồng đều giữa các độ tuổi nên việc phân chia nhóm lớp rất khó khăn.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của các ban ngành, đoàn thể, cơ sở vật chất và điều kiện sinh hoạt của cô và trò đã được cải thiện đáng kể. Lớp học được xây dựng khang trang hơn, đồ dùng học tập của học sinh cũng được hỗ trợ đầy đủ. Hàng tháng, ngoài 3kg gạo và 1 bó củi gửi tới trường cho con, phụ huynh không phải lo lắng bởi các khoản chi phí khác.

Với lợi thế là người bản địa, biết tiếng Mông và nắm được phong tục, tập quán của địa phương, cô Sa đã tiếp cận từng gia đình, vừa thuyết phục, vừa động viên để các em có cơ hội tới trường. Nhận thấy nhiệt huyết và tấm lòng của cô Sa, phụ huynh cũng yên tâm gửi gắm con em của mình, số lượng học sinh đi học tăng lên đáng kể.

 Hình ảnh người ông, người bà hàng ngày vượt đèo cõng cháu tới trường khiến cô Sa vô cùng xúc động. (Ảnh: NVCC)

Hình ảnh người ông, người bà hàng ngày vượt đèo cõng cháu tới trường khiến cô Sa vô cùng xúc động. (Ảnh: NVCC)

Cô Sa chia sẻ, cô nhớ nhất một trường hợp học sinh có hoàn cảnh rất éo le, bố mẹ xuống miền xuôi đi làm để con ở nhà với ông bà. Mặc dù không biết tiếng phổ thông cũng như không biết đi xe nhưng được sự khích lệ của cô giáo, ngày nào ông bà cũng vượt một quãng đường đèo rất xa, cõng cháu đi học bất kể nắng mưa. Cảnh tượng xúc động đó càng tiếp thêm động lực để cô Sa vượt gian khó, tâm huyết với công việc hơn.

Sự hồn nhiên, đáng yêu của các học sinh cũng là nguồn động lực lớn của cô Sa. Nhìn các con ngày một khôn lớn, bập bẹ nói tiếng phổ thông và viết những chữ cái đầu tiên, cô Sa không khỏi rưng rưng. Lớp học của cô giờ đây ngày nào cũng rộn ràng lời ca, tiếng hát. Các học sinh lần lượt bày tỏ ước mơ, tình cảm của mình với cô giáo và mọi người xung quanh. Đây có lẽ là thành công lớn nhất của giáo viên miền núi nói chung và cô Sa nói riêng.

“Tôi chỉ mong được nâng cao chuyên môn, hoàn thiện năng lực bản thân nhiều hơn để cống hiến cho giáo dục địa phương, nuôi dạy các em sau này có một tương lai tươi sáng hơn”, cô giáo Giàng Thị Sa trăn trở.

Cô Vương Thị Ngân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tả Van Chư cho biết, cô Sa là một giáo viên có tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Cô không ngại vất vả khi công tác tại các điểm trường xa xôi và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sự tận tâm, nhiệt huyết của cô đã giúp những ước mơ còn non nớt của các em học sinh dần nảy mầm xanh tươi trên mảnh đất quê hương đầy sỏi đá.

 Sự hồn nhiên, đáng yêu của các em học sinh chính là động lực giúp nữ giáo viên vượt qua khó khăn.

Sự hồn nhiên, đáng yêu của các em học sinh chính là động lực giúp nữ giáo viên vượt qua khó khăn.

Với sự cố gắng, nhiệt huyết của mình, cô Giàng Thị Sa còn được người dân địa phương tín nhiệm bầu tham gia Hội đồng nhân dân xã. Cô luôn sát sao, lắng nghe, kiến nghị quyền lợi, chính sách hỗ trợ phù hợp góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con thôn bản. Cô tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể, là người chị gương mẫu cho thế hệ giáo viên trẻ noi theo.

Mai Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-giao-nguoi-mong-bam-ban-nghiem-ra-co-tri-thuc-moi-thap-sang-duoc-tuong-lai-post246641.gd