Phái sinh: Các hợp đồng tương lai giằng co trong biên độ hẹp

Các hợp đồng tương lai cũng như chỉ số cơ sở diễn biến giằng co với biên độ hẹp trong phiên giao dịch cuối tháng 8. Chính diễn biến giằng co khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn, từ đó làm thanh khoản thị trường phái sinh cũng giảm nhẹ.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh phiên cuối cùng của tháng 8, các hợp đồng tương lai biến động không nhiều so với phiên kế trước. Theo đó, có 3 hợp đồng tăng và 1 hợp đồng giảm; tuy nhiên, biên độ chỉ từ -2,2 điểm đến 1,1 điểm.

Hợp đồng VN30F2009 bật tăng ngay từ đầu phiên trước khi thoái lui dần cho đến lúc đóng cửa. Hợp đồng tháng 9 kết phiên vẫn giữ được sắc xanh, tăng nhẹ lên mức 824,1 điểm, duy trì khoảng cách chênh lệch dương với cơ sở nhưng biên độ không đáng kể (+0,17 điểm). Các hợp đồng còn lại duy trì chênh lệch âm, từ -8,03 điểm đến -4,93 điểm.

Các nhịp biến động giằng co với biên độ hẹp liên tục diễn ra là trạng thái vận động chính của hợp đồng VN30F2009, khiến cho cả bên Long và bên Short thận trọng hơn trong việc mở vị thế. Vì vậy, thanh khoản thị trường tương lai giảm nhẹ -2,3%, về 140.582 hợp đồng trong phiên cuối cùng của tháng 8. Giá trị giao dịch giảm tương ứng, còn 11.626 tỷ đồng. Trong khi đó, khối lượng hợp đồng mở tiếp tục tăng tốt, lên mức 33.075 hợp đồng.

Diễn biến tích cực trong công tác kiểm soát dịch giúp tâm lý thị trường được nâng đỡ. VN-Index bật tăng ngay từ thời điểm mở cửa và ghi nhận mức đỉnh trong ngày tại mức 888,44 điểm (+1,07%), tuy vậy áp lực chốt lời tăng mạnh khiến chỉ số thu hẹp dần biên độ về tham chiếu trong khoảng thời gian còn lại. Cầu tham gia vào cuối phiên giúp VN-Index tăng nhẹ lúc đóng cửa, đạt 881,65 điểm (+0,3%).

Phiên 31/8 cũng là phiên giao dịch cơ cấu danh mục của các ETF mô phỏng các chỉ số của MSCI, trong đó bao gồm iShares ETF. Hiện iShares ETF có quy mô 371,2 triệu USD, trong đó thị trường Việt Nam chiếm tỷ trọng 11,81%. Mặc dù phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) không ghi nhận biến động đáng kể của VN-Index và VN30-Index, tuy vậy thông tin liên quan đến kỳ cơ cấu của ETF thường khiến tâm lý của một bộ phận nhà đầu tư trở nên thận trọng, qua đó cũng góp phần giải thích cho việc thu hẹp đà tăng của VN-Index trong phiên. Chỉ số đại diện nhóm vốn hóa lớn tiếp tục có vận động tốt nhất, khi VN30 tăng 0,24%.

Khối lượng khớp lệnh qua HOSE tăng nhẹ 2%, tuy vậy kênh thỏa thuận sụt giảm mạnh khiến tổng khối lượng giao dịch giảm -11,4% về 342,6 triệu đơn vị. Tổng giá trị giao dịch trên HOSE cũng giảm -17,7% về 6.314 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên HOSE với quy mô -287,7 tỷ đồng.

SSI Research cho biết, trong phân tích kỹ thuật, chỉ số VN30 cũng đang hình thành một mô hình Wedge tăng (mô hình cái Nêm tăng) và cho thấy động lực tăng giá có phần suy yếu sau một giai đoạn tăng khá mạnh từ vùng đáy 723 điểm. Trong hai phiên gần nhất, chỉ số VN30 đều lùi lại sau khi chạm cạnh trên của Wedge và cho thấy mô hình này đang phát huy tác dụng.

“Xu hướng tiếp theo của chỉ số VN30 sẽ được dự báo bằng việc chỉ số phá cạnh nào của Wedge (giá sẽ tiếp tục xu hướng tăng nếu phá cạnh trên của Wedge hoặc sẽ điều chỉnh giảm nếu phá cạnh dưới). Hiện tại, giá vẫn nằm giữa hai cạnh của Wedge nên chỉ số VN30 nhiều khả năng vẫn tiếp tục dao động với biên độ hẹp trong một vài phiên tới” – SSI Research cho hay./.

Chu Duy

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2020-09-01/phai-sinh-cac-hop-dong-tuong-lai-giang-co-trong-bien-do-hep-91766.aspx