Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì họp về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Sáng 8.6, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Cùng dự có: Thường trực Ủy ban Pháp luật và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện các bộ, ngành, đơn vị liên quan và thành phố Hà Nội.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội quy định cho phép xây dựng tuyến đê mới, xây dựng công trình mới để khai thác hiệu quả quỹ đất tại các bãi sông, bãi nổi thuộc các tuyến sông có đê trên địa bàn TP. Hà Nội; UBND TP. Hà Nội có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại khu vực này theo trình tự, thủ tục do HĐND thành phố quy định (chuyển thẩm quyền phê duyệt từ Thủ tướng Chính phủ cho TP. Hà Nội).
Qua thảo luận tại Hội trường, ý kiến của đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung quy định trong dự thảo Luật. Có ý kiến cho rằng, việc cho phép TP. Hà Nội được xây dựng các công trình trong khu vực không gian thoát lũ, tại bãi sông, bãi nổi nhưng phải tuân thủ theo pháp luật về đê điều thì khó có thể xử lý được những vướng mắc, bất cập mà thành phố đang gặp phải hiện nay. Vì vậy, đề nghị chỉnh lý theo hướng mở rộng phạm vi xây dựng các công trình mà không phụ thuộc vào các quy định của pháp luật về đê điều.
Mặt khác, Chính phủ đề nghị bổ sung quy định UBND TP. Hà Nội xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng công trình tại bãi sông, bãi nổi tại khoản 7 Điều 18 dự thảo Luật.
Tại phiên họp, các ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định của dự thảo Luật thể hiện sự phân quyền cho TP. Hà Nội trong việc phát triển tiềm năng, tận dụng quỹ đất sẵn có tại các bãi sông, bãi nổi phù hợp với các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khi đã phân quyền cho Thành phố thì nên phân quyền triệt để, giảm các thủ tục hành chính có liên quan để khâu tổ chức thực hiện được nhanh chóng, kịp thời, rõ trách nhiệm. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy cần tham vấn ý kiến các Bộ chuyên môn thì TP. Hà Nội sẽ chủ động thực hiện mà không nên quy định thành thủ tục bắt buộc, đồng thời, các cơ quan nhà nước cấp trên vẫn có quyền thanh tra, kiểm tra, khuyến cáo, khuyến nghị và xử lý nếu phát hiện vi phạm.
Liên quan đến ý kiến mở rộng đối tượng được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết trên địa bàn TP. Hà Nội, các đại biểu cho rằng, việc mở rộng cho tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập của các cơ quan Trung ương) sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến việc xác định trình tự, thủ tục, cơ chế thực hiện, trách nhiệm trong việc quản lý tài sản công. Do đó, đề nghị chưa mở rộng đối tượng mà việc thực hiện nội dung này tại các đơn vị sự nghiệp công lập còn lại sẽ chờ khi Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định nói trên để có cơ chế áp dụng thống nhất.
Về quy định cho phép TP. Hà Nội thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) trong một số lĩnh vực và nhà đầu tư được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất, có ý kiến đề nghị, để bảo đảm thận trọng, có cân nhắc, tính toán kỹ các yếu tố, chỉ nên quy định trong dự thảo Luật về loại hợp đồng BT thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước. Cũng có ý kiến cho rằng, nên giữ nguyên như dự thảo Luật là bao gồm thanh toán bằng quỹ đất, tuy nhiên, cần xem xét để quy định bảo đảm chặt chẽ hơn.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục chủ trì, phối hợp với TP. Hà Nội, Bộ Tư pháp tiếp thu, chỉnh lý các điều khoản, hoàn thiện dự thảo Luật và gửi lấy ý kiến Chính phủ. Trong đó, rà soát kỹ lưỡng Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, của Trung ương và các cơ quan có thẩm quyền; lưu ý về kỹ thuật lập pháp, từ ngữ trong dự thảo Luật để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật; thể hiện được 9 chính sách lớn đã đề ra khi xây dựng Luật.