Nuôi dê Boer lai tại xã Tử Du mang lại hiệu quả kinh tế cao
Thay vì sử dụng phương pháp chăn nuôi dê theo hình thức cũ là chăn thả, anh Nguyễn Xuân Trường, thôn Vinh Hoa, xã Tử Du, huyện Lập Thạch đã mạnh dạn tìm hiểu, học hỏi và xây dựng thành công mô hình nuôi dê Boer lai sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến thăm trang trại nuôi dê Boer lai sinh sản của anh Nguyễn Xuân Trường, khu chăn nuôi được đầu tư trên quy mô chuyên nghiệp, bài bản với 2 khu chuồng nuôi dê Boer với tổng diện tích hơn 1.200m2 được xây cao hơn mặt đất 1,2 m; xung quanh được trồng cỏ voi với diện tích 1 ha, chúng tôi cảm thấy thêm khâm phục ý chí dám nghĩ, dám làm của chàng trai trẻ này.
Bén duyên với nghề nuôi dê từ năm 2019 với nhiều khó khăn trong việc chọn lựa giống dê và kỹ thuật chăn nuôi, đã có lúc anh Trường bị lỗ vốn đến 500 triệu đồng, nhưng không vì thế mà nản chí, anh quyết tâm tìm hiểu, chọn lựa giống dê kỹ càng hơn và dày công nghiên cứu các kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng chống bệnh trên dê hiệu quả nhất.
Anh Trường chia sẻ : “ Trước khi đến với chăn nuôi dê, tôi đã trải qua nhiều nghề kinh doanh nhưng thu nhập bấp bênh, cộng thêm dịch Covid-19 làm tình hình càng không ổn định nên với vốn kiến thức từng học chuyên ngành công nghệ sinh học tại Trung Quốc, tôi đã quyết định tìm hiểu về chăn nuôi dê Boer rất được thị trường ưa chuộng vì dễ chăm sóc và có tính kinh tế cao.
Khác với giống dê cỏ, dê núi được nuôi chủ yếu bằng hình thức bán chăn thả thì trang trại của tôi nuôi dê nhốt hoàn toàn. Hệ thống chuồng trại được làm công phu, cao ráo, sạch sẽ, đảm bảo ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè giúp dê sinh trưởng, phát triển tốt.
Hiện nay đàn dê của trang trại luôn duy trì nguồn giống từ 500- 800 con, nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ voi và cám viên, bã bia nên rất dễ đáp ứng. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm và thiếu kiến thức chăm sóc nên đàn dê chậm phát triển, hay bị bệnh, nhưng sau dần khi áp dụng những kỹ thuật mới, phòng chống bệnh, cho ăn tốt, đảm bảo về chuồng trại nên đàn dê ngày càng phát triển và sinh sản tốt hơn.”
Theo như anh Trường cho biết, dê vốn là loài ăn tạp lại ít bệnh tật, chỉ cần chuồng trại cao ráo, bảo đảm vệ sinh, chú ý che chắn cho dê vào mùa đông, tiêm định kỳ các loại văcxin phòng bệnh truyền nhiễm 1 năm 2 lần cho dê các bệnh như tụ huyết trùng, bệnh đậu dê, viêm ruột hoại tử. Còn đối với các bệnh lên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa thì sẽ xử lý theo quy trình điều chỉnh liều lượng thức ăn và vệ sinh chuồng trại đảm bảo nhất cho dê phát triển.
Dê không ưa độ ẩm cao hay nhiệt độ thấp, nên chuồng trại luôn phải giữ thông thoáng, sạch sẽ, ổn định về nhiệt độ. Anh Trường đã bố trí nuôi dê trên chuồng sàn, bề mặt sàn cách mặt đất khoảng 1,2m để giữ độ thông thoáng, dễ vệ sinh và thu gom phân dê.
Máng ăn của dê cũng phải được làm sạch sau khi cho ăn, thường xuyên phun tiêu độc khử trùng. Ngoài ra, việc chú ý các yếu tố vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh cũng được anh Trường cùng công nhân sát sao, đảm bảo đúng quy trình nhất.
Đặc điểm của dê Boer lai là được lai tạo từ dê Boer với dê bách thảo để giữ được các đặc tính tốt của giống gốc. Dê Boer là một giống dê có nguồn gốc từ Nam Phi, với đặc điểm nổi bật là lớn nhanh, dê cái mắn đẻ, nuôi con tốt, cho nhiều sữa.
1 con dê Boer cái nuôi từ lúc đẻ ra cho đến khoảng 6-8 tháng là có thể sinh sản, năm đầu dê cái đẻ thường 1 con/lứa, từ năm thứ 2 bình quân mỗi lứa 1 con dê cái đẻ 2 con/lứa (tỉ lệ đạt 80%). Mỗi một con dê đực có thể phối giống cho khoảng hơn 20 con dê cái.
Về thức ăn cho dê Boer lai bao gồm nguồn thức ăn thô xanh (cỏ chiếm 70%; bã bia 20%) và thức ăn tinh (cám viên cho dê chiếm 10%). Mỗi ngày cho dê sẽ được cho ăn 2 lần, và điều quan trọng nhất là thức ăn phải khô và sạch thì dê mới phát triển nhanh và ít bệnh.
Để đảm bảo nguồn thức ăn cho trang trại dê, anh Trường đã trồng xung quanh trang trại và thuê thêm đất của người dân vùng lân cận với tổng diện tích 2ha trồng cỏ voi, đây là giống cỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao, thích hợp với dê, mỗi ha trồng cỏ có thể cung cấp thức ăn cho khoảng 300-400 con dê.
Anh Trường cho biết thêm : “ Với những thành công của việc chăn nuôi dê Boer lai sinh sản và làm giống, trang trại của tôi đã cung cấp nhiều con giống dê cho bà con trong và ngoài tỉnh, tôi cũng truyền đạt lại cho bà con những kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật, cách thức để nuôi dê Boer lai đạt hiệu quả và sản lượng tốt nhất. Trang trại cũng đảm bảo thu mua lại dê giống cho bà con chăn nuôi, chủ yếu trang trại cung cấp dê giống cho bà con trong tỉnh, các tỉnh phía Bắc và đang dần cung cấp rộng rãi đến hầu hết các tỉnh miền Trung.”
Được biết, với mô hình chăn nuôi dê Boer lai sinh sản, năm 2021 vừa qua, anh Trường đã cung cấp cho thị trường gần gần 3.000 con dê giống, sau khi trừ chi phí nuôi dê sinh sản đem lại cho anh nguồn lợi nhuận 800- 1 tỷ đồng. Hiện nay, tại trang trại của anh Trường có 3 công nhân thường thực chăn nuôi dê, đều là nguồn lao động tại địa phương, với mức thu nhập ổn định 6 triệu đồng/người/tháng.
Với thành công bước đầu trong việc phát triển mô hình nuôi dê Boer lai sinh sản, thời gian tới, anh Trường sẽ tiếp tục mở rộng mô hình với diện tích và quy mô lớn hơn, đồng thời sẽ phát triển thêm mô hình chăn nuôi dê sữa và mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp thăm quan trải nghiệm ( Farm Stay) tại địa bàn huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Hi vọng rằng, với lòng đam mê và nhiệt huyết, sự nhiệt tình của sức trẻ của anh Nguyễn Xuân Trường sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều thanh niên trẻ tham gia khởi nghiệp, người dân trên địa bàn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là kinh tế ngành Nông nghiệp.