Phát triển văn hóa của người Tày, Nùng ở vùng đất mới

Xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ) có gần 30% dân số là người Tày, Nùng từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào sinh sống. Vì vậy, nơi đây có nhiều nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

CLB Hát then xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ, biểu diễn tiết mục tiếng Tày Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: L.Na

CLB Hát then xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ, biểu diễn tiết mục tiếng Tày Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: L.Na

Một trong số đó là hát then, hát sli. Không chỉ góp phần phát huy các trị văn hóa của dân tộc, loại hình văn nghệ này còn tạo sự đa dạng và thúc đẩy phong trào văn hóa - văn nghệ ở địa phương.

* Tìm về văn hóa dân tộc

Xã Sông Ray tập trung nhiều đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống. Để duy trì vốn văn hóa đặc trưng của dân tộc, CLB Hát then xã Sông Ray đã được hình thành. Ban đầu chỉ có ít thành viên nhưng hiện tại CLB đã có hơn 30 người tham gia. Mặc dù độ tuổi, công việc khác nhau nhưng định kỳ mỗi tháng họ đều sinh hoạt CLB. Vào các dịp lễ, Tết, CLB tập luyện mỗi tối.

Chủ nhiệm CLB Vi Thị Bích (61 tuổi) cho biết, thời điểm mới vào Sông Ray lập nghiệp, nhà nào cũng lo làm kinh tế nên chưa nghĩ đến chuyện hát then. Sau này kinh tế, con cái ổn định, cùng với phong trào văn hóa - văn nghệ trong xây dựng nông thôn mới được quan tâm đẩy mạnh, bà mới nghĩ đến hát then.

Hát Then là nét văn hóa đặc sắc của người Tày, Nùng, Thái ở vùng miền núi phía Bắc đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2019. Hát then thường diễn ra trong các nghi lễ, ngày hội, dịp vui của người dân tộc. Thông qua giao lưu văn hóa, đi xây dựng kinh tế mới, hát then ngày càng phổ biến ở các địa phương, trong đó có Đồng Nai.

Bà Bích đi vận động những người cùng sở thích tạo thành nhóm, rồi nhờ người biết hát, đàn tính truyền dạy cho những người chưa biết. “Tôi thích hát then lắm, nhưng vì cuộc sống nên đành gác lại. Mãi sau này kinh tế ổn định, tôi mới nghĩ đến việc tập hát. Lúc tập hợp các anh chị lại, tôi cũng lo vì không có thầy dạy, không có đạo cụ. Nhờ các anh, các chị và sự hỗ trợ của xã mà CLB ra đời và ngày càng thu hút đông thành viên” - bà Bích chia sẻ.

Mặc dù bận rộn với con nhỏ, công tác hội phụ nữ, chị Vi Thị Sự (38 tuổi) vẫn nhiệt tình tham gia CLB hát then. Chị Sự cho biết, bản thân sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai nên vốn tiếng Tày của chị rất hạn chế. Nhờ tham gia CLB, tập hát và sinh hoạt chung với những người lớn tuổi mà chị biết thêm tiếng nói của dân tộc, hiểu được ý nghĩa của bài hát, điệu múa.

“Càng học, tôi càng thích hát then. Mỗi câu từ đều dạy mình về cuộc sống, về thiên nhiên, cách làm người. Tôi sẽ học thêm đàn tính để vừa hát, vừa đệm đàn. Tôi muốn sau này có thể như các cô, chú ở đây là dạy hát cho con, em mình biết về cội nguồn” - chị Sự bộc bạch.

Ngoài hát then, CLB còn sưu tầm, luyện tập các điệu hát sli, hát lượn của người Nùng để biểu diễn khi ấp, xã có sự kiện hay những dịp lễ, Tết và tham gia giao lưu với các CLB khác trong và ngoài huyện.

Khác với hát then là có sẵn lời, hát sli và hát lượn là hình thức hát đối đáp, chỉ một số bài có sẵn lời để học thuộc hát lại, còn lại đòi hỏi người hát phải ứng biến, sáng tạo các vần thơ, điệu hát vừa bày tỏ được điều muốn nói, vừa có nghĩa, có vần. Chính vì vậy, hát sli, hát lượn khó hơn hát then.

* Phong phú đời sống tinh thần

Ông Vi Văn Thứ, thành viên hơn 70 tuổi của CLB Hát then xã Sông Ray chia sẻ, 2 đạo cụ không thể thiếu trong hát then là đàn tính và xóc nhạc. Mỗi nhạc cụ đều có câu chuyện, ý nghĩa riêng thể hiện mối quan hệ thiên nhiên, con người và vũ trụ. Chẳng hạn, đàn tính có phần cán thường làm bằng thân cây dâu rừng, vừa nhẹ vừa mang ý nghĩa xua đuổi tà ma. Xóc nhạc là những chiếc chuông lớn, nhỏ được làm từ chất liệu đồng thể hiện sự ấm no, sung túc của mỗi gia đình. Về âm thanh của các nhạc cụ, âm trầm là sự mất mát, là nỗi buồn, còn âm bổng và to thể hiện niềm vui, niềm hạnh phúc.

Các cặp đôi hát sli, loại hình âm nhạc phổ biến của người Nùng ở xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ

Các cặp đôi hát sli, loại hình âm nhạc phổ biến của người Nùng ở xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ

Chủ nhiệm CLB Hát then xã Sông Ray Vi Thị Bích cho rằng, việc thành lập CLB và duy trì sinh hoạt hát then không chỉ giữ gìn nét đẹp văn hóa của người Tày, Nùng mà còn làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân trên địa bàn xã. Bằng chứng là các buổi luyện tập, biểu diễn của CLB thu hút đông người dân đến xem, số lượng thành viên tham gia ngày càng nhiều. Do vậy, CLB mong muốn các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để hát then ngày một phát triển.

Phó chủ tịch UBND xã Sông Ray Bùi Thị Liên thông tin, trên địa bàn xã có 28,6% dân số là người dân tộc Tày, Nùng đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Năm 2020, xuất phát từ chỗ thực hành hát then của người Tày, Nùng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và nhu cầu đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng cao, xã thành lập CLB hát then. Từ đó đến nay, CLB không chỉ là sân chơi bổ ích và góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của người Tày, Nùng mà còn thúc đẩy phong trào văn hóa - văn nghệ trong xây dựng nông thôn mới của xã.

Bên cạnh đó, CLB hát then ra đời góp phần loại bỏ những hủ tục lạc hậu, tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng. Năm 2023, xã dự định sẽ thành lập mỗi ấp một CLB hát then tại 5 ấp có đông đồng bào dân tộc sinh sống, hỗ trợ một phần kinh phí mua sắm đạo cụ, trang thiết bị. Đồng thời, tổ chức 1-2 chương trình giao lưu để khuyến khích duy trì phong trào tập luyện. Xã kiến nghị huyện đầu tư một cơ sở vật chất văn hóa là nhà sàn, tạo không gian sinh hoạt thường xuyên cho các CLB.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202302/phat-trien-van-hoa-cua-nguoi-tay-nung-o-vung-dat-moi-3155954/