Nông sản Việt sẽ đi xa hơn nhờ chuỗi giá trị
Nông sản Việt sẽ đi xa hơn nhờ chuỗi giá trị, nhưng để chuỗi này vận hành 'trơn tru' thì cần hội tụ nhiều yếu tố, trong đó, cần thái độ và quy mô hợp tác đủ lớn
Trong liên kết chuỗi giá trị, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp vừa đóng vai trò thúc đẩy liên kết ngang giữa các hộ nông dân để tổ chức sản xuất, vừa thúc đẩy liên kết dọc với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Hiện nay, ở nhiều địa phương, HTX nông nghiệp giúp chính quyền thực hiện “dồn điền đổi thửa” theo hướng “liền vùng, cùng trà, khác chủ”, thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Tổ chức các hành động tập thể để sản xuất ra khối lượng sản phẩm lớn, đồng đều, chất lượng đảm bảo yêu cầu của doanh nghiệp, giảm chi phí sản xuất. Doanh nghiệp nông nghiệp là tác nhân trung gian chủ đạo, đóng vai trò khâu nối và thúc đẩy liên kết dọc với doanh nghiệp.
Mặc dù Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị, tuy nhiên, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nhận định, thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp rất khó thực hiện liên kết do không tìm được HTX nông nghiệp đủ mạnh để có thể đứng ra làm đầu mối, nên doanh nghiệp phải hợp đồng trực tiếp với từng hộ nông dân, dẫn đến chi phí cao và dễ gặp rủi ro.
Theo số liệu thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, hiện nay, cả nước có hơn 31.700 HTX, 158 liên hiệp HTX và 73 nghìn tổ hợp tác. Trong đó, có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số HTX).
Về phát triển liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, theo số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cả nước chỉ có 2.204 HTX, 517 tổ hợp tác, 1.091 doanh nghiệp và 186.829 hộ nông dân tham gia.
Là doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Tập đoàn Lộc Trời cũng hướng đến phát triển theo chuỗi giá trị, khuyến khích bà con nông dân liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp. Tuy vậy, doanh nghiệp cũng đối mặt với nhiều vấn đề từ tư cách pháp nhân, thuế, pháp lý, tình trạng bẻ kèo…
“Sự hợp tác của người Việt nói chung chưa tốt, chưa kể cạnh tranh còn không lành mạnh. Lộc Trời xác định liên kết theo cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nông dân nhưng vẫn khó khăn trong chính mối liên kết của mình”, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ và cho hay, thái độ của người dân trong liên kết ngang không tốt. Nếu không có tổ chức HTX đủ lớn, doanh nghiệp không thể liên kết hiệu quả.
“Thái độ và quy mô hợp tác là nhiệm vụ sống còn mà các tổ chức xã hội, cơ quan hỗ trợ giúp cho doanh nghiệp để đảm bảo đủ yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn sản phẩm đặt ra”, ông Huỳnh Văn Thòn chia sẻ đồng thời kiến nghị cần có cơ chế để thực hiện cánh đồng mẫu lớn, xây dựng hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo vững mạnh.
Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2024 vừa được diễn ra lấy chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm”. Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân khẳng định, chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các HTX. Và ngược lại, kinh tế tập thể, HTX cũng là “hơi thở” của chuỗi giá trị đa dạng nhiều ngành hàng ở khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm là vấn đề được đề cập nhiều trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu. Tuy vậy, việc liên kết theo chuỗi giá trị bền vững vẫn còn những “nút thắt” cần tháo gỡ.
Hiện, số lượng các nhà phân phối HTX còn ít trong các loại hình siêu thị và phân phối hiện đại, ước tính các HTX có tỷ trọng đóng góp doanh số khoảng 3%. Một trong những nguyên nhân được ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), nhắc đến đó là việc liên kết giữa các HTX với các thành phần kinh tế khác bắt đầu hình thành nhưng còn ít, chuẩn mực liên kết chưa cao.
Tình trạng mạnh ai nấy làm đang là thực trạng chung với nhiều ngành hàng. Câu chuyện sầu riêng hay lúa gạo thời gian vừa qua cho thấy một nghịch lý đó là giá sầu riêng và lúa gạo cao, nông dân hưởng lợi nhưng đối với thương lái, HTX, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thu mua và cạnh tranh khiến câu chuyện lời – lỗ là vấn đề khá đau đầu với nhiều doanh nghiệp.
Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - cho hay, thực tế, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn còn có sự không thấu hiểu. Qua quá trình liên kết thực tế, chúng tôi thấy rằng người nông dân muốn lời nhiều, nhưng với doanh nghiệp nếu mua giá cao lại sợ lỗ. Đôi khi mua, doanh nghiệp phải phân loại hàng hóa nhưng điều này ảnh hưởng tới giá, lợi nhuận thấp hơn nên dẫn đến xung đột lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp. Để giải quyết xung đột này, doanh nghiệp và nông dân cần ngồi lại với nhau, cùng mục tiêu, thấu hiểu và giải đáp thắc mắc cùng nhau. Đây là câu chuyện đường dài.
Trong buổi trao đổi với phóng viên báo chí mới đây, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cũng nhấn mạnh: Có ai nghĩ rằng, trồng lúa không chỉ bán thóc, gạo, rơm rạ mà còn bán được tín chỉ carbon; có ai nghĩ rằng, nhiều nơi đang bán hệ sinh thái nông thôn để làm du lịch. Người tiêu dùng thế giới không chỉ mua sản phẩm mà còn mua cả cách tạo ra sản phẩm đó. Do vậy, dư địa cho phát triển HTX trong chuỗi giá trị còn rất lớn. HTX không phải phép cộng của các thành viên mà là cấp số nhân tạo ra sức sống mới cho nông thôn, hay nói cách khác phát triển kinh tế nông thôn dựa trên phát triển HTX.
"Để liên kết theo chuỗi giá trị thành công, quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch, tự nguyện, thống nhất, giữ uy tín giữa các bên. Không giữ được chữ tín thì không thể liên kết thành công. Đây là chìa khóa mở chuỗi, nếu làm tốt lợi ích được chia sẻ”, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng nhấn mạnh tại Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2024.
Tỷ phú người Mỹ Warren Buffett từng nói, “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Rõ ràng, chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng của sản phẩm, đồng thời thu được nhiều giá trị và phát triển thị trường một cách bền vững.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nong-san-viet-se-di-xa-hon-nho-chuoi-gia-tri-314759.html