Phái sinh: Thanh khoản giảm khá sâu vì tâm lý thận trọng

Các hợp đồng tương lai đồng thuận tăng điểm trở lại và cùng chiều với chỉ số cơ sở. Tuy nhiên, vì thị trường cơ sở giằng co, tạo tâm lý thận trọng cho cả bên mở vị thế Mua và Bán, khiến thanh khoản tiếp tục suy giảm và hiện ở mức thấp so với mặt bằng 2 tháng gần đây.

Trên thị trường phái sinh phiên 27/8, các hợp đồng tương lai đều tăng điểm cùng chiều với chỉ số cơ sở. Theo đó, các hợp đồng tương lai tăng từ 2,9 điểm đến 6,5 điểm, đều cao hơn mức tăng của chỉ số VN30.

Nỗ lực vào cuối phiên của bên Long giúp hợp đồng tháng 9 tăng 5,8 điểm, đồng thời nới rộng khoảng cách chênh lệch dương lên 4,45 điểm. Nhờ tăng giá tốt nhất (tăng 6,5 điểm) nên hợp đồng tháng 10 cũng ghi nhận chênh lệch dương. Tuy nhiên, 2 hợp đồng còn lại vẫn ghi nhận khoảng cách chênh lệch âm từ -3,45 đến -2,45 điểm.

Mặc dù vậy, thanh khoản thị trường phái sinh tiếp tục giảm khá mạnh. Nguyên nhân là do vận động giằng co liên tục trong biên độ hẹp của hợp đồng tháng 9, qua đó tạo ra tâm lý thận trọng cho cả bên Long và bên Short. Cụ thể, khối lượng giao dịch của hợp đồng tương lai giảm -20%, về mức 126.750 hợp đồng. Giá trị giao dịch vì thế cũng về mức rất thấp, còn 10.342 tỷ đồng. Điểm tích cực là khối lượng mở vẫn tăng tốt, đạt 31.376 hợp đồng.

Trên thị trường cơ sở, giằng co quanh tham chiếu là trạng thái chủ đạo của VN-Index trong phiên 27/8. Chỉ số đóng cửa vẫn giữ vững được sắc xanh, tăng nhẹ 0,14% lên 874.71 điểm. VN30-Index ghi nhận biên độ dao động lớn hơn, kết phiên tại ngưỡng 814,55 điểm (+ 0,27%).

Khối lượng giao dịch trên HOSE giảm -8,1% về 316,3 triệu đơn vị, trong khi giá trị giao dịch giảm -1,4% về 6,1 nghìn tỷ đồng. Tính riêng kênh khớp lệnh, khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch giảm tương ứng -12,9% và -15,2%. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên HOSE với quy mô -234,5 tỷ đồng.

Chỉ số VN30 tiếp tục một phiên đi ngang đi kèm với khối lượng giao dịch giảm dần cho thấy tâm lý giằng co đang chi phối. Tương tự VN-Index, giai đoạn chỉ số đi ngang với khối lượng giao dịch sụt giảm thường dự báo cho đợt tăng mạnh sau đó. Theo SSI Research, khởi đầu cho đợt tăng có thể bắt đầu bằng một phiên tăng điểm mạnh phá vỡ vùng kháng cự 820 điểm; hoặc bằng một phiên giảm điểm mạnh đi về vùng hỗ trợ nằm tại vùng 805 - 810 điểm đi kèm khối lượng giao dịch tăng lên. Cơ hội mua vào cũng sẽ xuất hiện ở cả hai trường hợp trên./.

Chu Duy

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2020-08-28/phai-sinh-thanh-khoan-giam-kha-sau-vi-tam-ly-than-trong-91603.aspx